Vườn quốc gia Cát Bà có trên 1.561 loài thực vật, thuộc 842 chi, 186 họ; 279 loài động vật, trong đó có 21 loài đặc hữu và 76 loài nằm trong Danh lục đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN); 1.313 loài sinh vật biển; là nơi duy nhất có một quần thể voọc với 50 cá thể, 274 loài côn trùng, tạo nên sức hấp dẫn và sự đa dạng.
Với địa hình karst, nơi đây còn tồn tại 19 loài dơi, trong đó có 4 loài nằm trong Danh lục đỏ của IUCN, và loài dơi xám mũi lớn và dơi nếp mũi Grip-phin cũng vừa mới được phát hiện.
Những năm gần đây, tình trạng săn bắt động vật hoang dã, khai thác tài nguyên thiên nhiên không bền vững diễn ra ở các vùng đệm làm cho nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng. Người dân phát triển nuôi trồng thủy hải sản không có quy hoạch gây ô nhiễm môi trường biển, làm suy giảm diện tích rừng ngập mặn. Bên cạnh đó, các tác động tiêu cực từ hoạt động du lịch làm phá vỡ cảnh quan, gây ảnh hưởng đến đời sống động vật hoang dã…
Ban quản lý Vườn quốc gia Cát Bà đã triển khai nhiều hoạt động tích cực nhằm phòng chống và khắc phục những tình trạng trên: công tác nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh, chủ yếu tập trung vào các loài nguy cấp, quý hiếm và xây dựng các mô hình ứng dụng; tiếp tục phối hợp với các ban ngành, chính quyền địa phương phát hiện và xử lý kịp thời tình trạng khai thác tài nguyên rừng trái phép; tăng cường các hoạt động điều tra, giám sát động, thực vật rừng để phát hiện các loài ngoại lai xâm hại, ảnh hưởng đến các loài bản địa; nghiên cứu phục hồi tài nguyên rừng; bảo tồn nguồn gen; thiết lập hệ thống giám sát đa dạng sinh học; phát hiện các loài mới, định vị các loài quý hiếm làm cơ sở để có biện pháp bảo tồn hợp lý; xác định các địa điểm có sự phân bố nhiều loài thú, bò sát, lưỡng cư và côn trùng để ưu tiên bảo tồn.
PV