Bài 1
Du lịch nội địa giúp doanh nghiệp đẩy nhanh hồi phục
Du lịch nội địa đang hồi phục mạnh mẽ. Nhất là dịp nghỉ lễ 30/4 vừa qua, hầu hết các địa phương đều tăng trưởng khách ngoạn mục; ngành Du lịch đã phục vụ khoảng 5 triệu lượt khách nội địa, trong đó có khoảng 2 triệu lượt khách nghỉ đêm tại các cơ sở lưu trú du lịch; tổng thu từ du lịch đạt khoảng 22 nghìn tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp đưa ra nhận định, ở thời điểm này thì du lịch nội địa chính là cứu cánh giúp doanh nghiệp đẩy nhanh tốc độ phục hồi.
Du lịch nội địa hồi phục mạnh mẽ
Du lịch nội địa đang trở thành điểm sáng tăng trưởng tại các địa phương hiện nay. Điều này thể hiện rất rõ qua thực tế khi các điểm đến thân quen của khách du lịch nội địa dần trở nên đông khách vào các ngày cuối tuần; lực lượng hướng dẫn viên nội địa đã quay trở lại gần như 100%; các doanh nghiệp lữ hành chuyên khách nội địa và outbound đều hoạt động gần như hết công suất. Chỉ tính riêng dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua, hầu hết các địa phương đều có sự tăng trưởng khách ngoạn mục, kéo theo doanh thu tăng trưởng. Điển hình như tại Hà Nội, trong 4 ngày nghỉ lễ, du lịch Thủ đô ước đón khoảng hơn 550 nghìn lượt khách (2.000 khách quốc tế), tăng gấp gần 20 lần so với cùng kỳ năm 2020; tổng thu từ khách du lịch ước trên 1,5 nghìn tỷ đồng, tăng 17 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Không chỉ riêng Hà Nội, hầu hết các địa phương trên cả nước đều nhận được tín hiệu đáng khích lệ từ dịp nghỉ lễ 30/4-1/5. Bình Thuận ước đón 80.000 lượt khách du lịch đến tham quan, lưu trú và nghỉ dưỡng, tăng khoảng 33% so với năm 2021; công xuất phòng khách sạn đạt từ 80-95%. Khánh Hòa ước đón 275.500 lượt khách từ 30/4-3/5, tăng 119% so với cùng kỳ năm 2021; tổng thu từ du lịch trên 529 tỷ đồng. Bình Định ước đón 192.000 lượt khách, tăng 92% so với cùng kỳ nghỉ năm 2021. Trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, Đà Nẵng ước đón và phục vụ hơn 254.000 lượt khách (7.400 lượt khách quốc tế), tăng hơn 3 lần cùng kỳ năm 2021; Quảng Bình ước đón và phục vụ khoảng 115.000 lượt, tăng 4,6% cùng kỳ 2021; Lào Cai ước đón và phục vụ khoảng 150.000 lượt, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021, mang về doanh thu xấp xỉ 540 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với kỳ nghỉ năm 2021; Thanh Hóa ước đón và phục vụ 898.000 lượt khách (chủ yếu là khách nội tỉnh), tăng 85,6% so với năm 2021, tổng thu từ du lịch ước đạt 1.960 tỷ đồng, tăng 123,2% so với năm 2021; Ninh Bình ước đón và phục vụ 200.000 lượt khách (6.000 khách quốc tế), tăng 170% so với cùng kỳ năm 2021...
Giám đốc Điều hành Viet Vision Travel Nguyễn Thị Thu Hà chia sẻ, ở thời điểm hiện tại, du lịch nội địa chính là cứu cánh giúp doanh nghiệp đẩy nhanh tốc độ phục hồi. Khách du lịch nội địa đều phủ kín các điểm đến quen thuộc vào các ngày cuối tuần; các doanh nghiệp lữ hành chuyên khách nội địa và outbound đều hoạt động gần như hết công suất. “Ngành Du lịch đã phục hồi. Và thị trường nội địa chính là tiền đề, cứu cánh cho ngành Du lịch nói chung, các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, nhà hàng, xe, tàu…” – bà Nguyễn Thị Thu Hà nhận định.
