Tham dự tọa đàm có Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, ông Nguyễn Trùng Khánh – Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên và lãnh đạo Tập đoàn FLC, các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh Bình Định.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Lâm Hải Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, Bình Định là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, với nhiều di tích văn hóa rất phù hợp cho phát triển du lịch, nghỉ dưỡng. Nơi đây còn là cái nôi của nghệ thuật tuồng, môn võ thuật cổ truyền, trong đó nghệ thuật hát chòi được UNESCO công nhận. Bình Định cũng là nơi nuôi dưỡng nhiều danh nhân văn hóa được nhiều người biết đến. Với những tiềm năng phát triển du lịch nhưng làm thế nào để thu hút đầu tư, phát triển luôn là trăn trở của các ban ngành tại đây. Thời gian qua, tỉnh không ngừng phát triển cơ sở hạ tầng, nhiều quần thể nghỉ dưỡng như quần thể du lịch FLC, resort cao cấp... và rất nhiều công trình được xây dựng, phát triển. Với sự nỗ lực và quyết tâm triển khai thu hút du lịch, Bình Định thu hút lượng lớn khách du lịch, trở thành điểm khám phá mới được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã và đang tác động tới đời sống kinh tế - xã hội, trong đó du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Buổi tọa đàm hôm nay thể hiện quyết tâm lớn của lãnh đạo tỉnh để cùng các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp... trao đổi, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thiết lập mối quan hệ hợp tác trong bối cảnh bình thường mới, "biến" Bình Định thành điểm đến an toàn – hấp dẫn, tạo cơ hội cho du lịch không ngừng phát triển trong thời gian tới”.
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (TCDL) đánh giá cao sự tích cực hưởng ứng, chủ động triển khai các chương trình, kế hoạch kích hoạt du lịch của Sở Du lịch, UBND tỉnh Bình Định với chủ đề phù hợp với bối cảnh và yêu cầu "Điểm đến an toàn, trải nghiệm hấp dẫn".
Theo Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Trùng Khánh, từ tháng 9, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã ban hành Kế hoạch định hướng các địa phương triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi du lịch trong những tháng cuối năm 2021 và cả năm 2022, tập trung vào 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gồm: Đảm bảo an toàn tại điểm đến và an toàn cho khách du lịch; Tăng cường hoạt động truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch; Phát triển đa dạng sản phẩm đáp ứng xu hướng mới của thị trường; Đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong ngành Du lịch; Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh phục hồi hoạt động du lịch và Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi hoạt động du lịch.
Tháng 10/2021, Tổng cục Du lịch đã tổ chức họp trực tuyến với 25 địa phương trọng điểm về du lịch bàn về tái khởi động hoạt động du lịch; họp trực tuyến với Bộ Ngoại giao và các đại sứ, lãnh đạo của 15 cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại các thị trường du lịch trọng điểm để phối hợp xúc tiến quảng bá du lịch tới khách quốc tế trọng điểm; làm việc với các hãng hàng không, lữ hành hàng đầu Việt Nam nhằm bàn giải pháp kết nối, khai thác thị trường, chuẩn bị từng bước mở cửa thị trường khách quốc tế. Định hướng chung cho giai đoạn phục hồi 2021 và 2022, Du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục chú trọng khai thác thị trường du lịch nội địa; đặt yếu tố du lịch an toàn lên hàng đầu, đồng thời mang lại trải nghiệm thật sự ấn tượng, khó quên.
"Bên cạnh đó, Bộ VHTTDL, TCDL cùng các địa phương, doanh nghiệp chuẩn bị thật tốt để mở cửa du lịch quốc tế theo lộ trình, tiến tới phục hồi hoàn toàn trong bối cảnh bình thường mới. Chúng tôi cũng ghi nhận và đánh giá cao tỉnh Bình Định đã chính thức đề xuất để được cùng một số địa phương tiên phong đón khách quốc tế trong giai đoạn thí điểm", ông Khánh nói.
