Với 18 chương xoay quanh nhân vật chính là Duy, tác phẩm tái hiện câu chuyện tình yêu đẹp giữa một nhạc công chơi phong cầm trong đoàn văn công đi sơ tán ở địa phương và cô giáo trường làng, trải qua những thăng trầm của chiến tranh, ly biệt, thậm chí là tù tội. Tuy không có cái kết đẹp như cổ tích nhưng “Còi tàu trong đêm” vẫn lấp lánh vẻ chân thành và da diết của mối tình trong sáng.
Qua tác phẩm, lớp độc giả cao tuổi có thể sống lại hình ảnh những tháng năm kháng chiến chống Mỹ, ký ức Hà Nội 12 ngày đêm khói lửa, những gian khổ của cuộc sống thời kỳ bao cấp. Còn lớp độc giả trẻ tuổi sẽ hiểu hơn về một thời kỳ lịch sử của Hà Nội qua những địa danh như: khu sơ tán thôn Đầm, cầu Long Biên, phố Khâm Thiên, nhà tù Hỏa Lò, hồ Thiền Quang, ga Hàng Cỏ, hay tiếng leng keng của tàu điện giờ chỉ còn là hoài niệm...
Mặc dù phát hành tiểu thuyết ở tuổi đã không còn trẻ, tác giả Nguyễn Duy Ngọc - hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội chia sẻ rằng, niềm đam mê văn chương của ông vẫn cháy bỏng như thuở còn tuổi trẻ và chưa bao giờ nguội tắt. Một điều đặc biệt, ông chính là cha của nữ nhà văn Di Li - tác giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng đa dạng thể loại, trong đó gần nhất là hai tác phẩm du ký ẩm thực “Tôi đã ăn cả cánh đồng hoa” và “Nửa vòng trái đất uống một ly trà” ra mắt năm 2019. Là một người con của Hà Nội, tác giả Nguyễn Duy Ngọc cũng đang viết thêm cuốn tản mạn về những chuyện cũ Hà Nội và dự định sẽ sớm được phát hành.
Trang Uyên