Hội thảo có sự tham dự và chủ trì của Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Đoàn Minh Huấn.
Hội thảo diễn ra với hai phiên thảo luận chính: “Giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam” và “Văn hóa, con người Việt Nam - Nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới”. Theo Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, 80 năm về trước, Hội nghị thường vụ Trung ương Đảng diễn ra từ ngày 25 - 28/2/1943 tại Võng La, Đông Anh, Phúc Yên (nay thuộc Hà Nội) đã thông qua bản Đề cương về văn hóa Việt Nam, văn kiện đầu tiên của Đảng ta về văn hoá. Đề cương đã xác định rõ phạm vi, nội hàm của văn hóa bao gồm ba thành tố cơ bản là “tư tưởng”, “học thuật” và “nghệ thuật”. Trên cơ sở vận dụng phương pháp luận Mác - xít, Đề cương khẳng định tính tất yếu của mối quan hệ biện chứng giữa các thành tố cơ bản của văn hóa. Các hoạt động về tư tưởng, học thuật và nghệ thuật thẩm thấu, bổ sung, chi phối lẫn nhau để tạo nên tổng thể nền văn hóa dân tộc, đó chính là một “mặt trận”, có mối quan hệ ngang hàng, hữu cơ, mật thiết với mặt trận kinh tế và chính trị. Xuất phát từ luận điểm có tính chất nền tảng này, đối với yêu cầu xây dựng, phát triển đất nước theo mô hình xã hội chủ nghĩa, Đề cương tiếp tục khẳng định mặt trận văn hóa sẽ phát huy vai trò then chốt thông qua cuộc cách mạng văn hóa với 3 nguyên tắc vận động căn bản: “dân tộc hóa”, “đại chúng hóa” và “khoa học hóa”.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đồng thời nhấn mạnh, “Đề cương thể hiện giá trị lý luận cấp tiến khi đặt con người ở vị trí trung tâm. Vị thế của con người nằm ở vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác văn hóa, văn nghệ. Quan trọng là quần chúng nhân dân, chính là chủ thể của văn hóa, là lực lượng sáng tạo, trao truyền, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa”. Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đồng thời dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được khai mạc ngày 24/11/1946, khẳng định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh hơn nữa vai trò định hướng, dẫn dắt của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước, dân tộc thông qua lời khẳng định “Văn hoá phải hướng dẫn quốc dân thực hiện Độc lập, Tự cường và Tự chủ”, “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi””.
Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991), Đảng đã xác định cần xây dựng “nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Đặc biệt, Nghị quyết Trung ương 4 khoá VII (1993), Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII (1998), Nghị quyết số 33-NQ/TW (2014) đều nhấn mạnh mục tiêu “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam”. Và tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng đã khẳng định “... Gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho rằng, bên cạnh những giá trị quý báu về nền tảng lý luận, nguyên tắc cốt lõi, những nội dung của Đề cương về văn hóa Việt Nam còn có giá trị thực tiễn lớn lao trong phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong suốt 80 năm qua. Nhằm định hướng, phát huy giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Bộ trưởng đề nghị cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu, nâng cao, nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn nữa về văn hóa theo tinh thần Đề cương về văn hoá Việt Nam 1943, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 và Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020. Kiên trì thực hiện quan điểm đổi mới mạnh mẽ tư duy quản lý từ “làm văn hóa” sang “quản lý nhà nước về văn hóa”. Sửa đổi, bổ sung các pháp luật liên quan đảm bảo sự đồng bộ, cộng hưởng với pháp luật về văn hóa. Tiếp tục tạo sự chuyển biến thực chất trong công tác xây dựng môi trường văn hoá cơ sở. Nghiên cứu hệ giá trị con người Việt Nam để xây dựng, phát triển con người Việt Nam với những phẩm chất phù hợp với yêu cầu của thời đại mới; phát triển con người gắn với chăm lo và đề cao văn hóa gia đình, đề cao văn hóa trong nhà trường, đề cao văn hóa trong xã hội, lan tỏa những giá trị truyền thống. Phát huy vai trò của văn học - nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, định hướng phát triển nhân cách của con người Việt Nam, nhất là trong thế hệ trẻ. Tập trung phát triển các loại hình nghệ thuật theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; phát huy tối đa vai trò của nhân dân với tư cách là chủ thể của sáng tạo và phát triển văn hóa. Xây dựng Bộ chỉ số quốc gia về phát triển văn hóa và triển khai ứng dụng định kỳ để đo lường, đánh giá, giám sát sự đóng góp và tăng trưởng của lĩnh vực văn hóa trong tổng thể phát triển quốc gia; từng bước đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hoá, du lịch. Xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá trên tinh thần đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho sự phát triển lâu dài và bền vững.