Cũng theo ông, để mục tiêu tái khởi động du lịch được thực hiện thành công, đòi hỏi toàn ngành Du lịch cần có sự phối hợp chặt chẽ và có kế hoạch hành động cụ thể từ Trung ương tới địa phương, từ các cơ quan quản lý nhà nước đến các hiệp hội, doanh nghiệp. Trong thời gian tới, Bình Định cần triển khai tốt Nghị quyết về việc "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" của Bộ VHTTDL; Tăng cường liên minh liên kết, phối hợp chặt chẽ trong phục hồi du lịch, trong đó có sự liên kết giữa các sở ban ngành trong tỉnh, giữa Bình Định với các địa phương khác, phát huy hiệu quả liên kết Bình Định - Hà Nội; đảm bảo hài hòa về quy định đi lại giữa các địa phương nhằm tạo điều kiện trao đổi khách an toàn, hiệu quả. Tận dụng lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, Bình Định nên chú trọng nâng cao chất lượng các loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển, sinh thái, du lịch văn hóa để mang lại trải nghiệm hấp dẫn cho du khách sau thời gian dài bị tác động bởi COVID-19.
Bên cạnh đó, Bình Định cần đẩy mạnh truyền thông, xúc tiến quảng bá các sản phẩm, chương trình du lịch thu hút du khách; ứng dụng công nghệ thông tin và thúc đẩy chuyển đổi số nhằm hỗ trợ hiệu quả phục hồi du lịch. Tiếp tục tạo điều kiện, có chính sách hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Phát huy hợp tác công tư, sự vào cuộc của các tập đoàn, các nhà đầu tư lớn điển hình là tập đoàn FLC cho sự phát triển của du lịch địa phương.
Do đó, Bình Định cần có những bước chuẩn bị tích cực về sản phẩm, năng lực phục vụ, kế hoạch đón khách quốc tế trở lại đảm bảo an toàn, thuận lợi cho khách du lịch, người lao động, cộng đồng dân cư và doanh nghiệp. Nhân dịp này, Tổng cục Du lịch đánh giá cao nỗ lực của các địa phương, doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay và đồng lòng ủng hộ các chương trình, hoạt động kích cầu du lịch. Ngành Du lịch rất mong tiếp tục nhận được sự đồng hành của địa phương, điểm đến, doanh nghiệp, các cơ quan truyền thông trong giai đoạn phục hồi, phát triển tới đây.
Cần thay đổi nhận thức để khôi phục và phát triển ngành du lịch
Tại phiên một "Du lịch Xanh trong bối cảnh mới" sẽ phân tích về sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cũng như các nỗ lực, giải pháp cụ thể và sáng tạo của Bình Định cùng các đơn vị lưu trú, lữ hành, du lịch... để kích hoạt các chương trình du lịch an toàn và hấp dẫn cho thị trường nội địa.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho biết, Bình Định có tiềm năng vô cùng to lớn, đang tiệm cận trở thành trung tâm du lịch của Nam Trung Bộ, tương lai sẽ thu hút khách nhiều nhất ở khu vực miền Trung. Ngành du lịch phải chuyển hướng vừa làm vừa khắc phục: thích ứng an toàn, linh hoạt... Các sản phẩm cần sáng tạo và linh hoạt, làm các tour du lịch phải kèm theo điều kiện bảo vệ du khách, người dân. Nỗ lực bản thân các doanh nghiệp cũng là cần thiết, quyết định đến yếu tố khôi phục thành công của Ngành.
Theo ông, doanh nghiệp nào đảm bảo đủ điều kiện, sẽ cho hoạt động. Tùy theo vùng xanh - vàng để tổ chức. "Tôi thấy những địa phương nào muốn trở lại du lịch sớm, chúng ta phải làm mạnh mẽ, phải chia vùng. Vấn đề quyết định ở đây là địa phương đưa ra giải pháp cụ thể, khả thi còn các doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm túc các cách phòng chống COVID-19 từ địa phương. Điều quan trọng nhất là thay đổi nhận thức của mọi người, không quá lo sợ COVID-19 mà dừng việc khôi phục và phát triển. "Cần khôi phục nhanh nhất hoạt động du lịch, vì đây là đầu tàu để lôi kéo các ngành, tất nhiên có những khó khăn nhưng cần sự nỗ lực, tích cực tận dụng mọi yếu tố để phát triển, đưa du lịch trở lại trạng thái bình thường mới", ông Bình khẳng định.
Ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Bình Định chia sẻ, tỉnh Bình Định đã ban hành văn bản thay đổi một số biện pháp giãn cách, mở cửa lại các hoạt động kinh doanh – dịch vụ, cơ sở lưu trú, điểm tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh, đặc biệt đón khách du lịch vào đầu tháng 11. Hiện tại, tỉnh cũng ban hành tạm thời bộ tiêu chí phòng, chống dịch COVID-19 với các cơ sở kinh doanh du lịch để đảm bảo thực hiện tốt Nghị quyết 128 của Chính phủ. Bộ tiêu chí này quy định rõ về sự an toàn đối với các cơ sở lưu trú, điểm tham quan du lịch... đặc biệt là du khách đến với Bình Định. Tỉnh Bình định cũng ban hành kế hoạch phát triển du lịch trong thời gian tới. Từ nay tới cuối năm 2021, Bình Định phấn đầu đón 25.000 đến 30.000 khách du lịch trong nước, từ TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Gia Lai, Phú Yên... tới Bình Định.
Chia sẻ về sự khác biệt trong chương trình kích cầu du lịch ở thời điểm hiện tại so với các giai đoạn trước, ông Nguyễn Hoàng Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Định, cho biết Hiệp hội Du lịch Bình Định đã tuyên truyền cung cấp chính sách kịp thời của tỉnh cho doanh nghiệp, triển khai phối hợp quảng bá các sản phẩm du lịch. Hiệp hội cũng có kế hoạch đa dạng hóa sản phẩm du lịch theo mục tiêu kích cầu nhưng đảm bảo chất lượng, phục vụ tốt hơn nhằm nâng cao trải nghiệm. Bên cạnh đó là số hóa hệ thống tại các doanh nghiệp du lịch. Ngoài ra, theo ông Vũ, nguồn nhân lực cũng là yếu tố quan trọng mà Bình Định cần lưu tâm trong việc kích cầu du lịch. "Nguồn nhân sự đang thiếu hụt, chúng tôi đang có kế hoạch lâu dài về nhân sự để phục vụ cho việc phát triển du lịch sắp tới", ông Vũ chia sẻ.
Chia sẻ về sự chuẩn bị của doanh nghiệp du lịch cho việc khôi phục và phát triển du lịch Quy Nhơn, bà Nguyễn Ngọc Hoa, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Sản phẩm liên kết Tập đoàn FLC kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và dịch vụ số FLC (FLC DigiCom) cho biết, doanh nghiệp đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện nhân lực, vật lực cho kịch bản mở cửa đón khách với tiện ích du lịch đồng bộ 5 năm. FLC cung cấp tiện ích du lịch đồng bộ. Về dịch vụ hàng không có 6 đường bay kết nối với Quy Nhơn. Hệ thống sân golf 36 hố do kiến trúc sư hàng đầu thế giới, đã tổ chức giải đấu lớn từ chuyên nghiệp đến nghiệp dư. Dịch vụ du lịch bằng du thuyền trên biển Quy Nhơn với các gói đa dạng, linh hoạt cho khách hàng lựa chọn. Hệ thống trung tâm hộinghị quốc tế với 1.500 chỗ, khán phòng tổ chức sự kiện sức chứa 400 chỗ. Bên cạnh đó là hệ thống 20 nhà hàng, quán bar, cafe trong khu quần thể cũng như khách sạn trung tâm thành phố. Doanh nghiệp cũng hoàn thành lá chắn bảo vệ kép khi 100% cán bộ nhân viên FLC đã được tiêm 2 mũi vaccine, nâng cao năng lực ứng phó dịch, lên kịch bản, đào tạo đội ngũ y tế... nhằm kiến tạo vành đai du lịch xanh khép kín, an toàn. Tại sự kiện, đại diện FLC cũng chia sẻ những sản phẩm kích cầu du lịch mà tập đoàn đang triển khai như thẻ bay không giới hạn, thẻ bay trả trước tại Bamboo Airway, sản phẩm vé tháng hay các sản phẩm nghỉ dưỡng cho khách hàng cá nhân, gia đình... vừa tiết kiệm chi vừa, vừa góp phần nâng cao trải nghiệm ngày càng cao của du khách.
