Ngày 15/2/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 238/QĐ-TTg thành lập Hội đồng Chỉ đạo biên soạn BKTT Việt Nam do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là Chủ tịch Hội đồng. Tiếp đó, Chủ tịch Hội đồng đã ký quyết định thành lập Ban chủ nhiệm Đề án và Quyết định bổ nhiệm 37 Trưởng ban biên soạn Chuyên ngành.
Trong đó, BKTT Du lịch Việt Nam sẽ là bộ tài liệu chuẩn hóa tri thức cơ bản về ngành Du lịch trong đó có hội nhập với tri thức du lịch quốc tế, đảm bảo cho Du lịch Việt Nam hội đủ điều kiện để phát triển nhanh và bền vững, cung cấp công cụ nhận thức chuyên ngành du lịch cho đội ngũ lao động trong ngành Du lịch và những người liên quan đến du lịch. Bên cạnh đó, BKTT Du lịch Việt Nam còn phổ cập tri thức chuyên ngành du lịch cho cộng đồng dân cư và cho toàn xã hội.
Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Thành viên Ban biên soạn BKTT Du lịch Việt Nam cho biết: Những năm qua Du lịch đã vươn lên thành một điểm sáng của kinh tế đất nước, được nhà nước quan tâm phát triển, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, ngành Du lịch còn nhiều điểm yếu, trong đó nhận thức về Du lịch của cả xã hội còn thấp, hệ thống nhân lực của ngành còn yếu, tri thức về du lịch còn chưa được hệ thống, thiếu cập nhật và mức độ phổ cập thấp. Do vậy, việc biên soạn BKTT chuyên ngành Du lịch là rất cần thiết.
Theo đề án, chương trình biên soạn BKTT Việt Nam sẽ được thực hiện trong 5 năm (2017 - 2021). Kế hoạch năm 2017 là các Ban biên soạn hoàn thành xây dựng đề cương quyển chuyên ngành và nội dung cơ bản của đề cương là cấu trúc vĩ mô – xây dựng Bảng mục từ của quyển chuyên ngành. Về số lượng mục từ trong BKTT chuyên ngành Du lịch, theo dự kiến của Ban biên soạn sẽ có khoảng 500 - 600 mục từ.
Theo GS.TS Nguyễn Văn Đính – Trưởng Ban biên soạn BKTT chuyên ngành Du lịch, Thể dục Thể thao, Ẩm thực và Trang phục (Quyển 35), với ý nghĩa vô cùng quan trọng trong nền kinh tế, du lịch phải được hiểu một cách đầy đủ, đúng đắn. Chính vì vậy, việc biên soạn cuốn BKTT về Du lịch là cần thiết. Đây là công việc không hề dễ dàng, đòi hỏi tốn nhiều công sức và thời gian vì đây là lần đầu tiên Việt Nam biên soạn Bộ BKTT nói chung và BKTT về Du lịch nói riêng. Hàng trăm, thậm chí hàng ngàn nhà khoa học đã được mời tham gia biên soạn. Riêng Quyển 35 đã có gần 20 nhà khoa học trực tiếp tham gia, ngoài ra còn có sự tham gia góp ý của nhiều nhà khoa học và chuyên gia khác./.
HN