Phát biểu tại Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng khẳng định: “Hội thảo là hoạt động rất có ý nghĩa để tôn vinh, nhận thức rõ hơn về giá trị lịch sử, chính trị, khoa học cũng như tầm vóc thời đại về sự ra đời của Đề cương về văn hóa Việt Nam; đặc biệt là trong tiến trình phát triển của nền văn hóa, sự nghiệp cách mạng của dân tộc, góp phần triển khai thắng lợi quan điểm, định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hoá, con người trong Nghị quyết đại hội lần thứ XIII của Đảng và kết luận của Hội nghị văn hoá toàn quốc năm 2021”.
Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, “Đề cương về văn hóa đã khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa mới trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng Việt Nam, với nhận thức đúng đắn rằng, sự lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa vừa là một tất yếu chính trị, vừa là một tất yếu khách quan. Cách mạng muốn xây dựng thành công nền văn hoá mới dứt khoát phải do Đảng tiền phong lãnh đạo. Có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng mới lan tỏa được tư tưởng cách mạng, tạo nên ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội. Việc xây dựng nền văn hóa mới phải gắn liền với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa. Công cuộc cải tạo xã hội, loại bỏ những gì cũ kỹ lạc hậu, hướng tới xây dựng một chế độ xã hội mới ưu việt hơn chỉ hoàn thành khi hình thành được nền văn hóa mới, “nền văn hoá xã hội chủ nghĩa””.
Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhận định, nhìn lại chặng đường 80 năm qua, được thấm nhuần, kết tinh trong những chủ trương, đường lối của Đảng, được kiểm chứng bằng những thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, Đề cương về văn hóa Việt Nam đã toả sáng những giá trị cốt lõi của một văn kiện mang tầm Cương lĩnh.
Với sự khởi nguồn từ bản Đề cương về văn hóa Việt Nam về xây dựng một nền văn hóa mới và khát vọng chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng đã đề nghị các nhà khoa học, các đại biểu tập trung làm sâu sắc hơn, khẳng định ý nghĩa khoa học, tầm vóc lịch sử và những giá trị trường tồn của bản Đề cương về văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn gần 40 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, nhất là thực tiễn phát triển văn hóa đất nước, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện lý luận về phát triển văn hóa, con người mới trong lý luận về đường lối Đổi mới của Đảng; xây dựng, triển khai hệ giá trị của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, gắn với các đặc trưng: Dân tộc, dân chủ, nhân văn và khoa học, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của bối cảnh mới, nền tảng phát triển mới và nhận thức mới.
Tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về vai trò của văn hoá đối với phát triển. Xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và các đề án phát triển bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội và môi trường, với sự ưu tiên khi thực thi trọng trách gìn giữ, bảo tồn các di sản thiên nhiên, di sản văn hoá của đất nước. Hoàn thiện thể chế, pháp luật và chính sách, tạo môi trường cho các hoạt động văn hoá và huy động nguồn lực cho phát triển văn hoá, con người. Quyết tâm đột phá, tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc trong huy động, phân bổ các nguồn lực từ cả nhà nước và xã hội, nhất là về các cơ chế phân cấp, phân quyền, hợp tác công – tư, khuyến khích các doanh nghiệp, người dân tham gia bảo tồn, phát triển văn hóa, nghệ thuật… khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, nhỏ giọt, kéo dài; xây dựng, tổ chức thực hiện thật sự hiệu quả các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển văn hoá, con người trong giai đoạn tới.
Chăm lo xây dựng đội ngũ những người làm công tác văn hoá có phẩm chất, năng lực chuyên môn xứng tầm với yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới. Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ, đội ngũ những người làm công tác văn hoá; tôn trọng, khuyến khích, động viên, tôn vinh những người làm công tác văn hoá; có chính sách đãi ngộ, xây dựng cơ chế mở, linh hoạt về tuyển dụng, tiền lương, tạo điều kiện để đội ngũ những người làm công tác văn hoá phát huy tài năng, sức sáng tạo, cống hiến vào sự nghiệp phát triển văn hóa, con người.
Thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hoá và thị trường văn hoá phát triển. Cần có các cơ chế, chính sách đồng bộ từ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng đầu tư hạ tầng văn hoá - xã hội, tăng cường quảng bá hình ảnh, thương hiệu quốc gia. Hoàn thiện thể chế, phát huy vai trò của cơ chế thị trường trong huy động và phân bổ hợp lý, hiệu quả các nguồn lực để phát triển v��n hóa. Xử lý thật tốt mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội trong phát triển văn hoá. Quan tâm toàn diện đến cả chủ thể quản lý, chủ thể sáng tạo, chủ thể thực hành, chủ thể truyền bá văn hóa cùng với phát huy vai trò của nhân dân với tư cách là trung tâm của sự sáng tạo và hưởng thụ văn hoá.
Phước Hà