Hát then và cây đàn tính bắt nguồn từ cuộc sống lao động tập thể cộng đồng người Tày cổ. Then có thể hiểu là Thiên, tức là Trời, vì thế điệu hát then được người Tày coi là điệu hát của thần tiên.
Hát then không chỉ là một làn điệu dân ca mà nó còn tổng hòa nhiều môn nghệ thuật và phong tục khác như múa, đàn và giao duyên. Lúc đầu hát then chỉ có một người tay đệm đàn, miệng hát, chân xóc nhạc. Chính lời bài hát then, hòa trong nhịp đàn tính dập dìu, cùng tiếng xóc lúc khoan lúc nhặt sẽ đưa bà Then, ông Then, đại diện cho cộng đồng, đến với Mường Trời để cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, con người và vạn vật sinh sôi nảy nở…
Nói đến hát then không thể không nhắc đến đàn tính và ngược lại. Đàn tính là một loại nhạc cụ dân gian độc đáo của người Tày có âm thanh ngọt ngào, mượt mà và ấm áp. Tiếng đàn tính và hát then phản ánh tâm tư tình cảm của cả người chơi lẫn người nghe, có sức hấp dẫn kỳ diệu, tạo cảm giác bâng khuâng, lưu luyến. Hộp đàn làm bằng vỏ bầu, mặt đàn làm bằng gỗ vông, cán bằng gỗ cây khảo quang hay cây dâu tằm.
Lời hát then vốn là những câu chữ được dân gian chắt lọc, vừa là những câu thơ trữ tình, giàu nhạc điệu, vừa là lời khuyên răn, khích lệ, vừa là những kinh nghiệm về đối nhân xử thế… Cho nên nghe hát then sẽ được những bài học quý về cuộc sống, về cách ứng xử với thiên nhiên và mọi người xung quanh.
Hát then ở Cao Bằng có đặc điểm nổi bật là tính nhân dân. Người ta hát trong dịp lễ, cưới hỏi, trong sinh hoạt văn hóa, nam cũng như nữ rất nhiều người biết đàn và hát rất điệu nghệ. Hát then đã trở thành một nhu cầu quan trọng đối với đời sống tinh thần của các dân tộc Tày, Nùng ở Cao Bằng.
HN