Lo an toàn của khách tự do
Mùa mưa năm ngoái, khi một số tuyến phố ở TP. Huế, như Hùng Vương, Bến Nghé đang bị ngập cục bộ thì có một số du khách người nước ngoài ra đường đùa nghịch. Đây là hình ảnh không phải hiếm gặp mỗi mùa mưa đến trong nhiều năm qua ở Huế. Cũng không riêng gì ở Huế, các địa phương có khách du lịch đều xảy ra những trường hợp tương tự. Nghiêm trọng hơn, dù đang diễn ra thời tiết “cực đoan” nhiều du khách vẫn đi trên các tuyến phố, một số khách vẫn chạy xe máy… rất dễ xảy ra tai nạn.
Ông Hoàng Đắc Huynh, Giám đốc Công ty TNHH AV Huế cho hay, nếu là khách du lịch được các công ty lữ hành tổ chức thì trách nhiệm đảm bảo an toàn cho khách phải thuộc về các công ty đó. Đơn vị tổ chức phải cập nhật thời tiết liên tục và thông báo với khách. Trong trường hợp khách chưa đi mà ở điểm đến đang gặp thời tiết xấu, như bão hay lũ lụt thì công ty phải thiết kế một tour mới để thay thế. Có thể chuyển sang một điểm đến khác không bị ảnh hưởng, hoặc dời lại ngày đi tùy vào thỏa thuận giữa hai bên, chứ tuyệt đối không đưa khách đi theo kế hoạch trước đó. Trường hợp khách đã đến điểm du lịch mà có thiên tai xảy ra bất ngờ, thì công ty phải giải thích và yêu cầu du khách chỉ lưu trú trong khách sạn để đảm bảo an toàn. Đây là cách xử lý được tất cả các doanh nghiệp áp dụng.\
Riêng những khách du lịch “liều”, bất chấp thời tiết nguy hiểm ở trên đường phố lúc có lũ lụt, hoặc gió bão, theo các doanh nghiệp du lịch, chủ yếu là khách du lịch đi theo hình thức tự do, không thông qua bất kỳ một công ty du lịch nào. Nếu không may xảy ra tai nạn thì du khách hoàn toàn chịu trách nhiệm, vì không có bảo hiểm hay bất kỳ sự bảo hộ nào từ các đơn vị liên quan.
Ông Lê Ngọc Sanh, Chánh Văn phòng Sở Du lịch thừa nhận, rất khó để kiểm soát những vị khách đi tự do “liều” với thời tiết như thế. Giải pháp được áp dụng nhiều năm qua đối với khách tự do là yêu cầu các cơ sở lưu trú, nơi mà những vị khách này ở thông báo đang có thời tiết xấu và yêu cầu chỉ trong khách sạn để đảm bảo an toàn.
Cũng theo ông Lê Ngọc Sanh, thời gian trước, có nhiều lữ hành tổ chức tour để du khách đi trong lũ lụt và trải nghiệm đời sống khi có lũ về. Nhưng sau một thời gian triển khai, thấy an toàn tính mạng của du khách bị đe dọa nếu nước lũ lên nhanh; trong khi đó, phía các đơn vị tổ chức tour chưa chủ động hết các phương án nên ngành du lịch cấm không tổ chức nữa.
Tăng cường cảnh báo
Theo đánh giá của Sở Du lịch, nhiều năm qua công tác đảm bảo an toàn cho du khách trong mùa mưa bão được ngành thực hiện rất tốt. Minh chứng là không xảy ra các tai nạn đáng tiếc liên quan đến tính mạng của du khách.
Ông Lê Ngọc Sanh cho biết, khi có bão lũ, Sở Du lịch sẽ gửi văn bản khẩn cấp đến tất cả các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn. Gần đây hơn thì kết hợp thêm thông báo qua hệ thống email, website và mạng xã hội; yêu cầu các doanh nghiệp lữ hành tuyệt đối không được dẫn đoàn đi tham quan trong những ngày này; các doanh nghiệp lưu trú thì chuẩn bị phương án “5 tại chỗ”, phối hợp với doanh nghiệp lữ hành thông báo đến du khách về thời tiết. Ngoài ra, Sở Du lịch phối hợp với lực lượng công an và các đơn vị liên quan để tăng cường thêm một số biện pháp đảm bảo an toàn cho khách.
Dù thế, không hẳn không có những sự cố xảy ra. Hướng dẫn viên Nguyễn Đình Quyên cho hay, mùa mưa năm ngoái khi đưa đoàn khách di chuyển từ Đà Nẵng ra Huế, trước đó chỉ biết ở Huế có mưa lớn, nhưng không ngờ ngập cả Quốc lộ 1A đoạn qua huyện Phú Lộc. Nước dâng cao nên ô tô không thể di chuyển qua. Nếu có các thông báo sớm hơn thì công ty có thể đợi cho nước rút rồi đưa khách đi, đảm bảo an toàn hơn, du khách ngồi trên xe đỡ lo lắng vì cứ sợ nước có thể dâng cao hơn.
Khi du khách đến Huế, có khoảng 80 - 90% đi tham quan các điểm di tích. Chủ động phương án đảm bảo an toàn cho khách ở các điểm di tích phải được đặt lên hàng đầu. Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, trước mùa mưa bão, trung tâm sẽ tiến hành cắt tỉa các cành cây có nguy cơ gãy đỗ khi có gió lớn. Trong những ngày có thời tiết xấu, tùy vào từng trường hợp mà xử lý khác nhau. Như khi có bão mà Huế chỉ ảnh hưởng và gió nhẹ thì các điểm di tích vẫn mở cửa để đón khách, nhưng tăng cường thêm lực lượng bảo vệ. Còn khi bão vào Huế thì các điểm di tích đóng cửa, hoàn toàn không đón khách.
Việc đảm bảo an toàn cho khách đi hình thức tự do trong mùa mưa bão đang là thách thức đối với ngành du lịch. Ông Lê Ngọc Sanh cho biết, năm nay Sở Du lịch sẽ tăng cường công tác cảnh báo, nhất là yêu cầu phía doanh nghiệp lưu trú tăng cường theo dõi, không cho khách đi ra ngoài lúc có thời tiết xấu. Sở cũng sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với ngành công an để tuyên truyền và thanh kiểm tra thường xuyên trong mùa mưa bão năm nay.
“Mùa mưa bão ở Huế thường vào mùa du lịch quốc tế, nhất là với các nước Tây Âu và Bắc Mỹ. Thanh niên các nước này rất hiếu động. Hiện vẫn chưa có chế tài nào để xử lý các trường hợp cố tình đi ra đường phố lúc trời có bão hoặc lũ lụt, chủ yếu là tuyên truyền, cảnh báo là chính”, ông Lê Ngọc Sanh thông tin.
Nguồn: baothuathienhue.vn