Điều kiện môi sinh và thổ nhưỡng với hệ thống sông, ngòi, ao, hồ, kênh, rạch... đã sản sinh ra nguồn sản vật dồi dào, phong phú cho cư dân nơi đây như cá, tôm, cua, ốc, ếch, lươn, rắn, chuột... cùng với nhiều loại rau đồng. Không cầu kì về nguyên liệu và gia vị, không có nguyên tắc chính thống về phương thức chế biến nhưng ẩm thực của người dân An Giang vẫn đảm bảo sự tươi ngon, hấp dẫn của từng món ăn. Những sản vật từ thiên nhiên rẻ tiền, tươi ngon qua bàn tay khéo léo của người dân đã được chế biến thành những món ăn ngon, hấp dẫn.
Chính từ sự giàu có, đa dạng của sản vật đã tạo nên tính chất phóng khoáng cho văn hóa ẩm thực An Giang và từ đó có nhiều món ăn mang đậm phong vị địa phương hấp dẫn du khách. Trong đó, văn hóa ẩm thực của người Chăm An Giang có nhiều nét riêng biệt. Người Chăm An Giang không ăn thịt heo nên sử dụng thịt bò, gà, dê, cá là chủ yếu. Trong các món ăn của họ, hầu như món nào cũng sử dụng nước cốt dừa và liều lượng gia giảm tùy theo từng món ăn. Cà ri, cà púa hay cà rìng, cơm nị là món ăn truyền thống, đặc trưng trong những ngày lễ, tết của họ. Món cà ri được chế biến bằng các nguyên liệu như thịt bò (gà, dê, cá), gừng, quế khâu, nước cốt dừa, bột cà ri, cơm dừa rang vàng… Tung lò mò (lạp xưởng bò) là món ăn truyến thống nổi tiếng lâu đời của người Chăm, được làm từ thịt bò xay trộn cùng cơm nguội và nhiều loại gia vị bí truyền dồn vào ruột bò. Người Chăm còn nổi tiếng với món bánh chiếc nhẫn hay còn gọi là bánh nghệ, bánh thon dót, bánh chôm chôm, bánh hột mít… Những loại bánh này đều mang những ý nghĩa tốt lành, cầu chúc cho người thưởng thức được giàu sang, hạnh phúc. Những nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực và phong cách ăn uống cùng yếu tố thẩm mỹ của các món ăn dân tộc Chăm đã góp phần đa dạng hóa văn hóa ẩm thực An Giang và tăng giá trị tài nguyên du lịch của các làng Chăm.
Tuy không cầu kỳ và bắt mắt trong trang trí nhưng văn hóa ẩm thực của người Khmer An Giang rất phong phú, đa dạng và mang bản sắc riêng, thể hiện được cách ứng xử linh hoạt của con người với thiên nhiên. Trong đó, có các món tiêu biểu như cốm dẹp, mắm bò hóc, canh sim lo... có hương vị đậm đà, đặc trưng, được các tộc người cộng cư ưa thích và dần trở thành những món ăn quen thuộc trong đời sống của người dân An Giang. Người Khmer có nhiều món ăn đặc sản truyền thống, tiêu biểu là mắm. Gia vị ưa thích là vị chua (từ quả me) và cay (hạt tiêu, tỏi, sả, ca ri...).
Những món ăn, thức uống được chế biến từ thốt nốt đã chiếm một vị trí quan trọng nhất trong nền ẩm thực An Giang. Cây thốt nốt được xem là tặng phẩm quý giá của thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này, tạo nên những đặc sản nổi tiếng trong và ngoài nước. Đường thốt nốt, nước thốt nốt, thạch thốt nốt, bánh bò thốt nốt, bia chua thốt nốt… là những đặc sản vùng Bảy Núi đáp ứng nhu cầu khám phá văn hóa ẩm thực của du khách. Thêm vào đó, bánh Kà tum chỉ có ở vùng Ô Lâm (huyện Tri Tôn) làm bằng nếp và đậu trắng được gói bằng lá cây thốt nốt có bề ngoài xinh xắn giống như trái lựu, mang ý nghĩa của sự đủ đầy, sung túc thường có mặt trong các dịp lễ, tết truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer An Giang cũng được xem là món quà ý nghĩa cho du khách.
An Giang còn nổi tiếng với nhiều món ăn mang tính giao lưu tiếp biến văn hóa của các dân tộc như khô, mắm, gỏi sầu đâu, gà hấp lá chúc, bún cá… Đây là những món ăn ngon nổi tiếng, được nhiều du khách yêu thích khi đến An Giang.
Thành phố Châu Đốc được mệnh danh là vương quốc mắm vì hầu hết các chợ trong vùng đều có một khu dành riêng bán các loại mắm: mắm chốt, mắm sặt, mắm trèn, mắm thái... Trong đó, thương hiệu mắm Bà Giáo Khỏe đã lưu truyền bí quyết qua 5 đời, nổi tiếng khắp vùng Nam Bộ. Đây được xem là một trong sản phẩm chủ đạo của thành phố Châu Đốc phục vụ nhu cầu mua sắm của đông đảo khách du lịch nội địa.
Những món quà thiên nhiên hào phóng ban tặng trong mùa nước nổi đã góp phần làm phong phú, đa dạng nền văn hóa ẩm thực An Giang, trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của địa phương. Ẩm thực mùa nước nổi chỉ có ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó An Giang là nơi đầu tiên nhận con nước về và có mùa nước nổi kéo dài, mang đến cho du khách vô số món ăn hấp dẫn như cá lóc đồng nướng trui, chuột đồng quay lu, cá linh nướng vĩ, cá linh kho lạt, gỏi tép rong bông súng đồng, điên điển muối chua, cà na đập, ốc lát nướng tiêu… Bằng sự sáng tạo của mình, người dân An Giang đã mang hương vị mùa nước nổi đến thực khách sành ăn với món cá linh kho mía đóng hộp, giúp du khách vận chuyển dễ dàng hơn, thuận tiện cho việc mua sắm và thưởng thức đặc sản của khách du lịch. Nếu tham gia các tour mùa nước nổi, du khách được trải nghiệm đánh bắt và hướng dẫn cách chế biến các món ăn đặc sắc này.
Ẩm thực An Giang còn thu hút du khách với nhiều món ăn gắn liền với các địa danh. Bánh canh Vĩnh Trung (huyện Tịnh Biên) được làm bằng gạo lúa sóc nên cọng bánh mềm, dai có mùi thơm đặc trưng cùng độ dẻo tự nhiên. Bò bảy món Núi Sam (thành phố Châu Đốc) với lòng bò luộc, bò đun bánh hỏi, cháo bò, bò khìa bánh mì, bò xào lá giang, bò lúc lắc và bò bít tết luôn được đánh giá là thơm ngon, đặc sắc. Xôi phồng Chợ Mới (huyện Chợ Mới) ăn kèm gà quay là món ăn dễ làm du khách hài lòng. Bò leo núi Tân Châu (thị xã Tân Châu) lôi cuốn bởi tên gọi, cách chế biến, cách thưởng thức, độ mềm mại và sự thơm ngọt. Bánh xèo Núi Cấm (huyện Tịnh Biên) lôi cuốn thực khách bởi hơn 20 loại rau rừng ăn kèm...
Việc khai thác hợp lý các tài nguyên văn hóa ẩm thực vào hoạt động du lịch sẽ góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống và tăng sức hấp dẫn của Du lịch An Giang.
Nguyễn Thị Mỹ Duyên
Nguyễn Thị Hoài Thanh
Lê Thị Tố Quyên
(Tạp chí Du lịch tháng 6/2022)