Trên thực tế, không chỉ riêng Viet Vision Travel, nhiều doanh nghiệp khác cũng có cái nhìn tương tự. Các doanh nghiệp đều lựa chọn hướng vào du lịch nội địa thời điểm hiện tại để kéo doanh nghiệp hồi phục nhanh hơn, từ đó tạo đà cho việc đón khách quốc tế dài hơi hơn. Giám đốc truyền thông Paradise Vietnam Phi Thị Thu Khuyên cho biết, từ khi Việt Nam mở cửa du lịch toàn diện, đã có những tín hiệu tích cực ban đầu về lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Trong tháng 3/2022, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng 41,4% so với tháng trước và gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tuy vậy, con số này vẫn còn khá khiêm tốn so với thời điểm trước dịch. Mặt khác, du khách đến từ các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản vẫn chưa thể đến Việt Nam vì quy định phòng, chống dịch của các quốc gia này. Do đó Paradise Vietnam đặt trọng tâm khai thác dòng khách nội địa trong dịp hè này với nhiều giải pháp kích cầu du lịch, bằng sản phẩm mới lạ, giá thành cạnh tranh.
Cùng quan điểm, bà Trần Thị Thùy Dung đến từ Sông Son Tourist ở Quảng Bình chia sẻ: Tôi nhận thấy, khi du lịch bắt đầu khởi động, người dân nhiệt tình hưởng ứng, tương tác và tham gia đi du lịch rất đông. Ở Quảng Bình, từ khi Quảng Bình có những động thái mở cửa thì du lịch Quảng Bình đã tiếp nhận lượng khách khá tốt; Sông Son Tourist cũng đón nhiều đoàn về Quảng Bình cũng như đưa khách đi các tỉnh khác như Lào Cai, Ninh Thuận... Cũng theo bà Trần Thị Thùy Dung, thời điểm này mở cửa du lịch là khá thuận lợi, tuy nhiên cũng không nên quá nóng vội, ào ạt; vừa mở cửa vừa thận trọng xem xét các vấn đề để dung hòa giữa việc khởi động lại hoạt động du lịch nhưng phải kiểm soát được dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho du khách. “Du khách đang bị hấp dẫn bởi nhiều combo khuyến mãi, kích cầu du lịch để kích cầu người dân tham gia đi du lịch nhiều hơn. Chính điều đó làm cho những người làm du lịch, những doanh nghiệp lữ hành nhanh chóng tiếp cận được du khách để giới thiệu các sản phẩm, tour tuyến, các chương trình khuyến mãi... Các điểm đến, vé tham quan, các chương trình giảm giá... làm cho du khách rất hào hứng. Trước dịch, du khách phải đợi đến dịp lễ, hè mới đi du lịch, nhưng hiện tại, cuối tuần du khách cũng có thể tranh thủ đi du lịch” - bà Trần Thị Thùy Dung cho biết thêm.
