Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: “Chỉ có sự trân quý giá trị văn hóa, bằng văn hóa, từ văn hóa mới có thể kiến tạo nên sự phát triển bền vững”
Vùng đất giàu di tích, văn hóa
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh cho biết, Thường Tín có 126 làng cổ, hiện được phân thành 166thôn, cụm dân cư, tổ dân phố tại 28 xã và 1 thị trấn. Huyện Thường Tín đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020, đang phấn đấu xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2025. Huyện Thường Tín là mảnh đất có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa. Trong lịch sử khoa cử Việt Nam, huyện Thường Tín đứng ở nhóm dẫn đầu về số đăng khoa (gần 70 người); nhiều dòng họ, nhiều gia đình nối đời đỗ đạt. Huyện là vùng đất có nhiều địa danh đã được ghi trong sử sách như Chương Dương Độ, gắn với chiến thắng giặc Nguyên Mông lẫy lừng của quân dân Nhà Trần. Làng Hà Hồi (xã Hà Hồi) nơi mở màn chiến thắng giặc Mãn Thanh vào mùa xuân Kỷ Dậu (1789) của vua Quang Trung - Nguyễn Huệ.
Địa bàn huyện Thường Tín có 460 di tích lịch sử văn hóa là những công trình tôn giáo, tín ngưỡng. Có nhiều di tích lịch sử, di tích văn hóa có kiến trúc nghệ thuật nổi tiếng như: chùa Đậu (xã Nguyễn Trãi) được phong “Đệ nhất danh lam” từ đời vua Lê Thần Tông (thế kỷ XVII); chùa Mui (xã Tô Hiệu) - một cụm di tích đình chùa với kiến trúc còn khá nguyên bản cuối thế kỷ 14; nhà thờ Nguyễn Trãi (xã Nhị Khê), Văn Từ Thượng Phúc, đền Ngũ Xã… Các không gian văn hóa gắn liền với di tích, danh thắng, mang đậm dấu ấn văn hóa đặc sắc và riêng biệt của từng địa phương. Huyện Thường Tín có 129 di sản trong danh mục di sản văn hóa, trong đó đã lưu giữ và phát huy giá trị nhiều di sản văn hóa phi vật thể. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 7 lễ hội qui mô lớn và 26 lễ hội được tổ chức thường niên. Nhiều loại hình văn hóa phi vật thể được bảo lưu và thể hiện qua lễ hội như trình diễn nghệ thuật hát trống quân, trình diễn thi đấu võ gậy… Kho tàng văn hóa phi vật thể còn được thể hiện ở những di chỉ khảo cổ, di tích, công trình tín ngưỡng, các loại hình nghệ thuật độc đáo như: ca trù, hát chèo, múa Bồng, hát Trống quân... Thường Tín còn tự hào là mảnh đất trăm nghề với 126 làng nghề, trong đó có 49 làng được công nhận làng nghề truyền thống và làng nghề Hà Nội; nhiều nghệ nhân được nhà nước và các tổ chức phong tặng, trong đó có 2 nghệ nhân Nhân dân.
Phát triển văn hoá trên nền tảng văn hiến truyền thống
Nhận thức rõ vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội, huyện Thường Tín chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chương trình số 04-CTr/HU ngày 22/8/2020 của Huyện ủy Thường Tín về “Phát triển văn hoá, xã hội trên nền tảng văn hiến truyền thống; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng người Thường Tín thanh lịch, văn minh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực huyện giai đoạn 2020 – 2025” và Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”.
Bên cạnh đó, huyện cũng quan tâm phát triển du lịch gắn với phát huy các giá trị văn hóa, di tích lịch sử, làng nghề. Năm 2022, huyện Thường Tín đã xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn huyện. Nhiều hoạt động du lịch cũng được triển khai như chọn các làng nghề tham gia Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội 2022; phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội tổ chức chương trình khảo sát về xây dựng mô hình thí điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Điểm du lịch làng nghề sinh vật cảnh xã Hồng Vân; đề nghị UBND Thành phố công nhận 4 điểm du lịch làng nghề... Đặc biệt là tranh thủ các nguồn lực của nhà nước, nguồn xã hội hóa tập trung đẩy mạnh quảng bá hình ảnh du lịch huyện Thường Tín; phối hợp tiến hành ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản lý và quảng bá du lịch của huyện.
“Đề nghị Bộ VHTTDL, UBND TP. Hà Nội tạo cơ chế, chính sách, hỗ trợ kinh phí để huyện Thường Tín xây dựng, tu bổ, tôn tạo… các thiết chế văn hóa và tổ chức các hoạt động văn hóa huyện, cơ sở; đồng thời có cơ chế hỗ trợ kinh phí cho người trông coi di tích, nhà văn hóa tại các thôn, cụm dân cư. Đề nghị Bộ VHTTDL, Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội quan tâm xếp hạng di tích cấp thành phố, cấp quốc gia theo quy định cho Khu Văn Từ Thượng Phúc; quan tâm xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt cho Quần thể Nhà thờ Nguyễn Trãi và Khu lưu niệm Anh hùng dân tộc - Danh nhân Văn hóa Nguyễn Trãi sau khi dự án này hoàn thiện” - Chủ tịch UBND huyện Thường Tín kiến nghị.
Chủ tịch UBND huyện Thường Tín đồng thời đề nghị Bộ VHTTDL và TP. Hà Nội quan tâm hỗ trợ, định hướng quy hoạch phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với phát triển du lịch tâm linh trên địa bàn huyện trong thời gian tới. Đề nghị TP. Hà Nội tiếp tục quan tâm, hỗ trợ kinh phí tu bổ, tôn tạo các di tích cấp quốc gia và Thành phố ngoài danh mục theo Nghị quyết 02/NQ-HĐND ngày 8/4/2022 của HĐND TP. Hà Nội đã được phê duyệt đối với huyện Thường Tín (đang trong tình trạng xuống cấp so với thời điểm rà soát lập danh mục).
