Phát biểu tại tọa đàm, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh chia sẻ, trước tác động và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã có nhiều đề xuất để khôi phục lại lĩnh vực du lịch ngay khi dịch được kiểm soát. Ngày 2/11, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 8044/VPCP-KGVX thông báo về ý kiến của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh về việc đồng ý chủ trương về lộ trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Trên cơ sở đó, Bộ VHTTDL đã định hướng 5 địa phương bao gồm Phú Quốc (Kiên Giang), Quảng Nam, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh thí điểm đầu tiên trong việc đón khách du lịch quốc tế và lộ trình được thực hiện theo 3 giai đoạn.
Về công tác truyền thông quảng bá nhằm thu hút khách du lịch, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết, Tổng cục Du lịch đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để xây dựng nội dung truyền thông hướng tới các thị trường khách mục tiêu của Việt Nam. Trong đó cùng với việc mở cửa thí điểm đón khách quốc tế, chiến dịch quảng bá với chủ đề "Live Fully in Vietnam - Sống trọn vẹn tại Việt Nam" hiện đã triển khai trên Vietnam.travel (trang giới thiệu du lịch Việt Nam) cùng các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Pinterest và đã nhận những phản hồi tích cực của khách quốc tế. Cùng với đó, Bộ VHTTDL cũng dự kiến làm việc với các hãng truyền thông quốc tế lớn như CNN, CNBC để có những chương trình truyền thông mạnh mẽ nhất trong thời gian tới.
Về công tác chuẩn bị tại các địa phương được phép đón khách quốc tế đến Việt Nam, ông Bùi Quốc Thái, Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang cho biết, tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng đón du khách quốc tế từ xây dựng tiêu chí, lựa chọn đối tượng du khách, xác định quy trình đón phục vụ khách, lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ, phương án xử lý sự cố khi phát sinh… Ông Thái cũng thông tin, ngày 20/11 Phú Quốc sẽ đón đoàn 250 khách đến từ Hàn Quốc, đây là chuyến bay đầu tiên do VietJet Air tổ chức sau 2 năm Việt Nam dừng đón khách quốc tế.
Tại Khánh Hòa, Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Thị Lệ Thanh cho biết: về công tác chuẩn bị, dưới sự chỉ đạo của Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch, UBND tỉnh, Sở Du lịch Khánh Hoà đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành để triển khai thực hiện. Khi sự cố xảy ra, chúng tôi phối hợp cùng Sở Y tế xây dựng phương án cụ thể. Cung cấp các bệnh viện cho các công ty lữ hành để xử lý khi có sự cố xảy ra; Tổ chức tập huấn đảm bảo an toàn khi xử lý tình huống cụ thể và ngành Y tế là cơ quan chủ trì.
Tại tọa đàm, ông Võ Huy Cường – Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam thông tin ngày 11/11, 2 chuyến bay thí điểm đón khách du lịch quốc tế từ sân bay InCheon có 222 khách và 1 chuyến từ Tokyo chở 207 khách đến Nha Trang - Khánh Hòa. Các đơn vị thực hiện chương trình này là Công ty Cổ phần Du lịch và dịch vụ ăn uống Nhật Minh, Hãng hàng không Vietjet Air và một số cơ sở lưu trú tại Khánh Hòa.
Theo kế hoạch tổ chức các chuyến bay của 1 số hãng, trong tháng 11 sẽ có nhiều chuyến bay từ Nhật Bản, Hàn Quốc về Việt Nam theo chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, dự kiến tới sân bay Đà Nẵng ngày 17/11 và sân bay Phú Quốc ngày 20/11. Trong thời gian tới sẽ có hơn 20 chuyến bay tới Kiên Giang, Khánh Hòa và Đà Nẵng, chủ yếu từ các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Thái Lan. Đây là những tín hiệu khích lệ và có thể coi như một khởi đầu thuận lợi trong việc thí điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam.
Ông Võ Huy Cường cho rằng ngoài một số thị trường chính, Việt Nam cũng nên mở rộng đón khách du lịch từ các nước khác. Nếu hạn chế các thị trường du lịch, vô hình chung sẽ hạn chế tính hiệu quả và số lượng khách đến Việt Nam. Ngoài thị trường mục tiêu thì cần tạo điều kiện cho các hãng hàng không và các công ty lữ hành có nguồn khách bổ sung, để phòng khi thị trường mục tiêu không có khách. Việc này giúp cho các hãng hàng không, doanh nghiệp du lịch có nguồn khách tốt hơn, không bị hạn chế trong một số thị trường nhất định.
Đồng tình với ông Võ Huy Cường, Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Trùng Khánh cho biết: “Trong việc đề xuất và tham mưu, chúng tôi đã hướng tới các thị trường mục tiêu và có mức độ an toàn cao về phòng chống dịch như Đông Bắc Á, châu Âu, Trung Đông, Úc… Tuy vậy, tôi cho rằng khi khách đảm bảo về y tế và xuất nhập cảnh, thì không có lý do gì phải hạn chế ở các thị trường khác”.
Về phía doanh nghiệp, trong điều kiện bình thường mới, nhu cầu đi du lịch của du khách đã có nhiều thay đổi, ông Trần Thế Dũng – Tổng Giám đốc Công ty lữ hành Fiditour chia sẻ, trước xu thế mở cửa và khả năng khống chế dịch bệnh hiện nay, công ty đã kết hợp với tất cả các địa phương, điểm đến đã mở cửa để tạo sự phối hợp, liên kết giữa trong công tác đón khách. Với các địa phương đã mở cửa như Phú Quốc, có thể thấy rằng tất cả các doanh nghiệp đều muốn dẫn khách và đưa đoàn đến với địa phương. Trên cơ sở đó, chúng tôi mong muốn các địa phương khác tiếp tục mở cửa và đưa thí điểm khách quốc tế đến Việt Nam.
Chia sẻ về tiếng nói chung của các doanh nghiệp lữ hành, ông Trần Thế Dũng cho biết: “Chúng tôi mong muốn quá trình tiêm chủng sẽ tiếp tục mở rộng. Đồng thời, các đơn vị luôn mong mỏi có được bản đồ du lịch từ lãnh đạo ngành. Qua đó, các doanh nghiệp có thể xây dựng những kế hoạch, chiến lược cụ thể trong công tác đón khách nội địa và quốc tế. Với các địa phương sắp mở cửa với khách quốc tế như: Kiên Giang, Đà Nẵng, Quảng Nam... Chúng tôi cho rằng địa phương nên xây dựng những kịch bản, điểm đến, cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống an toàn. Từ đó, giúp các đơn vị lữ hành chủ động xây dựng những điểm đến, lộ trình phù hợp và an toàn nhất với du khách”.
PV