Hội thảo là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động do TCDL phối hợp tổ chức, hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh”. Đến dự Hội thảo có Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Minh, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Lan Ngọc; đại diện Văn phòng hỗ trợ khu vực châu Á - Thái Bình Dương thuộc UNWTO. Phó Tổng cục trưởng TCDL Hà Văn Siêu tham dự trực tuyến từ Hà Nội.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu nhận định, với chủ đề Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh”, có thể khẳng định Bình Thuận là điểm đến cam kết hướng tới tăng trưởng xanh, xây dựng sản phẩm du lịch thân thiện môi trường. Qua đó, góp phần phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, bảo tồn tài nguyên, phát triển du lịch gắn với các ngành kinh tế khác, tạo việc làm cho cộng đồng địa phương. “Việc tổ chức Hội thảo nhằm hướng đến giải quyết một số vấn đề đặt ra về quản lý điểm đến, phát triển sản phẩm trong tình hình mới; thu hút, đào tạo lại nguồn nhân lực; tăng cường xúc tiến quảng bá, chuyển đổi số... đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước, địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng du lịch” - Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Minh cho biết, năm 2023, Bình Thuận vinh dự được đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia với trên 200 hoạt động, sự kiện quy mô quốc gia và quốc tế. “Việc tổ chức Hội thảo vừa là nhiệm vụ đã được phê duyệt tại Đề án tổ chức Năm Du lịch quốc gia, vừa gắn với Đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, cũng như chương trình quản lý điểm đến bền vững, phục vụ phát triển du lịch tỉnh Bình Thuận. Hội thảo cũng nhằm trang bị cho cán bộ ngành Du lịch, doanh nghiệp lưu trú - lữ hành, cộng đồng du lịch, ban quản lý các khu, điểm du lịch kiến thức quan trọng về quản lý điểm đến; chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch Việt Nam và Nhật Bản hướng đến phát triển bền vững du lịch địa phương” - ông Nguyễn Minh nhấn mạnh.
Phát biểu tham luận tại Hội thảo, đại diện Văn phòng hỗ trợ khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNWTO đã có bài giới thiệu “Sổ tay hướng dẫn quản lý điểm đến bền vững thông qua phát triển du lịch”; Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Mai - Viện Nghiên cứu phát triển du lịch đã chia sẻ những kinh nghiệm về quy hoạch, quản trị bền vững thành công tại một số điểm đến nổi tiếng ở Nhật Bản và Việt Nam. Đặc biệt, đại diện Viện Nghiên cứu phát triển du lịch đã chia sẻ kinh nghiệm quản lý thành công ở một số điểm đến phát triển bền vững của Việt Nam như hoạt động du lịch cộng đồng tại Sin Suối Hồ (Lai Châu), du lịch di sản bền vững tại quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình), du lịch sinh thái bền vững tại Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình)…
Hội thảo cũng đã thảo luận nhóm theo các chủ đề về vấn đề thách thức của địa phương khi hiện thực hóa định hướng phát triển du lịch; điều kiện tiên quyết để các khu vực du lịch duy trì bền vững; những đề xuất, khuyến nghị để quản lý điểm đến bền vững thông qua phát triển du lịch; giải quyết vấn đề kinh tế - xã hội và nâng cao thu nhập của người dân… Theo các đại biểu, thách thức hiện nay trong phát triển du lịch là nguồn nhân lực quản lý du lịch tại các địa phương quá ít; thiếu kinh phí quảng bá; cần có sự chung tay bảo vệ môi trường tại điểm đến; sản phẩm du lịch còn khá đơn điệu, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển; công tác quảng bá lễ hội hiện nay chưa được chú trọng đúng mức…
Với việc đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2023, du lịch Bình Thuận kỳ vọng bước vào giai đoạn phục hồi phát triển mạnh, phấn đấu đón 6,5 triệu lượt khách; tương lai Phan Thiết - Mũi Né sẽ là điểm đến du lịch hàng đầu châu Á Thái - Thái Bình Dương. Bên cạnh các điểm du lịch cao cấp, Bình Thuận đang chú trọng khai thác các điểm đến du lịch còn hoang sơ, mới lạ trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu tham quan của nhiều du khách khác nhau. Về vấn đề này, các đại biểu cho rằng việc khai thác điểm du lịch hoang sơ của Bình Thuận là cách làm hay để tạo sản phẩm du lịch mới, tăng sức cạnh tranh nhằm thu hút du khách. Tuy nhiên, cần có sự chung tay từ nhiều phía, chính quyền, nhà quản lý, người làm du lịch, người dân để tạo ra sản phẩm điểm đến du lịch mới lạ, có chất lượng, đảm bảo du lịch xanh và bảo vệ môi trường.
Bình Thuận nằm giữa các trung tâm du lịch lớn khu vực phía Nam với gần 200km bờ biển, nguồn tài nguyên du lịch biển phong phú, nhiều bãi biển đẹp; cảnh quan thơ mộng, môi trường tự nhiên trong lành, hệ sinh thái biển đa dạng… Bên cạnh đó, Bình Thuận còn có nhiều di tích lịch sử cùng lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc. Đó là điều kiện thuận lợi để phát triển đa dạng các loại hình du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái biển. Bình Thuận cũng là một trong những địa phương có sức hút mạnh mẽ các nhà đầu tư về du lịch với trên 300 dự án du lịch còn hiệu lực, trong đó khoảng 150 dự án đang hoạt động. Các dự án đầu tư không chỉ tập trung ở thành phố Phan Thiết mà đã mở rộng đến vùng ven biển Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, La Gi. Sức hấp dẫn của du lịch biển Bình Thuận thời gian qua đã chinh phục, thu hút du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng ngày càng nhiều hơn; thời gian lưu trú dài hơn, quay lại nhiều lần hơn, nhất là khách quốc tế. Địa danh Mũi Né của Bình Thuận đã trở thành thương hiệu du lịch nổi tiếng trong nước và thế giới. Năm 2022, Bình Thuận đón trên 5,7 triệu lượt khách, gấp 3,2 lần so với năm 2021 (trong đó khách quốc tế gần 88.000 lượt, gấp 3,7 lần năm 2021); doanh thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 13.680 tỷ đồng. Trong tháng 1/2023, du lịch Bình Thuận đón gần 700 ngàn lượt khách (tăng 2,1 lần so cùng kỳ năm 2022).
|
Thanh Minh