Kết quả nghiên cứu
Tác giả đã tiến hành khảo sát đối với 360 khách nội địa đã đến du lịch Hà Giang, trong đó khách từ Hà Nội chiếm 25,5%, từ các tỉnh miền Bắc chiếm 40,5%, từ TP. Hồ Chí Minh chiếm 15,2%, các địa phương khác chiếm 18,7%. Du khách tham gia cuộc khảo sát chủ yếu ở độ tuổi 18 đến 35 (chiếm 74%) với hình thức đi chủ yếu theo đoàn (chiếm 72,1%). Trong 360 phiếu khảo sát phát ra thì có 3 phiếu bị loại do không đạt yêu cầu kiểm định, còn lại 357 phiếu hợp lệ để phân tích.
Kết quả khảo sát cho thấy, quyết định lựa chọn điểm đến của khách du lịch nội địa phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó giá cả sản phẩm du lịch và công tác truyền thông quảng bá đóng vai trò quan trọng đặc biệt đối với du khách. Nghiên cứu có mô hình lí thuyết khá phù hợp với các nghiên cứu trước đó. Các giả thuyết phù hợp bao gồm: Giả thuyết H5: Giá cả sản phẩm du lịch tại Hà Giang (giá dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận chuyển, hàng hóa lưu niệm, vé tham quan…) có ảnh hưởng tích cực đến quyết định lựa chọn điểm đến du lịch của du khách. Giả thuyết H2: Quảng bá có ảnh hưởng tích cực đến quyết định lựa chọn điểm đến của du khách. Giả thuyết H1: Động cơ có ảnh hưởng tích cực đến quyết định lựa chọn điểm đến. Các giả thuyết trên có hệ số beta dương thể hiện tính chất thuận chiều giữa biến độc lập và biến phụ thuộc.
Giá cả có ảnh hưởng tích cực đến quyết định lựa chọn điểm đến của du khách. Nếu giá sản phẩm du lịch tại Hà Giang càng cao thì khách càng cân nhắc trong việc đưa ra quyết định lựa chọn đi du lịch. Đây cũng là cơ sở để các công ty du lịch lữ hành xem xét trong việc thiết kế và cung cấp tour phù hợp với du khách nội địa. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay có rất nhiều yếu tố tác động đến kinh tế, thu nhập của khách du lịch nên việc tối ưu hóa giá cả để tạo ra sức thu hút và cạnh trạnh là yếu tố rất quan trọng mà Hà Giang cần chú ý.
Động cơ của du khách là vấn đề cần được tiếp tục tìm hiểu và khảo sát để thấy được các yếu tố chính nào ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn điểm đến Hà Giang.
An toàn là yếu tố được du khách quan tâm hiện nay. Ngoài dịch bệnh, sự an toàn an ninh, nạn trộm cắp, móc túi, ăn xin, lừa đảo cần được loại bỏ triệt để để tạo niềm tin cho du khách. Ngoài ra, cần quan tâm đến an toàn vận chuyển khách đối với các cung đường và địa hình phức tạp tại Hà Giang.
Chất lượng là yếu tố tác động thứ năm, cũng là yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn điểm đến Hà Giang của du khách. Vì vậy, cần quan tâm nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, đặc biệt chú ý việc kiểm soát chất lượng khi người dân bản địa tham gia vào kinh doanh homestay tại các bản làng, thôn…
Đề xuất một số giải pháp
Để tạo ra sức cạnh tranh và thu hút khách du lịch nội địa, Hà Giang cần xây dựng chính sách giá theo từng nhóm dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận chuyển, vé tham quan và sản phẩm quà lưu niệm; có sự đối sánh với các địa phương khác và niêm yết công khai để doanh nghiệp, cộng đồng địa phương và du khách hiểu rõ. Điều này sẽ tạo ra sự tin tưởng cho du khách khi quyết định lựa chọn điểm đến tại Hà Giang. Yếu tố này cũng sẽ tạo ra sự cạnh tranh minh bạch giữa các đơn vị doanh nghiệp kinh doanh lưu trú, nhà hàng và lữ hành, giúp thu hút nhà đầu tư phát triển hệ thống lưu trú theo loại hình homestay tại các điểm du lịch của Hà Giang.
