Trong “Chiến lược phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” theo Quyết định số 2522/QĐ-BVHTTDL ngày 13/7/2016 của Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch đã đưa ra quan điểm, mục tiêu, định hướng và các nhóm giải pháp nhằm phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ở phần mục tiêu cụ thể đã nhấn mạnh “Tăng cường liên kết, hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp trong việc quảng bá sản phẩm du lịch gắn với định hướng chung”. Đặc biệt, trong phần giải pháp về tăng cường liên kết và phối hợp liên vùng, liên ngành đã đề xuất “Nghiên cứu, đề xuất hình thành các tổ chức liên kết phát triển vùng để điều tiết, quản lý hoạt động du lịch...”. Qua đó khẳng định tính cấp thiết của hoạt động liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương..., nhất là trong tình hình hiện tại.
Với những nỗ lực của Chính phủ và các địa phương, đến nay dịch Covid -19 tại Việt Nam đã cơ bản được kiểm soát, các hoạt động đang trở lại trạng thái bình thường. Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trong đó lĩnh vực du lịch được xác định là một ngành quan trọng cần thúc đẩy.
Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ du lịch để nhanh chóng phục hồi ngành kinh tế xanh, tạo việc làm và thu nhập cho lao động và cộng đồng dân cư, thúc đẩy phục hồi kinh tế - xã hội. Đặc biệt, quyết định “mở cửa toàn diện” ngành Du lịch từ ngày 15/3/2022với nhiều quy định thông thoáng đã tạo động lực lớn để ngành Du lịch nhanh chóng “vào cuộc” với tâm thế chung tay đưa ngành phục hồi sau cơn khủng hoảng của đại dịch, từng bước phát triển.Tuy nhiên, bên cạnh các chính sách kịp thời của Nhà nước và các cấp quản lý ngành, việc tăng cường liên kết hợp tác trong để phát triển du lịch giữa các bên liên quan là yếu tố cần hết sức chú trọng, nhất là sau 2 năm gián đoạn, các hoạt động du lịch tê liệt, chuỗi cung ứng bị đứt gãy.
Nhận thức được tầm quan trọng của liên kết phát triển du lịch, nhằm nhanh chóng phục hồi và phát triển du lịch, các địa phương trên cả nước đã tiến hành nhiều hoạt động liên kết bước đầu đạt được kết quả đáng khích lệ.
Xu hướng thành lập liên minh, liên kết đã hình thành trên phạm vi cả nước, nhất là tại các trọng điểm du lịch như Hà Nội, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Giang, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Ninh Bình, 8 tỉnh Tây Bắc, 13 tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long, liên kết của 7 Sở Du lịch và Sở VHTTDL gồm Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh và Tây Ninh; 03 tỉnh Nghệ An - Hải Phòng - Bình Định. Các địa phương tổ chức ký kết các chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch tại một số vùng trọng điểm như: TP. Hồ Chí Minh với 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; Liên kết phát triển vùng Đông Nam Bộ; kết nối doanh nghiệp kích cầu du lịch nội địa Hà Nội - Khánh Hòa; ký kết Chương trình liên kết hành động phục hồi và phát triển du lịch 03 địa phương (Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam; chương trình du lịch “Về miền di sản Ninh Bình-Thanh Hóa”; liên minh kích cầu du lịch Phú Yên - Bình Định - Gia Lai - Đắk Lắk; liên kết kích cầu du lịch Nghệ An và các tỉnh Tây Nguyên; hợp tác phát triển du lịch Hà Nội - An Giang giai đoạn 2021 - 2025, liên kết phát triển sản phẩm tour du lịch hang động kết nối Quảng Bình - Thái Nguyên...
Có thể thấy rõ hoạt động liên kết vùng được các tỉnh hết sức quan tâm, ở khu vực miền Trung, chương trình kích cầu du lịch với chủ đề “Ba địa phương - Một điểm đến nhiều trải nghiệm” của 3 tỉnh, thành Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam đã tái khởi động lại thị trường du lịch, từng bước giảm khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Chương trình đã thúc đẩy, khôi phục hoạt động kinh doanh du lịch trong trạng thái bình thường mới. Thông qua các hoạt động nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, phục vụ du lịch, tổ chức hội nghị quốc tế về xúc tiến, mời gọi đầu tư và diễn đàn liên kết hợp tác phát triển du lịch.
Theo lãnh đạo Sở Du lịch TP.HCM, ngành du lịch TP.HCM đã đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch với các nội dung trao đổi thông tin về tình hình phát triển du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; quảng bá xúc tiến du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch; kêu gọi đầu tư phát triển du lịch; thành lập Hội đồngVùng liên kết... đã mang lại hiệu quả trong việc thúc đẩy thu hút khách du lịch, đã xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch chung; triển khai ba chương trình du lịch; xây dựng chính sách kích cầu kép với 50 chương trình kích cầu; thống nhất phương án, tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị bản sắc thương hiệu, thiết kế biểu tượng logo và tiêu đề thương hiệu; khảo sát hai tuyến du lịch liên kết; tọa đàm góp ý hoàn thiện sản phẩm, dịch vụ liên kết, tổ chức hội nghị giới thiệu quảng bá du lịch, xây dựng gian hàng chung quảng bá du lịch...
