Dự buổi làm việc với Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng có Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ VHTTDL) PGS.TS Lê Anh Tuấn cùng Ban giám hiệu, đại diện các phòng chức năng, khoa chuyên ngành…
Thay mặt nhà trường, Hiệu trưởng Trịnh Cao Khải đã báo cáo tóm tắt tình hình hoạt động của trường, những nỗ lực trong công tác tuyển sinh, đào tạo, một số kết quả trường CĐDLHN đã đạt được thời gian qua cùng những khó khăn thách thức đang đặt ra …
Được thành lập từ năm 1972, trường CĐDLHN tiền thân là trường Công nhân Khách sạn-Du lịch. 48 năm qua, trường đã khẳng định được sự trưởng thành trước yêu cầu của từng giai đoạn. Trường luôn là địa chỉ uy tín trong đào tạo, bồi dưỡng các bậc học từ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng của ngành và xã hội.
Hiện nay, nhà trường có các hệ đào tạo chính: Hệ cao đẳng và hệ trung cấp với lưu lượng gần 7000 học sinh, sinh viên/năm. Nhà trường đã đào tạo được khoảng trên 100.000 lượt học sinh, sinh viên. Học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường đa số đều có việc làm .
“Xác định rõ việc thúc đẩy Du lịch Việt Nam thực sự thành ngành kinh tế mũi nhọn, trường đã tập trung thực hiện hàng loạt giải pháp, trong đó nhấn mạnh ưu tiên, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng…”, Hiệu trưởng Trịnh Cao Khải nói.
Hiện nay Trường CĐDLHN là một trong 8 trường Cao đẳng đào tạo du lịch trực thuộc Bộ VHTTDL, trước tháng 1 năm 2017 Trường CĐDLHN trực thuộc Bộ Giáo dục đào tạo quản lý về chuyên môn khi Luật Giáo dục nghề nghiệp được thực hiện, trường được chuyển về Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quản lý về chuyên môn. Mặc dù cơ sở vật chất phòng học lý thuyết, phòng học thực hành được quan tâm đầu tư nhưng chưa thể đáp ứng với tiêu chuẩn của đào tạo nghề du lịch.
Diện tích khuôn viên chật hẹp, cơ sở vật chất đã được đầu tư từ lâu nên xuống cấp với số lượng gần 7.000 học sinh, sinh viên đang đào tạo dẫn đến thiếu phòng học nhất là phòng học thực hành. Nguồn kinh phí của trường còn hạn hẹp nên khó khăn cho việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học…
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, song được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ VHTTDL, sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhà trường đã đạt nhiều thành tích nổi bật. Năm 2019, trường vinh dự được vinh danh là một trong năm đơn vị đạt danh hiệu “Cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch tiêu biểu của Việt Nam năm 2019” tại lễ vinh danh doanh nghiệp du lịch hàng đầu và trao tặng giải thưởng Du lịch Việt Nam của ngành năm 2019…
Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Trùng Khánh chia sẻ, thời điểm này khó khăn lớn nhất đối với nhà trường là cơ sở vật chất, mặc dù là trường đầu tiên về du lịch được thành lập, có thể coi là “máy cái” trong đào tạo, cung ứng lao động du lịch nhưng mức độ đầu tư còn hạn chế, dẫn đến khó khăn trong các hoạt động nói chung…
Nhận định về những khó khăn, thách thức đặt ra đối với trường CĐDLHN, PGS .TS Lê Anh Tuấn cho hay, trường không được hỗ trợ kinh phí từ “chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm” từ năm 2017 trở về trước là một thiệt thòi lớn. Bên cạnh đó, thực hiện thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về kỹ năng nghề trong ASEAN cũng tạo ra áp lực nặng nề đối với nhà trường trong việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...
Một khó khăn khác được lãnh đạo nhà trường báo cáo tại buổi làm việc là khâu kiểm định chất lượng đào tạo – yếu tố rất quan trọng để khẳng định thương hiệu của cơ sở đào tạo, tuy nhiên do “vướng” một số vấn đề khiến cho công tác này chưa được triển khai. Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương tinh giản biên chế (2%/năm) cũng gây ra nhiều tâm tư trong đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường bởi sự gò bó về bộ máy, trong khi yêu cầu về chất lượng lao động ngày càng cao, đòi hỏi đội ngũ đào tạo cần được tăng cường để đáp ứng xu thế phát triển…
Ghi nhận những ý kiến tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng đánh giá cao những nỗ lực của tập thể trường CĐDLHN thời gian qua. Thứ trưởng nhấn mạnh, với chặng đường gần nửa thế kỷ, qua nhiều giai đoạn, nhiều tên gọi, nhiều cơ quan chủ quản khác nhau song ở thời điểm nào trường cũng đã phát huy được dấu ấn, nhất là gần đây du lịch được xác định là ngành kinh tế tổng hợp, mang yếu tố văn hóa cao. Nhà trường đã tập trung xây dựng được đ��i ngũ giảng viên vững chắc với 12 TS, nhiều thạc sỹ có chuyên môn tốt, khả năng quản trị đáp ứng các yêu cầu đặt ra với chất lượng cao. Đối với nguồn nhân lực, Thứ trưởng mong muốn chất lượng ngày càng được nâng cao để cạnh tranh với nguồn nhân lực nước ngoài đang có xu hướng chuyển dịch ngày càng mạnh mẽ…
Theo Thứ trưởng, trong vòng 5 năm tới, ngành Du lịch cần khoảng 3 triệu lao động có chất lượng để đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới. “Trường CĐDLHN đáp ứng được khoảng bao nhiêu trong số này? Để trả lời được cần xây dựng triết lý phát triển, đặt mục tiêu và tầm nhìn dài hạn”, thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.
“Thay vì đến kỳ mới tuyển sinh, trường cần nghiên cứu thay đổi phương pháp tiếp cận với các cơ sở đào tạo, đặc biệt trên địa bàn Hà Nội”, Thứ trưởng gợi ý.
Bên cạnh đó, cần phối hợp với Hiệp hội Du lịch, Hội đồng tư vấn Du lịch để tiếp cận các nghiên cứu ứng dụng, cũng như mời chuyên gia giàu kinh nghiệm thực tế cùng tham gia giảng dạy, gắn “học” với “hành”. “Chất lượng đào tạo chính là sự khẳng định thương hiệu Cao đẳng Du lịch Hà Nội”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Viễn Nguyệt