NHỮNG BƯỚC CHUYỂN TÍCH CỰC
Qua 3 năm (2003 - 2008) triển khai thực hiện Quyết định số 194 của Chính phủ và các Nghị quyết, Chương trình hành động của Tỉnh, hoạt động du lịch của Bình Thuận đã có bước chuyển biến tích cực và đạt được một số kết quả nổi bật.
Thời gian qua, công tác quy hoạch phát triển du lịch được Tỉnh hết sức quan tâm. Tỉnh đã tiến hành xây dựng quy hoạch tổng thể về phát triển du lịch; hoàn thành xây dựng quy hoạch chi tiết phát triển các khu du lịch, mở rộng địa bàn du lịch và đa dạng hóa sản phẩm du lịch; thường xuyên chỉ đạo các ngành, các địa phương phối hợp, rà soát điều chỉnh sự trùng lắp giữa quy hoạch phát triển du lịch và quy hoạch phát triển các ngành kinh tế khác. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã xây dựng và ban hành các chính sách thu hút kêu gọi đầu tư vào các khu, điểm du lịch, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; tập trung kêu gọi đầu tư, nâng cấp khu du lịch Phan Thiết - Mũi Né, Tiến Thành, Hàm Thuận Nam, La Gi, Hòa Thắng - Bắc Bình, chùa Hang - Tuy Phong, Hàm Thuận - Đa Mi, thác Bà - Tánh Linh...
Trong 3 năm qua, Tỉnh đã dành gần 2.300 tỷ đồng đầu tư kết cấu hạ tầng phát triển du lịch; tập trung nhiều nguồn vốn để khai thác tiềm năng du lịch ven biển, xây dựng tuyến đường Hòn Lan - Kê Gà - Hòa Thắng; đường ven biển La Gi, hệ thống chiếu sáng đường Tiến Thành - Kê Gà, đường 706B và các công trình về điện, bưu chính viễn thông, cấp thoát nước, xử lý chất thải... Bên cạnh đó, Tỉnh đã tiến hành trùng tu, tôn tạo các di tích văn hóa lịch sử và nâng cao chất lượng hoạt động các lễ hội nhằm thu hút và kéo dài thời gian lưu trú của du khách.
Công tác quản lý nhà nước được chú ý bằng các biện pháp nhằm bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát, quản lý chất lượng và giá cả các loại dịch vụ du lịch được tăng cường kiểm tra và quan tâm thực hiện; an ninh trật tự ở các khu du lịch được giữ vững, khắc phục được tình trạng hành khất, bán vé số làm phiền du khách. Hoạt động tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch được coi trọng đúng mức, chất lượng ngày càng nâng cao; từng bước chuyên nghiệp hóa và xã hội hóa công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư trên lĩnh vực du lịch.
Đến nay, Tỉnh đã có thêm 70 dự án đăng ký đầu tư, nâng số dự án đầu tư trong lĩnh vực du lịch còn hiệu lực lên 410 dự án, với diện tích đất được cấp là 5.861,5 ha và 39.726 tỷ đồng vốn đăng ký; trong đó, có 28 dự án đầu tư có vốn nước ngoài với diện tích được cấp 2.307,5ha, vốn đăng ký 11.516 tỷ đồng; hiện đã có 118 dự án đi vào hoạt động, 93 dự án đang triển khai xây dựng. Đặc biệt, một số dự án có quy mô khá lớn được đầu tư xây dựng trong thời gian gần đây như: sân golf Sealink Phan Thiết 134,8ha; khu du lịch cao cấp Hòn Rơm - Mũi Né 107ha, Hố Lở 278 ha, khu du lịch thung lũng Đại Dương 999 ha (Tiến Thành - Phan Thiết), dự án Sài Gòn - Hàm Tân 200 ha; nhà nghỉ biển - biệt thự và sân golf Sơn Mỹ 176,9 ha, khu du lịch và dịch vụ quốc tế cao cấp 330 ha (Hàm Tân)...
Các cơ sở hoạt động trên lĩnh vực du lịch đã từng bước được đầu tư, nâng cấp đảm bảo yêu cầu phục vụ du khách quốc tế và nội địa. Đến nay, toàn Tỉnh có 133 cơ sở lưu trú kinh doanh du lịch, với 4.937 phòng nghỉ. Các cơ sở du lịch ngày càng đa dạng về loại hình và được nâng cao về chất lượng như sân golf Sealink 18 lỗ, vũ trường HollyWood Night, siêu thị Co.op Mart, khu vui chơi giải trí Suối Cát... Các loại hình dịch vụ hỗ trợ cho hoạt động du lịch phát triển nhanh với 14 cơ sở kinh doanh lữ hành, 28 cơ sở kinh doanh nhà hàng, ăn uống giải khát...
Lao động trong ngành Du lịch tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng. Hiện toàn Tỉnh có 4 cơ sở, hàng năm đào tạo từ 400 - 600 học viên - nguồn lao động phục vụ tại các khu, điểm du lịch. Các doanh nghiệp du lịch cũng tích cực tự đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý và nhân viên phục vụ theo hình thức đào tạo tại chỗ và tham gia các lớp đào tạo viên do Dự án Phát triển nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam (Dự án EU) tổ chức.
Nhờ đó, lượng du khách đến Bình Thuận tăng bình quân hàng năm xấp xỉ 17%, trong đó khách quốc tế chiếm trên 10%; doanh thu từ du lịch tăng bình quân 25%/năm; góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động.
ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Để Du lịch Bình Thuận phát triển bền vững, khắc phục hạn chế, khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế, ngành Du lịch Bình Thuận cần đẩy mạnh triển khai thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, từ thực tiễn phát triển du lịch hiện nay, đi sâu nghiên cứu, đánh giá các loại sản phẩm du lịch, mô hình phát triển du lịch hoạt động hiệu quả, phù hợp ở từng địa bàn để từ đó không ngừng hoàn thiện, nâng cao chất lượng, luôn luôn tạo ra nét mới, tạo sức hấp dẫn, tránh gây nhàm chán đối với du khách; tiếp tục nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ tại khu du lịch trọng điểm Hàm Tiến - Mũi Né.
Thứ hai, khuyến khích phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ, vui chơi giải trí, thể thao phù hợp với điều kiện, lợi thế tự nhiên của Tỉnh. Tiếp tục nghiên cứu, khai thác các sản phẩm du lịch mới, phát triển thêm các tuyến du lịch nối khu du lịch trọng điểm Phan Thiết với Hàm Thuận - Đa Mi, Bắc Bình, Tuy Phong, Tánh Linh... Khai thác lợi thế về biển, hồ, thác, đồi, rừng của địa phương.
Thứ ba, tạo môi trường thật sự thông thoáng, thuận lợi để thu hút đầu tư và thúc đẩy du lịch không ngừng phát triển. Trước hết, cần tập trung bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và môi trường, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát quản lý chất lượng và giá cả các loại hình dịch vụ du lịch; giữ vững an ninh trật tự ở các khu du lịch; tiếp tục đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, nước, điện gắn với phát triển cây xanh; thực hiện tốt chính sách ưu đãi đầu tư đối với những vùng thuộc diện ưu đãi.
Thứ tư, đẩy mạnh công tác giáo dục, bồi dưỡng ý thức phát triển du lịch, nâng cao trình độ dân trí, năng lực giao tiếp, ứng xử của nhân dân, trước hết ở các khu dân cư trong vùng du lịch và những lĩnh vực thường xuyên quan hệ giao tiếp với du khách. Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch cả trước mắt và lâu dài.
HỮU CƠ
Văn phòng Tỉnh uỷ Bình Thuận