Bùng nổ tour nội địa..
Gặp lại Giám đốc Sea Travel Đào Xuân Ước tại Nhà hàng cơm thố của anh ở 50 Nguyên Hồng (Hà Nội), anh không giấu nổi sự vui mừng khi các mối liên kết trong hoạt động du lịch, dịch vụ (mảng kinh doanh chính của SeaTravel) đã được xâu chuỗi lại một cách nhanh chóng - điều từng chừng rất khó bởi sự gián đoạn sau 2 năm liền – thì nay đã có thể vận hành trơn tru.
Sea Travel năm nay bước sang tuổi thứ 10. Lúc đông nhất, công ty có15 nhân sự, nhưng Covid làm tan tác hết, chỉ còn lại 3 nhân sự chủ chốt. Mặc dù vậy, anh Ước xác định dù khó khăn thế nào cũng sẽ theo nghề đến tận cùng. Tháng 4/2021, Sea Travel mở nhà hàng cơm thố để có nguồn trang trải cho cuộc sống, chờ cơ hội quay trở lại lĩnh vực chính. “Du lịch trở về trạng thái bình thường mới là cơ hội để những người làm du lịch được sống với chính mình”, Đào Xuân Ước chia sẻ.
“Đã ký được hợp đồng với một số đoàn triển khai các tour nội địa tham quan nghỉ dưỡng trong tháng 4, dù chưa nhiều nhưng đã tạo động lực rất lớn và tín hiệu vui với du lịch là nhu cầu của khách tăng rất mạnh”, anh hồ hởi khoe.
Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến toàn bộ hệ thống doanh nghiệp, dù lớn hay nhỏ. Điều này được Tổng giám đốc HanoiTourism Nhữ Thị Ngần nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với phóng viên.
Là một trong số ít các đơn vị không những duy trì được sau 2 năm bị vùi dập tơi bời bởi cơn bão Covid-19, mà còn được biết tới là một địa chỉ hiếm hoi tổ chức rất thành công các tour du lịch về “vùng xanh” ngay tại thời điểm các quy định phòng dịch được nới lỏng. Điều này đã củng cố niềm tin của người lao động về “gam màu sáng” của du lịch khi dịch bệnh được khống chế, giúp đơn vị vận hành nhịp nhàng, không một ngày phải đóng cửa.
“Du lịch mở cửa hoàn toàn đã tạo động lực rất lớn với các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú và các đơn vị cung ứng dịch vụ khác, sau thời gian dài các hoạt động du lịch gián đoạn, thì nay như được tiếp luồng sinh khí mới”, bà Ngần nói.
Nhận thấy rõ hành vi thay đổi, xu hướng tiêu dùng của du khách thay đổi đặt ra bài toán đối với về sản phẩm du lịch phù hợp cũng như tính trách nhiệm cao hơn, HanoiTourism “đón đầu” bằng việc xây dựng những sản phẩm mới, phù hợp xu hướng mới, đó là thiết kế các tour đến những vùng thiên nhiên hoang sơ và mang tính biệt lập, các sản phẩm không đơn thuần chỉ là đi tham quan như trước đây mà đi vào chiều sâu, các sản phẩm nghỉ dưỡng, chữa lành, trải nghiệm văn hóa bản địa…
Sôi động tour du lịch nước ngoài…
Đối với các doanh nghiệp lữ hành outbound, do tính chất khá phức tạp của việc tổ chức đoàn ra nước ngoài, nên số lượng các doanh nghiệp “tác chiến độc lập” là rất ít. Để tạo thành sức mạnh liên kết, xu hướng thành lập liên minh outbound phục vụ du khách đang nở rộ.
Liên minh tour Thổ Nhĩ Kỳ (gồm các Tiên Phong Travel, Dolphin Travel và Sun Travel) triển khai bán tour Thổ Nhĩ Kỳ ngay sau 15/3, khi việc “mở cửa du lịch hoàn toàn” chính thức được công bố.
