Chúng tôi đã chọn quốc lộ 32 ngược lên Tây Bắc. Qua những địa danh Sơn Tây, Trung Hà, Cổ Tiết… miền đồng bằng dần lùi lại phía sau. Bay giờ trước mắt chúng tôi là các huyện vùng cao Thanh Sơn, Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ với những “rừng cọ, đồi chè” ngút ngàn.
Rừng cọ có một sức sống bền bỉ, tự tái sinh mạnh mẽ, bám lấy đồi núi, làng bản. Sức hấp dẫn từ vẻ đẹp của những rừng cọ đã cuốn hút chúng tôi mãnh liệt. Thật kỳ diệu, một năm cọ chỉ ra đúng 12 tầu lá, ứng với 12 tháng. Cọ không chỉ đẹp mà nó còn có tác dụng rất lớn với đời sống con người. Tất cả những thứ trên cây cọ đều có thể phục vụ cho cuộc sống con người: Lá cọ dùng để lợp nhà, khâu nón, thân cọ làm cột nhà, máng nước, máng lợn, chõ đồ xôi… Rừng cọ là vẻ đẹp đặc trưng của vùng trung du, miền núi phía Bắc và Phú Thọ chính là phủ thủ của loài cây này.
Tạm biệt rừng cọ đất Phú Thọ, chúng tôi tiếp tục phi theo con đường đã chọn. Những khúc cua tay áo, đèo dốc uốn lượn ngày càng nhiều, cảnh sắc hai bên đường mỗi lúc lại hoang sơ, vắng bóng người hơn. Cuối cùng chúng tôi cũng tới được địa phận tỉnh Yên Bái. Từ quốc lộ 32, xe chúng tôi bắt đầu rẽ vào con đường bê tông dốc dựng đứng để lên xã vùng cao, vùng sâu Suối Giàng của huyện Văn Chấn. Nơi đây bao đời nay, có một vùng rừng chè cổ thụ được xem là khủng và kỳ vĩ nhất Tây Bắc. Xe càng lên cao, cảnh sắc bên đường chỉ còn lại mây trời hòa với sắc màu xanh thẳm của những rừng chè hút hết tầm mắt.
Cũng vẫn là chè, nhưng chè ở Suối Giàng mang nét hoang sơ, kỳ vĩ khác hẳn so với vùng chè ở đất Thái Nguyên, đất Phú Thọ. Những rừng chè mọc trên độ cao 1.000-1.400m so với mực nước biển chỉ có ở Suối Giàng. Nhiều gốc chè cổ thụ mà người ta tính được vòng đời của nó đến hơn 300 tuổi.
Theo người dân bản địat, những vườn chè Tuyết Shan cổ thụ ở Suối Giàng vẫn được bảo tồn cẩn thận. Vẻ đẹp của Suối Giàng bao đời nay gắn liền với cánh rừng chè Tuyết Shan cổ thụ. Nhiều bạn vô cùng thích thú, lạ lẫm khi lần đầu tiên trông thấy tận mắt những cây chè cổ thụ.
Chè cổ thụ tuy không cao, nhưng cành lá sum suê, thân xù xì tỏa bóng mát ra xung quanh cả chục mét. Đứng trên đỉnh cao ở trung tâm xã Suối Giàng phóng tầm mắt xa xa là những nếp nhà sàn của người Mông lọt thỏm giữa rừng chè xanh tốt.
Tiếp tục ngược lên Tây Bắc, sau nhiều chặng dừng chân, cuối cùng chúng tôi cũng tới đường cánh rừng già Hoàng Liên Sơn. Vào những ngày trong trời, đứng ở núi Hàm Rồng, Sa Pa chúng ta có thể nhìn thấy rõ đỉnh Phan-xi-păng (cao 3.143m) hùng vĩ trong biển mây. Phan-xi-păng là biểu tượng của sự hùng vĩ vùng Tây Bắc nói chung và rừng Hoàng Liên Sơn nói riêng. Để chinh phục đỉnh Phan-xi-păng hiện nay đã có tuyến cáp treo khá thuận lợi.
Nhưng với những ai đam mê thử thách thì con đường leo bộ dài ngày xuyên rừng Hoàng Liên Sơn để lên đỉnh mới là điều thú vị. Nếu chinh phục Phan-xi-păng vào dịp tháng 3, tháng 4 dương lịch hàng năm, chúng ta sẽ được bắt gặp vẻ đẹp của rừng hoa đỗ quyên bung nửa giữa mầu xanh cây lá. Tạm biệt Tây Bắc hoang sơ, thăm thẳm, chúng tôi trở về vùng đồng bằng để xuôi theo đường mòn Hồ Chí Minh.
Nằm ngay bên đường Hồ Chí Minh thuộc huyện Nho Quan, Ninh Binh là VQG Cúc Phương mang một vẻ đẹp riêng đầy quyến rũ. Lang thang theo những con đường nhựa dưới bóng mát rừng xanh, chốc chốc chúng tôi lại bắt gặp biển chỉ dẫn tới một loài cây. Nào là cây Vù Hương có đường kính 2,5m cao đến 45m, rồi đến đại lão cổ thụ Chò Chỉ ngàn năm tuổi. Có những cây già nua không thể to hơn nữa thì chúng bắt đầu biến đổi hình dạng dưới thân, gốc thật kỳ dị.
Không chỉ Cúc Phương mà những nơi khác tôi đã từng đến như: VQG Xuân Sơn (Phú Thọ), Khu bảo tồn thiên nhiên Khe Rỗ (Bắc Giang), VQG Ba Bể (Bắc Kạn), VQG Pù Mát (Nghệ An)… những bóng cây cổ thụ hàng trăm, hàng ngàn năm đã trở thành vẻ đẹp, nguồn tài nguyên vô giá của đất nước. Những cánh rừng tôi đã đi qua, thiên nhiên còn đã ban tặng cho con người nhiều vẻ đẹp kỳ vĩ, huyền diệu khác như: Hệ thống hang động với nhũ đá tuyệt sắc, suối thác trong xanh, núi non thơ mộng. Nhưng xin nhớ rằng để rừng của đất nước mãi giầu, đẹp thì mỗi chúng ta hãy: “Không để lại gì ngoài những dấu chân. Không lấy gì ngoài những bức ảnh đẹp. Và không giết gì ngoài thời gian”.
NGUYỄN THỊ HƯỜNG
Nguồn: Laodong.com.vn