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng bày tỏ vui mừng chứng kiến những thành tựu trong sự nghiệp phát triển của huyện Thường Tín, đặc biệt trong việc giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa, di tích lịch sử trong bối cảnh cả nước đang hướng về kỷ niệm 80 ra đời Đề cương văn hóa Việt Nam. Bộ trưởng khẳng định: “Bức tranh kinh tế - xã hội của huyện Thường Tín có nhiều điểm sáng, thể hiện rõ những thành tựu đạt được trong quá trình thực hiện Nghị quyết của đại hội Đảng các cấp của nhiệm kỳ này. Huyện Thường Tín cũng đã cùng ngành Văn hóa nước ta thực hiện kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong việc phát triển, chấn hưng văn hóa, đưa văn hóa phát triển ngang hàng với kinh tế, chính trị; văn hóa tạo sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, để đất nước phát triển ngày càng phồn thịnh”.
Đồng tình với thực trạng và những giải pháp huyện Thường Tín đưa ra để phát triển văn hóa trong thời gian tới, Bộ trưởng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, tất cả các quốc gia trên thế giới muốn phát triển bền vững đều dựa trên trụ cột của văn hóa. “Chỉ có sự trân quý giá trị văn hóa, bằng văn hóa, từ văn hóa mới có thể kiến tạo nên sự phát triển bền vững. Các nước phát triển cũng đã đi theo hướng này và được thế giới thừa nhận” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, trong quá trình phát triển của đất nước, Đảng ta nhận thức rất rõ vai trò to lớn của văn hóa. Chính vì vậy, từ khi Đảng chưa giành được chính quyền đã đề ra đường lối để phát triển văn hóa, tiêu biểu là Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943. Đây có thể hiểu là luận cương đầu tiên của Đảng về văn hóa. Năm 1945, khi chúng ta giành độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên của Đông Nam Á. Bằng lý luận tiền phong của mình, Đảng ta đã tiếp tục xác định các nghị quyết về văn hóa. Tiêu biểu là Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII; Nghị quyết 33 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Kết luận số 76/KL/TW ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33... đều đề cao văn hóa, đặt văn hóa trong tổng thể chung, ngang hàng với kinh tế, chính trị.
“Trong quá trình vận động và phát triển của văn hóa, nhiều địa phương đã có cách nhìn, cách làm sáng tạo. Với huyện Thường Tín, vùng đất địa linh, nhiều khoa bảng hiền tài, huyện đã khảo sát, đánh giá hiện trạng, lập kế hoạch tôn tạo, bảo vệ. Hiếm có huyện nào trên toàn quốc có trên 400 di sản, di tích. Nếu biết khai thác, giữ gìn, những giá trị văn hóa này không những không mất đi mà còn trường tồn mãi mãi, trở thành nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội. Vì thế, huyện cần tập trung, bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị văn hóa này. Bên cạnh đó, làm mới, tiếp cận với phương pháp mới, biến văn hóa thành sản phẩm du lịch, khai thác nguồn tài nguyên văn hóa”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chỉ đạo.
Để phát huy tốt hơn các giá trị văn hóa, di tích, di sản gắn với phát triển du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề xuất huyện Thường Tín phát huy niềm tự hào là vùng đất địa linh, văn hiến; tuyên truyền giáo dục, đề cao các giá trị này trong nhân dân, để người dân sẽ là chủ nhân thực sự của quá trình phát triển, của văn hóa, giới thiệu văn hóa của quê hương ra với thế giới. Bộ trưởng cũng lưu ý huyện Thường Tín trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; phải biết khu trú, chọn việc, chọn điểm; có cách tiếp cận mới khi nguồn lực chưa có nhiều, liên kết để làm ra sản phẩm với du lịch. Bộ trưởng đề nghị Tổng cục Du lịch và Sở Du lịch Hà Nội tham vấn cho huyện tạo ra các sản phẩm du lịch, đặc biệt là những sản phẩm gắn với văn hóa chỉ riêng Thường Tín có. Các sản phẩm phải độc đáo, mang tính sáng tạo, khác với sản phẩm của Hoàn Kiếm, Thạch Thất... “Biến Thường Tín thành vùng quê đáng sống. Ở đó, người dân đi xa sẽ muốn về, khổ đau càng muốn về. Khách du lịch sẽ đến để tìm thấy sự bình yên sau những ồn ào của phố thị, đắm mình vào không gian văn hóa này, lan tỏa những giá trị tích cực của vùng đất địa linh. Để trong tương lai gần, bản đồ du lịch của Việt Nam sẽ điểm danh được một vài điểm của huyện Thường Tín” - Bộ trưởng mong muốn.
Hiện nay, ngành Văn hóa đang tập trung xây dựng môi trường văn hóa, dựa vào các tiêu chí nông thôn mới, đô thị văn minh, hướng mạnh vào cộng đồng dân cư, trân quý những giá trị văn hóa. Bộ trưởng cho rằng, muốn phát triển văn hóa, cần phải có con người, những người làm văn hóa, thực hành văn hóa, quản lý văn hóa. Nên nếu địa phương cần, Bộ sẵn sàng hỗ trợ huyện đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực về văn hóa. Bộ trưởng đồng thời tiếp thu những kiến nghị của huyện Thường Tín, giao các cơ quan liên quan thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; những vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ thì Bộ sẽ giải quyết, những vấn đề vượt thẩm quyền của Bộ, sẽ trình Thủ tướng Chính phủ.
Phước Hà