
“Rơi trong chơi vơi” là câu chuyện kể về cuộc gặp gỡ kỳ lạ giữa hai con người đã từng gặp phải những tổn thương tinh thần trong quá khứ và muốn tìm đến cái chết. Hai con người, hai mảnh đời như bị bỏ quên ngoài vùng chiếu cố của yêu thương, tự vật lộn chống chọi với chặng đầu của đường đời; hoặc do xã hội, do chính những ưu tư, chấp niệm quẩn quanh ở họ… khiến lẽ sống rời bỏ họ lúc nào không hay. Họ hoàn toàn không biết làm gì cho cuộc đời mình trước mắt. Rồi cứ thế buông, cứ thế rơi, cứ thế thả trôi chính mình vào vô định.
.jpg)
Xuyên suốt mạch truyện giữa hai nhân vật, các triết lý của đạo Phật, góc nhìn và giác ngộ của tác giả cũng được lồng ghép khéo léo. Góc khuất nhất của mỗi cuộc đời được trải ra nhẹ nhàng qua giọng văn gần gụi nhất với tâm can, khiến người đọc đâu đó thấy được chính mình trong từng nhân vật. Bước qua “Rơi trong chơi vơi”, người đọc sẽ không ngừng được những băn khoăn bắt đầu dấy lên về cuộc đời của riêng mình, nhìn lại ý nghĩa cuộc sống của mình một cách nghiêm túc, với chính tương lai phía trước và với chính mình của hiện tại.
Nhà phê bình Văn Chinh cho rằng, “Rơi trong chơi vơi” là một câu chuyện mở ra đen tối nhưng khép lại thì tràn đầy ánh sáng. Ở cuối truyện, nhân vật chính đã trở về Hà Nội, tiếp tục lòng ham sống, dẫu rằng cái sống ấy chỉ để tôn thờ một tình yêu đã chết nhưng lung linh rực rỡ. “Rơi trong chơi vơi” đã có một thông điệp lạ lùng về tình yêu cuộc sống, về ý nghĩa cuộc sống.
.jpg)
Nhân dịp ra mắt sách, talkshow có chủ đề “Hành trình tự chữa lành tổn thương” với sự tham gia của các diễn giả: nhà văn An Hạ, nhà phê bình Văn Chinh, nhà văn Di Li, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, họa sĩ Lê Thiết Cương… đã mang tới những góc nhìn, những trải nghiệm về những nỗi đau và cách vượt qua những tổn thương, mất mát trong cuộc sống…
Nhà văn An Hạ tên thật là Nguyễn Thị Thu Hà (1985). Hiện chị đang sống và làm việc tại Hà Nội trong vai trò giáo viên môn Ngữ văn trường THCS Tây Sơn. Bút danh An Hạ xuất phát từ chính tên cô con gái bé bỏng. Nhà văn An Hạ đã xuất bản các tập sách: “Những người tình cô đơn kỳ lạ của tôi” (2012), “Môi - Một người đàn bà” (2014).
|
Hoa Trang