Từ Hà Nội chúng tôi đi theo quốc lộ 1A rồi đường 18 (Bắc Ninh) để ra với vùng biển trời phía Đông Bắc của Tổ Quốc. Sau quãng đường gần 350km, chúng tôi đã tới Thành phố Móng Cái xinh đẹp. Nghỉ ngơi xong, mọi người bắt đầu phi xe theo con đường nhựa rộng thênh thang, hai bên là rừng phi lao gió thổi hướng về mũi đất địa đầu của Tổ quốc.
Cảnh sắc hoang sơ với những cơn gió biển thổi vù vù, ùa vào thân thể. Khi còn bé học địa lý, nhìn trên tấm bản đồ, thấy địa danh mũi Sa Vĩ, tôi vẫn luôn ước ao một lần được tới đây cho thỏa nỗi lòng.
Bây giờ khi đã đặt chân trên mũi đất này, chợt trong tôi trào dâng niềm tự hào về lãnh thổ, biên cương đất nước. Từ vành đai biên giới, hướng tầm mắt, tôi thấy những con thuyền cũ hỏng của ngư dân bỏ lại bao năm, một vùng biển xanh biếc, giáp ranh với nước bạn Trung Hoa.
Mọi người cùng rủ nhau đến tấm biển hình lá cây dương đề câu thơ của cụ Tố Hữu “Từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước…” để chụp ảnh. Gần đó là cột mốc đặc biệt, một mặt có ghi Tràng Vĩ 0km, mặt kia đề “Từ Trà Cổ đến Mũi Cà Mau 3260km”.
Cách mũi Sa Vĩ về phía nam khoảng gần 20km là Mũi Ngọc. Mũi Ngọc hoang sơ, thanh bình bởi nơi đây chưa được nhiều người khám phá. Những con đường đất pha cát xuyên qua rừng phi lao đưa chúng tôi ra bãi cát trắng mịn, trải dài.
Mũi Ngọc quyến rũ bất kỳ ai bởi vẻ thanh bình, lạ lẫm của nó. Ở đây có hai khu vực rất lý tưởng cho người đi tắm biển và vãn cảnh, đó là bãi Đá Đen 1 và Đá Đen 2. Tạo hóa đã ban cho vùng biển Mũi Ngọc những bãi đá cổ, với tạo hình độc đáo.
Sau những phút giây thả đôi chân trần trên cát trắng, chúng tôi lại hòa mình vào không khí sôi động ở chợ cá Mũi Ngọc. Cứ có thuyền đánh bắt của ngư dân cập bến, chợ cá này lại được họp để luân chuyển thủy, hải sản đi khắp thành phố Móng Cái. Từ đồn biên phòng Mũi Ngọc nhìn ra phía xa xa là Âu tàu Núi Đá Đỏ - nơi neo đậu tránh bão cho những con thuyền.
Từ hai mũi đất địa đầu, chúng tôi quay về và ngủ qua đêm ở Vân Đồn, để sáng hôm sau bắt tàu ra đảo. Khi ánh bình minh vừa hé mở, cảng Vân Đồn lại bắt đầu tấp nập. Chợ hải sản vẫn họp như bao ngày với hình ảnh “tôm cá chắc đầy phiên chợ mai”.
Không gian ồn ào, huyên náo cùng mùi tanh nồng của những mẻ hải sản tươi mới sộc lên mũi chúng tôi, khuấy động cả một góc trời. Biển không chỉ đẹp, thơ mộng mà cũng cho chúng ta nguồn sản vật phong phú.
Trong hành trình ra đảo Trà Bản, Quan Lạn, Cô Tô… với chúng tôi hôm ấy là những bạn trẻ say mê trải nghiệm du lịch. Nhiều chàng trai, cô gái khoác lên trên mình bộ đồng phục cờ đỏ sao vàng. Còn gì đẹp hơn hình ảnh ấy khi mỗi người trẻ đã mang theo trong mình lòng tự hào dân tộc, khát vọng thiêng liêng chiêm ngắm và bảo vệ biển trời Tổ quốc.
Tàu rời bến rồi dần dần lạc vào vùng thắng cảnh Vịnh Bái Tử Long. Vịnh Bái Tử Long cuốn hút bởi hàng ngàn đảo nhỏ, vốn là những núi đá vôi nhô lên giữa làn nước xanh biếc. Sau khi dừng chân ở đảo Quan Lạn, thuyền đưa mọi người tới đích cuối cùng là đảo Cô Tô. Cầu cảng Cô Tô vươn ra biển trong ánh hoàng hôn thật đẹp, làm tôi mê say ngay từ phút ban đầu.
Chẳng phải nói nhiều về Cô Tô nữa vì nó đã quá đẹp, ví như đảo ngọc đối với bao người. Chỉ có một trải nghiệm thú vị mà riêng tôi sẽ không bao giờ quên. Trong ban sớm, tôi đã leo lên đỉnh ngọn hải đăng Cô Tô để đón ánh bình minh.
Đứng trên nóc ngọn hải đăng đợi ánh mặt trời dần nhô lên từ vùng biển phía đông là một trải nghiệm thật tuyệt vời. Bao ưu phiền toan tính, cùng những mệt mỏi của cuộc sống thường nhật tan biến hết chỉ còn lại những cảm xúc miên man trong tâm hồn hòa cùng cơn gió vi vu.
NGUYỄN THỊ HƯỜNG
Tạo chí Du lịch