(VTR) - Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) đã triển khai Dự án “Bảo tồn và phát triển các loài thực vật nguy cấp, quý hiếm thông Pà Cò và thông Đỏ Bắc giai đoạn 2017 - 2019 tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông” nhằm bảo vệ, phát triển những loài thực vật này trước nguy cơ bị tuyệt chủng.
Loài thông Pà Cò và thông Đỏ Bắc chỉ mọc trên các đỉnh núi đá vôi cao gần 1.000m thuộc các tiểu khu 84, 65, khu vực rừng Pù Luông. Hai loài cây này thường xuyên bị khai thác trái phép do sản phẩm của cây cho hiệu quả kinh tế cao, trong khi đó khả năng tái sinh tự nhiên kém, một số cá thể trưởng thành bị suy giảm nghiêm trọng, quần thể đang bị chia cắt và đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng cục bộ, mất dần nguồn gen.
Việc triển khai Dự án sẽ giúp quản lý và bảo vệ tài nguyên rừng, phục hồi thảm thực vật, tăng độ che phủ của rừng, bảo vệ đất, điều hòa nguồn nước, chất lượng môi trường được cải thiện; đồng thời, đưa ra các giải pháp để bảo tồn, phát triển thực trạng quần thể các loài cây quý hiếm tại các khu rừng Pù Luông.
Loài thông Pà Cò (Pinuskwangtungensis) là cây gỗ to, cao khoảng 25m, thân xanh; có giá trị kinh tế cao, gỗ thơm, vân thớ đẹp, không bị mối mọt, là loài gỗ dùng rất tốt trong ngành xây dựng. Loài cây này phân bố rất hẹp, chỉ gặp ở các tỉnh Thanh Hóa, Cao Bằng, Hòa Bình. Thông Đỏ Bắc (Taxus chinensis) là cây thân gỗ, cao gần 20m, vỏ màu nâu sẫm, lá mọc xoắn ốc; là dược liệu quý hiếm, trị nhiều bệnh bởi vỏ và lá cây có thể dùng để chiết xuất ra hoạt chất Paclitacel có giá trị cao trong việc đặc trị bệnh ung thư; gỗ cây thông Đỏ Bắc có thể dùng trong ngành xây dựng. Loài thông Đỏ Bắc mọc rải rác ở các tỉnh Thanh Hóa, Sơn La, Lào Cai. |
PV