Quyết định nêu rõ, khu vực bảo vệ di tích được xác định theo biên bản và bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích trong hồ sơ; UBND các cấp nơi có di tích được xếp hạng trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước đối với di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Đình Tân Nhuận Đông được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ 19, được vua Tự Đức ban sắc phong “Thành Hoàng Bổn Cảnh” năm 1852. Đình được hình thành từ khá sớm, gắn liền với quá trình khai hoang lập ấp của dân cư trên vùng đất mới ghi dấu ấn lịch sử phát triển của vùng đất Phú Nhuận xưa (thuộc huyện An Xuyên) và nay là xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp.
Trải qua thời gian dài tồn tại và phát triển, đình vẫn giữ được nét uy nghi và cổ kính. Kết cấu của ngôi đình được xây dựng theo lối kiến trúc vì kèo với sự gắn kết giữa cột, kèo, đòn tay, xuyên trính bằng kỹ thuật ráp mộng khít khao theo chiều dọc và chiều ngang, mang biểu tượng âm dương hòa hợp. Từ kết cấu kiến trúc, kỹ thuật chạm khắc hoa văn, hình người, các linh vật đến cách bày trí, sắp xếp các vật dụng thờ tự điều mang tính nghệ thuật, thẩm mỹ cao.
Đình còn lưu giữ nhiều giá trị kiến trúc, lịch sử, Hán Nôm là những tư liệu chính yếu của nhiều ngành nghiên cứu khác nhau như mỹ thuật, kiến trúc, ngôn ngữ, văn hóa dân gian, du lịch… tạo điều kiện cho việc phổ biến tri thức khoa học xã hội đến với cộng đồng.
Hàng năm, vào ngày mùng 9 – 11/4 âm lịch, Lễ Kỳ Yên Hạ Điền là lễ hội lớn nhất diễn ra ở đình Tân Nhuận Đông, thu hút hàng ngàn người trong và ngoài tỉnh đến tham dự. Ngoài ra, còn có các lễ khác như: cúng Kỳ Yên Thượng Điền, cúng Bầu Ông Tống Khách, Vía Ông Quan Thánh Đế Quân.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có 88 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng, trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 16 di tích quốc gia, 71 di tích cấp tỉnh.
Nguyễn Toàn