Tọa đàm “Khu bảo tồn thiên nhiên trước làn sóng phát triển du lịch ở Việt Nam” do Trung tâm Con người & Thiên nhiên phối hợp với Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam và Tạp chí Rừng & Môi trường đồng tổ chức. Một số nội dung chính được thảo luận gồm những bất cập trong quản lý khu bảo tồn và lồng ghép phát triển trong bảo tồn thiên nhiên hiện nay; vấn đề phân cấp, phân quyền và hợp tác liên Bộ, ngành trong việc hoạch định chính sách, ra quyết định (đầu tư) và giám sát phát triển du lịch trong hệ thống các khu bảo tồn; xác lập các luận cứ khoa học cho các lựa chọn chính sách và quyết định phát triển du lịch trong các khu bảo tồn...
Các ý kiến tại tọa đàm đa số cho rằng du lịch sẽ là xu thế phát triển mạnh tại Việt Nam, trong đó có việc phát triển tại các khu bảo tồn thiên nhiên. TS. Lê Hoàng Lan (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) cho rằng, phát triển du lịch tại các khu bảo tồn thiên nhiên là cần thiết. Điều quan trọng là phải có đánh giá tác động môi trường một cách chính xác trước khi mỗi dự án đầu tư phát triển du lịch được cấp phép, tuyệt đối không xâm phạm những khu bảo tồn nghiêm ngặt. Nếu khu bảo tồn thiên nhiên mất các giá trị tự nhiên và đa dạng sinh học thì các giá trị để khai thác du lịch cũng không còn.
Theo TS. Phạm Hồng Long (khoa Du lịch học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội), hiện nay các mô hình khai thác du lịch đã được triển khai tại một số khu bảo tồn thiên nhiên và vườn quốc gia. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là du lịch còn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng; chưa tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc phát triển bền vững; chưa thu hút được sự tham gia của cộng đồng; một số nơi phát triển nóng gây ra những tác động tiêu cực... Đề xuất được đưa ra là phát triển du lịch tại các khu bảo tồn thiên nhiên phải theo hướng bền vững, có trách nhiệm, tránh phát triển theo hướng đại trà. Quan trọng hơn, cần có chiến lược quốc gia về phát triển du lịch bền vững ở các khu bảo tồn thiên nhiên.
Về góc độ chính sách, thể chế và luật pháp, một số chuyên gia cho rằng hiện tại đang có sự chồng chéo về quy hoạch, sự bất cập từ luật đến các văn bản thi hành đã góp phần tạo ra những kẽ hở dẫn đến việc xâm phạm rừng. Ngoài ra, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức của cơ quan quản lý các khu bảo tồn ở cấp độ địa phương cần phải rõ ràng giữa chức năng hành pháp, quản lý nhà nước hay các chức năng nghiên cứu khoa học, hành chính sự nghiệp, bảo tồn...
HN