“Điều không ngờ tới là chỉ trong vòng nửa tháng từ kể từ khi chào bán tour, chúng tôi đã ‘chốt đoàn’ với 23 du khách, khởi hành cuối tháng 4. Đây là tour ‘xuất ngoại’ đầu tiên của các doanh nghiệp trong liên minh. Có thể thấy, du khách rất hào hứng với các tour khám phá trải nghiệm nước ngoài sau thời gian ‘cuồng chân’vì đại dịch Covid-19”, đại diện liên minh – ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Tiên Phong Travel nói.
Giải thích lý do chọn Thổ Nhĩ Kỳ để “mở hàng”, ông Khánh cho hay, trước khi xảy ra dịch Covid-19, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những quốc gia thu hút khá đông đảo du khách Việt Nam. Tại thời điểm này, chính sách nhập cảnh của Thổ Nhĩ Kỳ được xem là rất “thông thoáng, cởi mở”. “Du khách Việt Nam hiện nằm trong danh sách không cần cung cấp kết quả xét nghiệm PRC âm tính hoặc test nhanh âm tính, không yêu cầu cách ly khi đến Thổ Nhĩ Kỳ nếu du khách cung cấp được chứng nhận tiêm chủng hợp pháp, hoặc đã hồi phục sau khi mắc Covid-19”, Giám đốc Tiên Phong Travel cho biết.
Theo ông Khánh, thông thoáng về chính sách nhập cảnh không có nghĩa là “xem nhẹ” phòng chống dịch. Các quy định của Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ đối với các trường hợp phát hiện dương tính với Covid vẫn rất chặt chẽ. Tuy nhiên, điều này không đáng ngại, bởi các phương án trong quá trình tổ chức tour đã được liên minh và landtour phía đối tác tính toán kỹ. Trường hợp rủi ro du khách không may bị nhiễm virus Covid tại nước sở tại thì chi phí điều trị sẽ do hai bên chi trả. “Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn rất thận trọng không tổ chức tour quá đông để đảm bảo an toàn và có thể phục vụ du khách một cách chu đáo nhất”, ông Khánh bày tỏ.
Một liên minh khác (gồm các doanh nghiệp Blue Group, Group Tours, Holiday Indochina) đang tổ chức rất thành công tour Dubai cho du khách. Giữa tháng 3, giá tour 6 ngày 5 đêm là 26,5 triệu, thì đến tháng 4 chỉ còn 25 triệu và đến thời điểm hiện tại chỉ còn 23 triệu đồng (do thời tiết tháng 5 tại Dubai rất nắng, nóng nên lượng khách đăng ký giảm).
Tổng giám đốc Holiday Indochina Phạm Tú chia sẻ, đến nay liên minh tổ chức thành công cho trên 500 du khách Việt Nam sang Dubai.
“Dubai mở cửa du lịch sớm cùng với việc áp dụng các chính sách nhập cảnh rất thuận tiện cho du khách, bên cạnh đó, với giá tour rất hợp lý, cảnh điểm hấp dẫn, chính vì vậy, ngay sau khi mở cửa trở lại, Dubai là điểm đến rất hot thu hút du khách ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam”, ông Tú cho hay.
Đối với tour Ấn Độ, các doanh nghiệp lữ hành chuyên thị trường này cũng đang “rục rịch” khởi động. Theo bà Bùi Tuyết Lan, Tổng giám đốc Lantours, mới đây Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP.HCM đã tổ chức Chương trình “Bodh Gaya - Hành trình tâm linh” với mong muốn thu hút khách trở lại miền đất Phật Bodh Gaya - nơi Đức Phật thành đạo, và cũng là một trong những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng tại Ấn Độ.
“Ấn Độ đặt kỳ vọng Việt Nam sẽ là điểm xuất phát “mở hàng” các chuyến bay quốc tế đến sân bay quốc tế Gaya để đưa các tín đồ Phật giáo, du khách tham quan trải nghiệm Bồ Đề Đạo Tràng cũng như các địa điểm văn hóa và lịch sử Phật giáo khác. Với truyền thống nhiều năm làm tour Ấn Độ, chúng tôi sẵn sàng ngay khi đường bay nối lại” bà Lan cho hay.
