Ông đánh giá thế nào về du lịch trực tuyến tại Việt Nam hiện nay?
Hoạt động kinh doanh nói chung và du lịch nói riêng tại Việt Nam có một đặc thù là chủ yếu mua bán giao dịch bằng tiền mặt, đây là phương thức truyền thống từ rất lâu do vậy để tiến tới kinh doanh trực tuyến (online) thì cần phải có thời gian.
Hiện tại, hành vi của khách hàng vẫn đang phổ biến ở việc tìm kiếm các thông tin về sản phẩm trên mạng, khi mua sản phẩm hình thức thanh toán bằng tiền mặt (hoặc chuyển khoản) vẫn rất cao (ước tính vào khoảng 93% của tập khách hàng có hành vi online). Trong hoạt động kinh doanh du lịch, thị trường du lịch Việt Nam đang phổ biến 2 loại: thứ nhất là khách mua tour trọn gói qua công ty lữ hành chiếm tỷ trọng khoảng 80%; thứ hai là khách tự đi (tự tìm kiếm thông tin và đặt phòng, đặt vé) chiếm khoảng 20%.
Trong du lịch online thì phần tự đặt vé máy bay có tỷ trọng giao dịch thanh toán trực tuyến cao nhất, phần tự tìm kiếm khách sạn qua các kênh trực tiếp liên hệ, các công ty lữ hành có bán lẻ khách sạn, các OTA như Agoda, Booking hoặc qua các công ty trong nước như Tripi, Vntrip, Mytour, Chudu... nhưng việc giao dịch với trực tiếp hoặc nhân viên các công ty du lịch vẫn được ưa thích nhất.
Nhiều khách hàng cho rằng không thực sự tin tưởng khi đặt tour, vé, phòng khách sạn bằng hình thức online. Phải chăng đây là nguyên nhân khiến kinh doanh du lịch trực tuyến tại Việt Nam chậm phát triển so với các quốc gia trong khu vực?
Đúng là có thực tế này, bởi thị trường mới bắt đầu thì khách hàng cần phải được hướng dẫn, làm quen, với phương thức trước đây của người tiêu dùng là giao dịch trực tiếp khách hàng với nhà cung cấp nên họ cho rằng độ tin cậy cao hơn. Còn với online họ không biết người bán là ai, rõ ràng về mặt tâm lý hay hành vi cần phải có thời gian để kiểm chứng giao dịch online là đảm bảo.
Trong hoạt động du lịch, việc đặt phòng khách sạn qua mạng bằng cách thức truyền thống nếu có vấn đề phát sinh có thể gọi trực tiếp cho người giao dịch để trao đổi xử lý; còn bằng hình thức online khi mua xong chỉ có thể gọi đến bộ phận chăm sóc khách hàng - đại diện của đơn vị online giao dịch với khách chứ không biết cụ thể là cá nhân nào. Tâm lý này là một trở ngại chưa vượt qua được, chính vì vậy các doanh nghiệp online muốn phát triển phải đảm bảo chất lượng dịch vụ với những chính sách minh bạch và đảm bảo quyền lợi khách hàng.
Tôi cho rằng, trong khoảng 5 năm tới nhận thức trên sẽ hoàn toàn chuyển biến do môi trường kinh doanh thay đổi, do hành vi của giới trẻ - thế hệ internet tiệm cận đến ngưỡng thu nhập… sẽ tác động mạnh đến kinh doanh trực tuyến.
Theo ông, cần những chính sách gì để thúc đẩy du lịch trực tuyến phát triển?
Tôi cho rằng, du lịch online sẽ là xu thế tất yếu trong cách mạng công nghệ 4.0. Tuy nhiên, để du lịch online phát triển thì các chính sách thuế cần sự minh bạch, bình đẳng. Có thực tế là hiện nay một số đơn vị kinh doanh bán sản phẩm theo cách thức truyền thống vẫn có thể lách thuế để tạo ra giá cạnh tranh, nhưng với kinh doanh du lịch trực tuyến thì hoàn toàn không thể bởi tất cả các giao dịch qua hệ thống thẻ tín dụng, hệ thống ngân hàng phải chuẩn xác. Để online phát triển, môi trường kinh doanh phải bình đẳng công bằng giữa tất cả các hình thức kinh doanh, nếu làm được như vậy tôi tin rằng kinh doanh online sẽ có bước tiến xa.
Vấn đề thứ hai là các phương thức thanh toán, thanh toán online thông qua các lọai thẻ đang mất một khoản phí tương ứng 2,5-3% đối với Visa, 1,1% đối với thẻ nội địa; trong khi nhiều quốc gia như Trung Quốc chẳng hạn có hệ thống ví điện tử phát triển và phổ cập như Wechat Pay, Ali Pay cả người mua người bán đều không mất phí, những yếu tố ngay lập tức sẽ tạo ra sự thay đổi lớn cho thị trường giao dịch online.
Tripi.vn ra đời và hoạt động trong bối cảnh thị trường OTA cạnh tranh khốc liệt do một số công ty kinh doanh du lịch trực tuyến của nước ngoài, nội địa đã khẳng định được vị thế. Tuy nhiên “chợ du lịch” trực tuyến non trẻ này vẫn đạt được tốc độ bứt phá đáng nể. Đâu là bí quyết, thưa ông?
Thời gian đầu tripi.vn đối mặt với rất nhiều khó khăn do các công ty trực tuyến lớn đã hình thành thương hiệu, hoạt động hiệu quả, các phân khúc như bán vé máy bay, đặt phòng khách sạn rất tốt và chiếm lĩnh toàn bộ thị trường khách nước ngoài đặt phòng khách sạn khi đến Việt Nam du lịch. Không những thế, tripi.vn còn phải đương đầu với các đối thủ cạnh tranh là các công ty trực tuyến của Việt Nam.
Chúng tôi đã tìm ra thị trường ngách, công ty tập trung xây dựng sàn giao dịch về tour, các công ty du lịch có thể niêm yết sản phẩm trên sàn giao dịch này để khách hàng có thể tìm kiếm, so sánh tìm ra những sản phẩm tối ưu nhất.
Sau đó, tripi.vn chuyển hướng tập trung vào đối tượng khách hàng trẻ có độ tuổi dưới 34 – đưa đến họ sản phẩm vé máy bay và khách sạn, tạo cho khách hàng sự tiện lợi khi tìm kiếm – lựa chọn chuyến đi du lịch trọn gói (TRIPI HOLIDAYS) với lịch trình phù hợp và mức giá tối ưu.
Hiện tại có thể nói lượng giao dịch khá khả quan (2.500 giao dịch/tháng), tuy nhiên vẫn cần thời gian, môi trường kinh doanh online tốt lên cũng như sự thay đổi hành vi của khách hàng, lúc đó mới thực sự đột phá.
Xin cảm ơn ông!
Việt Hùng (thực hiện)