Hà Giang cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, truyền thông quảng bá với mục tiêu xây dựng thương hiệu du lịch Hà Giang - an toàn - thân thiện - hấp dẫn. Các hoạt động này cần được thực hiện đa dạng, kết hợp linh hoạt giữa hình thức trực tiếp và trực tuyến, giới thiệu đến du khách những tiềm năng, thế mạnh, cùng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, mở ra cơ hội hợp tác đầu tư du lịch tại Hà Giang. Các hoạt động trực tiếp có thể là tổ chức các sự kiện phát động kích cầu thị trường tại các trung tâm lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh; tham gia các hội chợ du lịch kết nối doanh nghiệp, giới thiệu điểm đến; các chương trình khảo sát điểm đến, sản phẩm cho các doanh nghiệp lữ hành và các cơ quan báo chí truyền thông... Đồng thời, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ và gia tăng các giá trị trải nghiệm mang đậm bản sắc độc đáo văn hóa của địa phương, tạo lập hình ảnh vị thế riêng có, mang lại ấn tượng mạnh cho du khách; thành lập các trung tâm hỗ trợ du khách tại các điểm du lịch như Lũng Cú, Đồng Văn, Hoàng Su Phì, Cổng trời Quản Bạ, làng văn hóa Lũng Cẩm…
Quan tâm công tác quản lý điểm đến: quản lý công tác quy hoạch và đầu tư, kinh doanh dịch vụ du lịch gắn với việc bảo vệ, khai thác tài nguyên du lịch tự nhiên, văn hóa; cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường tại các khu, điểm du lịch; kiên quyết xử lý các hiện tượng tiêu cực như lừa đảo, ép giá, trộm cắp tại các điểm đến; xây dựng hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn, điểm cung cấp thông tin phục vụ khách tại các khu, điểm thu hút đông khách du lịch.
Tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng các dân tộc về vị trí, vai trò của du lịch; chú trọng đào tạo nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách, ý thức giữ gìn tài nguyên môi trường, bảo tồn di sản văn hóa cho đội ngũ tham gia phục vụ du lịch…; có giải pháp hỗ trợ phát triển loại hình homestay kết hợp khai thác giá trị ẩm thực truyền thống ở các địa phương tại Hà Giang nhằm thu hút khách du lịch nội địa; nghiên cứu phục hồi hoạt động cưỡi ngựa cho du khách tham quan các làng bản và ngắm cảnh núi rừng vốn là thế mạnh của Hà Giang.
Tài liệu tham khảo
1. Cohen, SA, G Prayag, M Moital - Current issues in Tourism, and undefined 2014. 2013. “Consumer Behaviour in Tourism: Concepts, Influences and Opportunities.” Taylor & Francis 17(10): 872–909. https://www.tandfonline. com/doi/abs/10.1080/13683500.2013.850064 (May 31, 2022).
2. Hsu, Cathy H.C., and Songshan Huang. 2012. “An Extension of the Theory of Planned Behavior Model for Tourists.” Journal of Hospitality and Tourism Research 36(3): 390–417.
3. Thơ, NT Lộc - Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần, and undefined 2021. 2021. “Tác Động Của Sự Hấp Dẫn Của Điểm Đến và Sự Hài Lòng Với Điểm Đến Tới Hành vi Có Trách Nhiệm Với Môi Trường Của Khách Du Lịch: Trường Hợp Tại Thành Phố Đà Nẵng.” ctujsvn.ctu.edu.vn 57: 245–54.
4. https://ctujsvn.ctu.edu.vn/index.php/ctujsvn/article/view/3978 (May 31, 2022).
5. Vuuren, C Van, E Slabbert - African Journal for Physical Health, and undefined 2011. “Travel Behaviour of Tourists to a South African Holiday Resort.”
ThS. Hoàng Ngọc Hiển
(Tạp chí Du lịch tháng 8/2022)