Tuy nhiên, nhiều điểm đến thu hút đông đảo du khách Việt Nam (trước dịch) hiện vẫn khá “trầm lắng”. Chẳng hạn, Hàn Quốc mở cửa từ 1/4, nhưng chỉ áp dụng với đối tượng khách công vụ, khách thương mại, du học sinh và lao động; Hàn Quốc vẫn đang “đóng” visa đối với khách du lịch thuần túy.
Một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapores, Indonesia… áp dụng chính sách “thoáng” để thu hút khách du lịch quốc tế sau đại dịch, trong đó, du khách từ Việt Nam là một trong những thị trường “rất được chú trọng”. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp lữ hành, giá tour đến các quốc gia nói trên hiện cao hơn rất nhiều so với trước dịch, do đó, dù được quảng cáo rất rầm rộ nhưng vẫn chưa nhận được sự hào hứng của khách.
“Thời điểm trước dịch, một tour đi Thái 5 ngày 4 đêm khoảng trên 10 triệu đồng, hiện tại các đơn vị lữ hành đang bán từ 14,5 đến 15 triệu đồng, do hệ thống dịch vụ tại Thái Lan nhiều nơi đã đứt gãy bởi dịch bệnh, trong khi đó, hệ thống cung cấp dịch vụ tại nhiều điểm chưa mở lại dẫn đến việc các doanh nghiệp lữ hành phải điều chỉnh tuyến, điểm, khiến giá tăng cao”, Tổng giám đốc HanoiTourism Nhữ Thị Ngần cho hay.
Inbound vẫn cần thời gian
Điểm khác biệt hoàn toàn của du lịch Inbound so với du lịch nội địa và outbound là “không thể ngay lập tức tạo nên sự sôi động”, bởi nhiều vấn đề khó khăn.
Theo Giám đốc TYPIC Đỗ Văn Tiến, không phải từ sau thời điểm “mở cửa” 15/3 các doanh nghiệp mới bắt tay triển khai hoạt động của mình, mà ngay tại thời điểm du lịch vẫn “đóng băng”, các mối liên hệ với đối tác vẫn thường xuyên duy trì để nắm bắt thông tin. Tuy nhiên, sự đứt gãy ở phía đối tác là không tránh khỏi, nhiều đầu mối từ phía nước ngoài đã giải thể hoặc chuyển ngành nghề khác, do đó việc tìm kiếm – kết nối - tổ chức với những đối tác mới là vấn đề không đơn giản, cần nhiều thời gian, công sức.
Yếu tố nữa là, doanh nghiệp lữ hành tổ chức tour cần setup lại toàn bộ sản phẩm (khâu này phụ thuộc nhiều vào các nhà cung cấp dịch vụ tại điểm đến, bởi sau thời gian dài không có khách, nhiều cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng bị xuống cấp, hư hỏng nặng cần đầu tư mới, mà không phải chủ đầu tư nào cũng sẵn sàng … xuống tiền). Một vấn đề được ông Tiến nhấn mạnh là khâu quảng bá sản phẩm “để bán được sản phẩm bắt buộc phải đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá, thông tin tới đối tác, khách hàng những thông điệp chào đón du khách của Việt Nam, cập nhật tình hình điểm đến, giá cả…, nếu chỉ ‘đơn thương độc mã’ thì sẽ không thể làm nổi bởi điều kiện tài chính của các doanh nghiệp lữ hành đều trong tình trạng kiệt quệ”, ông bày tỏ.
Giám đốc TYPIC cho rằng, các doanh nghiệp đã rất cố gắng để “bám trụ” để chờ thời cơ, cho thấy quyết tâm rất lớn. “Cuộc chơi mới như ván bài chơi lại từ đầu, do đó, bên cạnh tâm thế vững vàng, chủ động của doanh nghiệp, thì sự đồng hành, tiếp sức của nhà nước là vô cùng quan trọng đối với sự bứt phá của du lịch”, ông Tiến bày tỏ.
Viễn Nguyệt