Ngay sau khi Chính phủ được kiện toàn từ tháng 4/2016 và trong nhiệm kỳ mới khóa XIV, với quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Trong đó, Chính phủ đặc biệt quan tâm tới cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp, điều phối giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tổ chức, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, Văn phòng Chính phủ nhận thức rõ tầm quan trọng của cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành của các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước các cấp, nhất là trong cung cấp dịch vụ hành chính công cho người dân và doanh nghiệp.
Văn phòng Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông đã xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm năm 2018: tập trung ứng dụng công nghệ thông tin tại các bộ và địa phương; xây dựng phần mềm giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo; cần sớm xây dựng Trung tâm Dịch vụ công quốc gia mức độ 3, 4; xây dựng Trung tâm Tích hợp dữ liệu; trình Thủ tướng Chính phủ triển khai Trung tâm Dữ liệu quốc gia, đặc biệt là dữ liệu dân cư.
Với mục tiêu hoàn thành xây dựng Chính phủ điện tử trên cơ sở tiếp cận xu hướng phát triển chung của các quốc gia trên thế giới, Văn phòng Chính phủ đã hợp tác với Ngân hàng Thế giới triển khai Chương trình đánh giá về mức độ sẵn sàng dữ liệu mở và Chính phủ số tại Việt Nam. Nội dung của Chương trình tập trung vào các lĩnh vực: lãnh đạo, chính sách/khung pháp lý, cấu trúc thể chế, dữ liệu trong Chính phủ, nhu cầu/sự tham gia của người dân, hệ sinh thái dữ liệu mở, tài chính, hạ tầng, công nghệ và nhân lực.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: Hội thảo khởi động “Đánh giá mức độ sẵn sàng dữ liệu mở và Chính phủ số” sẽ giúp chỉ ra những khoảng cách về thể chế và công nghệ nhằm hướng tới một nhà nước kiến tạo, hỗ trợ thực hiện cải tiến thủ tục hành chính và cải cách quản lý hành chính công bằng việc sử dụng công nghệ số cũng như những khuyến nghị về khung hành động xây dựng Chính phủ kiến tạo số ở Việt Nam giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn đến năm 2036.
Chia sẻ tại hội thảo, Điều phối Chương trình Dữ liệu sáng tạo Alla Morrison cho biết, hiện nay, chính phủ các nước đang nỗ lực để vượt qua những thách thức và đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến nhằm tạo thuận lợi và đạt hiệu quả cho người dân. Bên cạnh đó, các chính phủ cần bảo đảm cung cấp internet một cách hiệu quả, bảo đảm sự cạnh tranh trên thị trường, bảo đảm quyền riêng tư của công dân và quyền của người tiêu dùng. Dữ liệu số đóng vai trò rất quan trọng trong cách mạng công nghiệp 4.0. Cách mạng trong thời đại tiếp theo theo chính là dữ liệu, với khối lượng lớn dữ liệu và tốc độ truyền tải dữ liệu ngày càng tăng là yếu tố cốt lõi của nền kinh doanh số, là động lực thúc đẩy của nền kinh tế số, ước tính sẽ tăng 2 - 3 lần so với các ngành kinh tế truyền thống.
P.V