Dù bao nhiêu công việc bộn bề, Bác vẫn dành một đêm cuối tháng chạp ta, chong đèn khuya trên gác ngôi biệt thự số 8 phố Vua Lê (nay là phố Lê Thái Tổ) viết báo Tết cho tờ Cứu quốc là cơ quan của Việt Minh.
"Dân tộc ta là một dân tộc giàu lòng đồng tình và bác ái. Trong lúc này, toàn quốc đồng bào từ giàu đến nghèo, từ già đến trẻ, ai cũng sửa soạn ăn tết mừng xuân.
Tôi kêu gọi đồng bào và các đoàn thể làm thế nào để chia sẻ cuộc vui xuân, mừng Tết với:
Những chiến sỹ oanh liệt ở trước mặt trận, những gia quyến các chiến sỹ, những đồng bào nghèo nàn, sao cho mọi người đều được hưởng các thú vui về Tết, Xuân đầu tiên của nước Việt Nam độc lập".
Chiều 30 Tết có người đến biếu Bác món quà, đó là một tấm vóc đại hồng thêu chỉ vàng bài thơ của nữ sĩ Ngân Giang. Bác hỏi ông Chủ tịch UBND TP. Hà Nội - Trần Duy Hưng về tác giả bài thơ, rồi mở trang giấy trắng viết:
"Gửi lời cảm tạ Ngân Giang Lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu. Hồ Chí Minh”.
Người giao cho văn phòng để chuyển đến tay nữ sỹ trước lúc nổ pháo đón giao thừa.
Đêm về. Trời rét lạnh lại lâm thâm mưa. Theo kế hoạch đã định, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Duy Hưng đưa Bác lên xe đi chúc Tết đồng bào. Nhà Bác đến đầu tiên là một hiệu sách ở phố Cửa Nam của cụ Từ Lâm. Cụ chủ nhà sửng sốt thấy vị Chủ tịch nước xuất hiện bất ngờ, luống cuống mời Bác ngồi, chắp tay chúc Tết Bác. Người điềm đạm xin cụ đừng làm thế, chúc cụ khoẻ mạnh, sống lâu, rồi ra xe đi tiếp vào xóm lao động ở ngõ Hàng Đũa, phố Sinh Từ (nay là phố Ngô Sỹ Liên - Nguyễn Khuyến). Bác rẽ vào gian nhà lá của mấy gia đình phu xe ở chung, thấy họ chẳng có gì là Tết ở trong nhà, lại có người đắp chiếu đang ốm, Bác dặn Chủ tịch Trần Duy Hưng nhắc chính quyền khu phố trợ cấp ngay cho mấy gia đình nghèo khổ này.
Xe đưa Bác đến phố Hàng Vải, vào phố Phúc Kiến (nay là phố Lãn Ông) chúc Tết một nhà buôn rồi đến phố Hac - măng (nay là phố Trần Xuân Soạn), Bác vào chúc Tết một gia đình công chức, ra phố Hàng Lọng (nay là đường Lê Duẩn) thăm nhà một viên chức nghèo...
Các gia đình được Bác đến chúc Tết đều rất ngỡ ngàng. Chẳng ai ngờ cụ Hồ Chí Minh - người đọc Tuyên ngôn Độc lập ở vườn hoa Ba Đình - lại giản dị, thân tình đến thế. Họ coi đó là điềm may cho năm mới, là vinh dự lớn của cuộc đời.
Sắp giao thừa, Bác trong trang phục một ông đồ nho nhã nhặn hoà mình vào giữa dòng người cuộn chảy qua cầu Thê Húc, vào đền Ngọc Sơn thắp một nén nhang đúng lúc đất trời sang năm mới, cầu cho nước thịnh dân an.
Sáng mồng một Tết, như thường lệ Bác tới Bắc Bộ Phủ. Trên đường, Bác rẽ vào Sở Cảnh sát Trung ương (phố Hàng Trống) chúc Tết cán bộ, chiến sỹ.
9 giờ, Bác tiếp các đoàn đại biểu đến chúc Tết. 10 giờ, Bác đến Nhà hát lớn chúc Tết đồng bào Thủ đô.
Ngày mồng hai, 16 giờ 30 phút, Bác dự lễ khai mạc chợ phiên góp quỹ kháng chiến của Việt Minh ngoại thành mở tại chùa Láng. Bác biểu dương tinh thần yêu nước và sáng kiến của nhân dân ngoại thành rồi lần lượt đi thăm các gian hàng.
Mồng ba Tết, đúng 7 giờ 30 phút, Bác đã ngồi vào bàn làm việc ở Bắc Bộ Phủ, trở lại một ngày bận rộn của vị Chủ tịch nước Cộng hoà trẻ tuổi. /.
GIANG QUÂN