Bình Định đã sẵn sàng là điểm đến thứ 6 dành cho du khách quốc tế
Tại phiên hai, "Lộ trình đón lại khách quốc tế - Sẵn sàng nguồn lực", các diễn giả sẽ tập trung phân tích các phương án và lộ trình mở cửa thị trường du lịch quốc tế tại Bình Định. Những kịch bản, giải pháp để tái mở cửa một cách an toàn và bền vững sẽ được thảo luận, đi cùng những kiến nghị và đề xuất cụ thể của doanh nghiệp về vấn đề này. Khi nhu cầu du lịch biển đảo của khách quốc tế đang gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt tại những vùng biển hoang sơ, thơ mộng như Bình Định.
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, khôi phục hoạt động du lịch là nhu cầu bức thiết nhất, phải vừa đảm bảo an toàn, vừa hấp dẫn. Hiện tại, các doanh nghiệp đều quyết tâm khôi phục lại doanh nghiệp của mình. Chúng ta không có biện pháp khôi phuc thì sẽ hứng chịu nhiều thiệt hại nên càng khôi phục sớm thì càng tốt. Theo ông, để an toàn, chúng ta cần tiêm chủng vaccine và Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tốc độ tiêm chủng rất nhanh trong khu vực. Sau khi tiêm vaccine, chúng ta cần có kế hoạch phục hồi, cần thực hiện du lịch theo nguyên tắc 5K. Tiếp theo là ứng dụng công nghệ, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch, giao dịch... Cuối cùng là yếu tố truyền thông, để mọi người luôn nhắc nhở, ý thức đảm bảo an toàn, là công cụ giúp chúng ta đánh tan rào cản lo ngại khi đi du lịch. Các doanh nghiệp du lịch cần hiểu rõ chuyển đổi số là gì, từ đó áp dụng vào mọi hoạt động của Ngành.
Ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết để triển khai được các kế hoạch đề ra, chúng ta cần mở cửa. Tuy nhiên, vấn đề không phải ở địa phương mà là ở doanh nghiệp, du khách có tới hay không. Để du khách quay trở lại, đặc biệt là du khách quốc tế, chúng ta phải tạo ra điểm đến thật an toàn, hấp dẫn. Vì vậy, UBND tỉnh Bình Định đã phối hợp cùng FLC và Tổng cục Du lịch để tìm ra giải pháp phá thế đóng băng, phục hồi du lịch. Bình Định coi doanh nghiệp là người bạn, người đồng hành bởi nếu không có các doanh nghiệp lữ hành làm tốt truyền thông, giới thiệu sản phẩm, tỉnh sẽ gặp khó khăn trong việc đón khách.
Để chuẩn bị nguồn nhân lực để đón khách quốc tế, ông Nguyễn Mạnh Quân, Phó Tổng giám đốc Bamboo Airway, cho biết, du lịch nội địa sẽ được tập trung vào quý IV. Tuy nhiên, Chính phủ và doanh nghiệp cũng cần tính đến việc phục hồi các đường bay, lan toả thông điệp du lịch xanh bằng những tiêu chí cụ thể... Về kích cầu, mục tiêu chính là tạo ra sản phẩm xanh, tức là an toàn. Hiện, Việt Nam có 5 địa phương được đón khách quốc tế. Theo ông, cạnh tranh điểm đến là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. "Nếu Bình Định được góp phần vào việc cạnh tranh điểm đến là cơ hội phát triển cho ngành sẽ tốt hơn. Để làm được điều đó cần sự hỗ trợ của Chính phủ, bên cạnh sự nỗ lực của địa phương và doanh nghiệp", ông Quân chia sẻ.