Đại diện Vietravel cho biết đơn vị này đã mở lại cả 3 mảng thị trường du lịch là nội địa, outbound và inbound, phục vụ theo mọi nhu cầu của du khách hàng; đồng thời, khẳng định du lịch nội địa luôn là một trong những mảng dịch vụ trọng tâm phát triển của Vietravel. Phó Giám đốc Vietravel Chi nhánh Hà Nội Phạm Văn Bảy chia sẻ: Nhu cầu đi du lịch của người tiêu dùng cũng đang dần thay đổi theo hướng cá nhân hoá là tự lựa chọn hành trình của mình, chủ động về thời gian di chuyển, nghỉ dưỡng… để đảm bảo yếu tố riêng tư và an toàn. Với du lịch nội địa, chúng tôi tập trung kết hợp với Sở Du lịch các tỉnh xây dựng thêm các chương trình du lịch mới, làm phong phú thêm sản phẩm du lịch Việt Nam. Ví dụ như vào trung tuần tháng 5 tới đây, Vietravel sẽ kết hợp cùng UBND, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang tổ chức chương trình khảo sát Hà Giang – Tuyên Quang mang tên “Huyền thoại sông Gâm” đi 7 ngày 6 đêm… Bên cạnh tour trọn gói bao gồm đầy đủ dịch vụ ăn ở, đi lại, hướng dẫn viên và tham quan theo lịch trình có sẵn, Vietravel mở bán thêm riêng vé máy bay hoặc combo vé máy bay và khách sạn cho du khách có nhu cầu du lịch tự túc. Vietravel đồng thời gia tăng các dịch vụ đi kèm cho cá nhân, nhóm nhỏ như đưa, đón khách du lịch tại sân bay, hướng dẫn viên riêng hay thiết kế tour nửa ngày, một ngày theo yêu cầu, tour có trải nghiệm mới lạ…
Hướng đến khai thác xu hướng mới
Từ đầu năm 2022, ngành Du lịch đã triển khai mạnh mẽ, hiệu quả các chương trình hành động, thích ứng linh hoạt trong đại dịch. Tổng cục Du lịch (TCDL) đã tham mưu lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch (VHTTDL) ban hành Kế hoạch số 3228/KH-BVHTTDL triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành; Hướng dẫn tạm thời số 3862/HD-BVHTTDL về thích ứng an toàn, linh hoạt trong lĩnh vực VHTTDL; ban hành Chương trình phát động du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19... Cùng với đó, TCDL cũng chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các ban, ngành tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện tái khởi động du lịch nội địa liên tỉnh, liên vùng an toàn; kết nối các điểm đến, hiệp hội du lịch, doanh nghiệp và hàng không xây dựng các chương trình du lịch trọn gói, có chất lượng, ưu đãi nhằm kích cầu du lịch... Phó Tổng cục trưởng TCDL Hà Văn Siêu khẳng định: “Từ ngày 15/3, khi Chính phủ đồng ý với chủ trương mở lại toàn bộ hoạt động du lịch, Du lịch Việt Nam đã có sự hồi phục mạnh mẽ. Địa phương nào, doanh nghiệp nào có sự chuẩn bị tích cực cho việc mở lại hoạt động du lịch sẽ nắm bắt được xu thế và thu hút đông khách du lịch”.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt – đại diện Công ty TNHH Du lịch Lữ khách ở Đồng Nai cũng nhận định, thời điểm này, người dân khá háo hức với những chuyến đi du lịch sau thời gian hạn chế do dịch COVID-19. Khi triển khai tour trở lại, vẫn còn một số khó khăn, như các loại phí hơi cao; các doanh nghiệp vừa triển khai hoạt động vừa chờ đợi tình hình hồi phục mạnh mẽ hơn. Các doanh nghiệp thời điểm này đều muốn tung ra các tour khuyến mãi kích cầu, tuy nhiên tôi cho rằng việc giảm lợi nhuận có thể ảnh hưởng đến chương trình tour, khiến du khách không ưng ý. “Tôi kiến nghị Nhà nước cần vào cuộc, quan tâm hơn đến các doanh nghiệp bằng cách giảm giá vé, phí tham quan các điểm đến để các doanh nghiệp có thêm ưu đãi dành cho khách hàng, hỗ trợ, thúc dẩy du lịch hồi phục và phát triển nhanh hơn nữa” – bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt nói.
Chia sẻ với phóng viên, Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Hà Nội Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh Hồ Đức Phú cho biết, việc đẩy nhanh tốc độ phục hồi đặc biệt là thời điểm hè là rất cần thiết, đáp ứng được nhu cầu bức bách của người dân, du khách. Song song với thị trường du khách nội địa đi tour trong nước, cũng nên chú trọng xây dựng lượng khách nội địa đi du lịch nước ngoài (outbound). Ông Hồ Đức Phú cũng cho rằng, cần mở các tuyến điểm mới, các tuyến ngắn ngày, gắn liền với các tour nghỉ dưỡng, gắn với thiên nhiên và văn hoá bản địa; xác định đối tượng khách hướng đến để quảng bá, xúc tiến; tuyển dụng, lựa chọn nhân sự, mở rộng mô hình kinh doanh; chú trọng kênh bán hàng online trên các nền tảng điện tử để đẩy nhanh sự hồi phục doanh nghiệp. Mặt khác, ông Hồ Đức Phú cũng cảnh báo giá dịch vụ tăng “phi mã” theo giá xăng khiến giá tour nội địa đang tăng so với những năm trước dịch, nếu không có biện pháp kiểm soát tốt, sẽ dễ gây tổn thương thị trường khi mới có dấu hiệu phục hồi.
Tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Do vậy, để đảm bảo an toàn, xu hướng du lịch của du khách đã chuyển sang đi theo nhóm nhỏ, gia đình; lựa chọn điểm đến gần, điểm đến mới, dịch vụ an toàn. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng tự đưa ra những giải pháp riêng để phục hồi. Giám Đốc Điều hành Viet Vision Travel Nguyễn Thị Thu Hà chia sẻ, Viet Vision Travel trước mắt tập trung khai thác khách hàng thân thiết; chăm sóc và thông báo đến khách hàng thân thiết về hoạt động bình thường của Viet Vision Travel. Bên cạnh đó, Viet Vision Travel tổ chức tái tuyển dụng nhân sự đổi nghề; kết hợp với các trường Đại học tuyển dụng các em sinh viên năm thứ tư đến thực tập và đào tạo; chuẩn bị các sản phẩm mới, trao đổi với các nhà cung cấp để có được dịch vụ tốt nhất cho du khách. Giám đốc truyền thông Paradise Vietnam Phi Thị Thu Khuyên cho biết, bên cạnh việc triển khai các sản phẩm khai thác khách nội địa, Paradise Vietnam vẫn đang tiếp tục kết nối lại với các đối tác đón khách quốc tế trong và ngoài nước để cập nhật chính sách du lịch của Việt Nam, chính sách giá dịch vụ cho nửa cuối năm 2022 và năm 2023 để sẵn sàng khi thị trường khách quốc tế hồi phục.
Phó Giám đốc Vietravel Chi nhánh Hà Nội Phạm Văn Bảy cho biết, Vietravel đã triển khai các sản phẩm du lịch mang tính liên kết vùng xanh, đảm bảo “5 xanh” (thẻ thông hành xanh, doanh nghiệp xanh, hành lang xanh, điểm đến xanh và dịch vụ xanh). Vietravel yêu cầu rất cao về tính an toàn của sản phẩm, áp dụng các quy chuẩn, quy trình an toàn, phù hợp với từng điểm đến, cơ sở lưu trú, phương tiện vận chuyển, dịch vụ lữ hành và trong từng hoạt động, giao tiếp, phục vụ. Bên cạnh đó, Vietravel phối hợp chặt chẽ cùng Cục Xúc tiến, Tổng cục Du lịch các nước để cập nhật sớm nhất tình hình mở cửa trở lại của các quốc gia, quy định về chính sách nhập cảnh, nhằm mang đến những sản phẩm du lịch nước ngoài mới nhất tới du khách Việt Nam. Đồng thời, đưa ra bộ sản phẩm đa dạng, đảm bảo cho mọi nhu cầu của khách hàng, từ du lịch thuần túy, tới công tác, hội thảo kết hợp đi du lịch… để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.
Chia sẻ với phóng viên, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng VCTC Phạm Hải Quỳnh cho biết, đến giờ phút này, các doanh nghiệp đều triển khai đón khách nội địa, đồng thời có kế hoạch khai thác dài hơi hơn. “Tư duy của khách du lịch đã thay đổi. Trước dịch, dịp tháng 4-6 khách thường đi biển, thì nay khách sẵn sàng đi tất cả các điểm, chỉ cần điểm đến mới, dịch vụ an toàn đều có thể khai thác. Xu hướng khách ở các địa phương là đi theo nhóm nhỏ, theo gia đình, đến không gian riêng để trải nghiệm các giá trị văn hóa, cảnh quan, thưởng thức ẩm thực địa phương. Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp du lịch đẩy nhanh phục hồi. Các doanh nghiệp sẽ tự động kết nối với nhau, lựa chọn ra những sản phẩm tốt nhất để phục vụ khách hàng” – ông Phạm Hải Quỳnh khẳng định.
Phước Hà