Hà Giang nằm ở địa đầu Tổ quốc, cách thủ đô Hà Nội 320km; là nơi giao thoa tiếp giáp giữa hai vùng văn hóa Đông Bắc - Tây Bắc, đồng thời là điểm trung chuyển giữa cung đường du lịch Đông Tây Bắc và tiếp giáp với thị trường du lịch tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Là vùng đất có lịch sử văn hóa lâu đời, sự hội tụ của 19 dân tộc với những đặc trưng riêng như Mông, Dao, Pà Thẻn, Cờ Lao, Lô Lô, Bố Y, Phù Lá, Pu Péo…, Hà Giang từ lâu đã thu hút được sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước.
Mục tiêu và nhiệm vụ xuyên suốt hiện nay của tỉnh là sớm đưa Hà Giang thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, tiến tới có trình độ phát triển chung của khu vực. Hà Giang đã đề ra “2 đột phá” và “5 chương trình trọng tâm” phát triển trong giai đoạn 2015 - 2020, trong đó, phát triển du lịch là một trong 5 chương trình trọng tâm lớn của tỉnh.
Theo đó, cơ sở hạ tầng dịch vụ nhà hàng, khách sạn ngày một cải thiện, nâng cấp; một số dự án lớn về khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp đã và đang được triển khai xây dựng; số lượng doanh nghiệp du lịch ngày một tăng; lượng khách du lịch đến Hà Giang không ngừng tăng… đã khẳng định được vị trí trong bản đồ Du lịch Việt Nam, là một trong 24 khu du lịch trọng điểm quốc gia, được một số tạp chí nước ngoài bình chọn là một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất của Việt Nam.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn cho biết, Hà Giang hiện đang có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhằm kêu gọi đầu tư để nâng cấp và gia tăng hệ thống cơ sở lưu trú, cải thiện hạ tầng cơ sở, giao thông…; đồng thời, mong muốn với định hướng phát triển du lịch theo nét đặc trưng của mình, Hà Giang sẽ trở thành một điểm đến của thị trường du lịch miền Trung.
Nhân dịp này, các Trung tâm Xúc tiến Du lịch, doanh nghiệp du lịch Hà Giang và các tỉnh miền Trung đã cùng ký vào Bản thỏa thuận hợp tác du lịch.
Khuê Việt Trường