Về phía Bamboo Airway, hãng hàng không này đã thực hiện các chuyến bay quốc tế về Việt Nam theo nhiều hình thức. Phần lớn các chuyến bay sau một quy trình test, cách ly nghiêm ngặt đều đảm bảo an toàn, rất hy hữu mới có trường hợp phát sinh. Theo ông Quân, đây là điều kiện quan trọng để bước vào giai đoạn mở cửa đón khách quốc tế cũng như tham gia vào quá trình phục hồi sản xuất trong bối cảnh mới.
Sân bay Phù Cát, Bình Định chỉ tiếp nhận máy bay A321 trở xuống nhưng đã có thể đón khách từ Hàn Quốc về sân bay Phù Cát. Còn xa hơn là châu Âu thì sân bay chưa tiếp cận được máy bay lớn nhưng vấn đề này đã được giải quyết. Theo đó, các sân bay lớn có thể hạ cánh tại các tỉnh lân cận, sau đó di chuyển giữa các tỉnh với nhau. Bamboo Airways và FLC đã có kế hoạch cụ thể, có thể kết hợp tiềm năng các địa phương thông qua chủ chương của Chính phủ. Hãng đã cùng các doanh nghiệp mang sản phẩm của mình đưa ra nước ngoài chào hàng, với các chuyến bay thường lệ đi về Phú Quốc, Nha Trang...
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Bùi Hải Huyền, Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC đề xuất như sau. Một là xin phép được phê duyệt sớm trong việc công nhận Bình Định là điểm đến xanh càng sớm càng tốt, trước tháng 1/2022. Hai là, tỉnh phải tiếp tục thúc đẩy hợp tác với các tỉnh lân cận để hấp dẫn du khách, theo đúng tiêu chí thông điệp, một điểm đến nhiều trải nghiệm. Ba là, Bình Định cần nhanh chóng đưa ra các hướng dẫn chi tiết cho các đơn vị cung cấp dịch vụ tại địa phương, du khách, người dân. Cuối cùng là đẩy mạnh công tác truyền thông, phối hợp với tập đoàn FLC, làm thế nào để Bình Định trở thành điểm đến mới, thu hút. Công ty du lịch lữ hành cần đưa ra các sáng kiến cho Bình Định nói chung và FLC nói riêng các sản phẩm chương trình để giới thiệu, quảng bá đến các hãng du lịch nước ngoài. Để chuẩn bị cho việc mở cửa đón khách quốc tế, phía FLC cũng cam kết, hãng hàng không Bamboo Airways, hệ thống quần thể của tập đoàn sẽ tuân thủ hướng dẫn theo yêu cầu của các cơ quan trong việc đón khách quốc tế; liên tục đào tạo nâng cấp dịch vụ, tăng cường năng lực kiểm soát dịch bệnh. Bên cạnh đó, FLC đã phủ rộng tiêm vaccine. Hiện, toàn bộ cán bộ Quy Nhơn và FLC đã hoàn thiện 2 mũi. Tập đoàn cũng phối hợp với các tỉnh, địa phương, tiêm cho nhà thầu, nhà cung cấp dịch vụ lân cận với những điểm mà FLC có quần thể hệ sinh thái và đang tích cực chuẩn bị cho mũi vaccine thứ ba. Ngoài ra, FLC đã xây dựng chương trình du lịch khép kín, an toàn, đầy đủ dịch vụ và trình lên tỉnh Bình Định với mong muốn sớm được phê duyệt để chuẩn bị đón khách quốc tế.
Cuối toạ đàm là lễ ký kết thoả thuận hợp tác chiến lược thúc đẩy phát triển du lịch Bình Định. Một là thoả thuận giữa Sở Du lịch Bình Định và Sở Du lịch Hà Nội. Hai là ký kết giữa Sở Du lịch tỉnh Bình Định với các Công ty Dịch vụ và Du lịch của Tập đoàn FLC. Sự hợp tác này được kỳ vọng đem đến những sản phẩm mới, chất lượng, gia tăng tiện ích cho khách hàng, góp phần tạo xung lực mới nhằm kích cầu du lịch tỉnh Bình Định nói riêng và phục hồi thị trường du lịch nói chung.
Nhâm Hiền
“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”