Chùa Vĩnh Nghiêm nay thuộc thôn Quốc Khánh, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Chùa được xây dựng trên một quả đồi thấp, sau lưng là dãy núi cô Tiên. Chênh chếch phía trước chùa là ngã ba Phượng Nhỡn - nơi sông Thương gặp sông Lục Nam hoà vào cùng dòng để rồi êm ả xuôi về với sông Hồng. Mờ xa là dãy núi Nham Biền nên thơ.
Cách đây 700 năm trước, chùa Vĩnh Nghiêm là nơi dừng chân của các tín đồ phật tử trước khi vượt sông leo núi tới đất phật của thiền phái Trúc Lâm bên mạn Chí Linh (Hải Dương) và Đông Triều (Quảng Ninh).
"Ai qua Yên Tử, Quỳnh Lâm
Vĩnh Nghiêm chưa tới, thiền tâm chưa đành."
Như vậy, đủ thấy rằng chùa Vĩnh Nghiêm có vị trí đặc biệt quan trọng trong tâm thức của giới phật tử. Trong tấm bia "Vĩnh Nghiêm công đức tự bi" dựng năm Hoằng Định thứ 7 (1606) hiện còn lại trong chùa viết: "Chùa Vĩnh Nghiêm không chỉ là ngôi chùa mà còn là một danh lam xây dựng giữa khu cảnh trí thiên nhiên tươi đẹp của vùng Kinh Bắc. Nơi đây trang nghiêm rực rỡ, non cao ngàn dặm, trùng trùng điệp điệp vây quanh như hình chiếc lọng hoa. Chùa ở chỗ hai, ba con sông, sóng nước dạt dào mênh mông, quanh co uốn lượn chầu về như dải lụa bạc. Đây là danh lam đứng đầu trong thiên hạ". Ba vị sư tổ được thờ tại chùa là Trần Nhân Tông (1279 - 1308), Đồng Kiên Cương Pháp Loa (1284 - 1330) và Huyền Quang (1254 - 1334) là những vị chân tu đã có công khai sáng dòng thiền Việt nổi danh - phái Trúc Lâm.
Hiện tại, chùa Vĩnh Nghiêm còn lưu giữ nhiều cổ vật qúy, hàng chục bức hoành phi, câu đối, gần 1000 bản khắc kinh phật cổ. Chùa Vĩnh Nghiêm được thiết kế theo hình chữ nhật, diện tích nội tự rộng hơn 10.000m2. Phía trước gồm sân vườn, từ tam quan chùa trở vào lát gạch dài hơn 100 m chạy thẳng tới trước cửa toà tiền đường. Xưa kia, hai bên con đường này trồng hai hàng thông cao vút, thân to hai vòng tay người ôm. Tương truyền, dãy thông được trồng vào thời Trần và đã gây ấn tượng sâu sắc cho khách hành hương về chốn tổ, như trong văn bia của chùa đã ca ngợi: "Những cây thủy tùng từ đời vua Trần Nhân Tông vẫn vươn mình xanh tốt, ngạo nghễ với thời gian, thực là nơi sơn thuỷ hữu tình".
Sân chùa lát gạch rộng rãi, bên cạnh là tấm bia đá xanh hình lục giác đặt trên bệ sen khắc rồng ở 5 mặt. Mặt chính tạc đôi rồng chầu mặt nguyệt mang phong cách điển hình của thời Lê, phía dưới khắc chữ Hán, nét chữ sắc đẹp. Nội dung ghi công đức tu sửa chùa vào năm 1606. Xa hơn, phía bên phải là khu vườn với 8 ngọn bảo tháp xây gạch cổ kính - nơi đặt xá lị của các vị sư tổ, cao tăng có nhiều cống hiến cho phật giáo Việt Nam và nhiều công quả với chùa Vĩnh Nghiêm.
Trải qua mưa nắng rêu phong, qua nhiều lần tu sửa vào các thời Lê - Nguyễn, chùa Vĩnh Nghiêm mãi mãi là chốn tổ để khách thập phương tìm về gửi gắm tâm linh. Thấm thoắt thoi đưa, một mùa xuân nữa lại về!
THANH NGÂN