Theo nhìn nhận của các chuyên gia du lịch, trong bối cảnh ngành Du lịch chịu tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19, việc đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch thông qua con đường liên kết giữa các địa phương là giải pháp hiệu quả nhằm thúc đẩy thị trường khách du lịch nội địa, qua đó xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, có chất lượng cao và giá cả phù hợp với khả năng thanh toán của đại đa số khách nội địa, sẵn sàng cho việc đón khách quốc tế.
Do đó, liên kết là cách thức tốt nhất để kết nối các chuỗi giá trị, các khâu, các mắt xích của các tiềm năng, thế mạnh tự nhiên, văn hóa thành các tour, các dịch vụ du lịch tốt cho du khách. Mặt khác, việc tổ chức liên kết còn mang lại lợi thế cạnh tranh lâu dài, hiệu quả kinh doanh và quan trọng hơn là phát triển bền vững ngành Du lịch. Việc bắt tay liên kết giữa các địa phương trong hoạt động thúc đẩy du lịch còn giúp tiết kiệm chi phí, đặc biệt trong xúc tiến, quảng bá và giới thiệu các điểm đến, sản phẩm du lịch. Bên cạnh đó, liên kết với sự hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm, các địa phương có thể nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng dịch vụ du lịch cung ứng cho khách hàng.
Nhu cầu của thị trường khách du lịch luôn thay đổi, vì thế việc liên kết các địa phương du lịch sẽ giúp tạo ra các chương trình, sản phẩm du lịch độc đáo, ấn tượng nhằm đáp ứng nhu cầu, xu hướng và thích ứng với sự thay đổi thị trường. Liên kết địa phương giúp các chủ thể kinh doanh giảm thiểu các rủi ro thông qua sự chia sẻ trách nhiệm, tiết kiệm nguồn lực nhờ giảm chi phí cạnh tranh, tăng khả năng linh hoạt trong việc tổ chức các hoạt động du lịch.
Đánh giá về hiệu quả của liên kết, hợp tác du lịch, Tổng giám đốc HanoiTourism JSC Nhữ Thị Ngần – một đơn vị tích cực tham gia vào liên kết du lịch với Quảng Ninh, Hải Phòng... cho rằng, trải thời kỳ đại dịch, đa phần khách du lịch nhận thức rõ hơn về giá trị của cuộc sống, về sức khỏe của bản thân và gia đình. Do đó, xu hướng tìm đến các loại hình du lịch gần gũi với thiên nhiên còn hoang sơ, hay tham gia trải nghiệm du lịch nông nghiệp, tìm hiểu cuộc sống của người nông dân, ngư dân... đang ngày càng có xu hướng tăng lên.
“HanoiTourism đã liên kết với huyện Bình Liêu, Quảng Ninh xây dựng các chương trình du lịch trải nghiệm nông nghiệp, tham gia thu hoạch trái cây, hoặc về những vùng hoang sơ; hoặc đối với Hải Phòng, công ty cũng liên kết với Sở quản lý nhà nước, với chính quyền địa phương xây dựng các tour làm các sản phẩm thủ công, thu hoạch cây trái, câu cá... được du khách rất ưa thích.Thông qua các tour này, không chỉ mang lại cho du khách trải nghiệm về văn hóa và thiên nhiên “đúng nghĩa”, “đích thực” hay “đậm chất địa phương” mà còn giúp cân bằng lại sức khỏe, hiểu hơn về nét văn hóa, ẩm thực địa phương đồng thời tìm đến sự nguyên bản, trải nghiệm không khí trong lành và sự thân thiện của điểm đến”, bà Ngần cho hay.
Tuy nhiên, từ góc độ doanh nghiệp lữ hành, bà Ngần cũng không khỏi tâm tư trước những hạn chế về cơ chế chính sách liên quan tới việc triển khai thực hiện liên kết giữa doanh nghiệp và địa phương; chuỗi cung ứng dịch vụ liên hoàn còn vướng bởi nhiều doanh nghiệp thiếu “mặn mà”; đáng lo ngại nhất là các cam kết không mang tính pháp lý và cũng chưa có chế tài đảm bảo việc thực hiện lâu dài…
Cuộc khủng hoảng do dịch bệnh Covid-19 gây ra những tổn thất về mặt kinh tế, xã hội, nhưng đây cũng là dịp để các địa phương, các cơ quan quản lý nhà nước nhìn nhận lại những vấn đề tồn tại. Trong đó, thúc đẩy các mối liên kết trong chuỗi cung ứng du lịch được xem là một khía cạnh then chốt cho sự phục hồi của ngành.
Hùng Nguyễn