KDLQG Mũi Né hiện có 429 cơ sở lưu trú với 13.946 buồng, chiếm 90,5% số cơ sở lưu trú của tỉnh, trong đó khách sạn 5 sao (2 cơ sở), 4 sao (23 cơ sở), 3 sao (15 cơ sở), 2 sao (16 cơ sở), 1 sao (14 cơ sở). Các dịch vụ nhà hàng ăn uống khá phong phú với khoảng 300 cơ sở, hầu hết các khách sạn, khu du lịch, nhà khách đều có nhà hàng, cơ sở ăn uống với chất lượng từ cao cấp đến bình dân. Tuy nhiên, chưa có các nhà hàng, phố ẩm thực đặc sắc để thu hút du khách, còn khá ít các cơ sở đạt chất lượng cao. Riêng khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, trung tâm văn hóa nghệ thuật trên địa bàn còn ít, chưa gắn kết các hoạt động văn hóa nghệ thuật với phát triển du lịch.
Khách quốc tế đến với Mũi Né gần đây chủ yếu là Nga (25 - 30%), Trung Quốc (25 - 30%), ASEAN (10 - 20%), Bắc Âu (5 - 10%), khoảng thời gian đến từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Đây là mùa cao điểm khách quốc tế đến Mũi Né nghỉ dưỡng hàng năm với thời gian lưu trú trung bình 2,5 ngày. Trong số đó phần đông là khách du lịch trẻ có sở thích nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, du lịch dã ngoại, mạo hiểm. Khách nội địa chiếm tỷ lệ lớn, chủ yếu từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, tập trung vào những ngày cuối tuần, dịp lễ, tết, hè hoặc công tác kết hợp với nghỉ dưỡng, thăm thân nhân, thương mại, thời gian lưu trú trung bình 1,5 ngày.
Địa danh Mũi Né đã trở thành thương hiệu du lịch mang tầm quốc tế, là “thủ đô resort” của Việt Nam, là nơi dừng chân lý tưởng không thể bỏ qua của du khách. Với khí hậu, thời tiết gió và nắng nhiều, ít mưa bão, tạo điều kiện rất tốt với các môn thể thao biển được du khách yêu thích như lướt ván buồm, lướt ván diều. Bên cạnh đó, còn có nhiều điểm tham quan hấp dẫn như đồi cát bay, tháp Pô Sah Inư, Bàu Trắng, Bảo tàng nước mắm, Suối Tiên. Ngoài loại hình chủ yếu là nghỉ dưỡng và thể thao biển, du khách đến Mũi Né còn trải nghiệm du lịch sinh thái, chữa bệnh, MICE, du lịch tâm linh.
KDLQG Mũi Né được quy hoạch theo 3 phân khu chính là: phân khu du lịch biển cao cấp Bắc Bình có diện tích khoảng 500ha, tập trung phát triển các tổ hợp du lịch đa năng với các sản phẩm du lịch cao cấp, đặc biệt là nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi giải trí, nông nghiệp kết hợp đô thị, khám phá biển đảo; phân khu du lịch biển Mũi Né có diện tích khoảng 340ha, tập trung phát triển các không gian công cộng kết hợp với các mô hình khu nghỉ dưỡng quy mô vừa và nhỏ, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đặc biệt là sản phẩm vui chơi giải trí, các hoạt động về đêm; phân khu du lịch chuyên đề - Du lịch Cát có diện tích khoảng 100ha, khai thác các đặc trưng về cảnh quan cát, sinh thái nông nghiệp, phát triển sản phẩm du lịch mới, độc đáo như nghỉ dưỡng, thể thao cát kết hợp các sản phẩm du lịch gắn với sinh thái nông nghiệp, dã ngoại.
Bên cạnh 3 phân khu chính còn có 4 trung tâm dịch vụ gắn với các khu vực phát triển đô thị theo định hướng phát triển đô thị của tỉnh Bình Thuận, có chức năng cung cấp các dịch vụ, sản phẩm bổ trợ và hậu cần cho KDLQG Mũi Né, gồm: Trung tâm dịch vụ du lịch Hàm Tiến, Trung tâm dịch vụ du lịch Mũi Né, Trung tâm dịch vụ du lịch Hòa Thắng và Trung tâm dịch vụ du lịch Suối Nước. Hiện có 195 dự án với tổng diện tích 2.585,5 ha và tổng vốn đăng ký đầu tư là 28.582 tỷ đồng, trong đó có 112 dự án đang hoạt động. Gần đây thu hút được các nhà đầu tư chiến lược, có kinh nghiệm và tiềm lực tài chính như Tập đoàn FLC, TMS, Dubai Việt Nam, TTC, Novaland…
Là một trong 47 KDLQG được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22/01/2013 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, KDLQG Mũi Né có vị trí, ranh giới rõ ràng thuận lợi cho quá trình quản lý hành chính và các hoạt động phát triển du lịch. Do vậy, việc xây dựng và triển khai mô hình quản lý khu du lịch là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, KDLQG Mũi Né hiện chưa có Ban Quản lý,mà chỉ có Ban Quản lý KDL Hàm Tiến - Mũi Né (thuộc thành phố Phan Thiết) và Ban Quản lý Điểm du lịch sinh thái Bàu Trắng (thuộc huyện Bắc Bình).
Để tập trung giải quyết các vấn đề liên quan phát triển du lịch như vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, quản lý điểm đến, huy động nguồn vốn hoàn thiện kết cấu hạ tầng, công tác xúc tiến quảng bá, thu hút nhiều nhà đầu tư chiến lược tạo động lực phát triển cần có mô hình chung về Ban Quản lý KDLQG. Trong mô hình cần có hướng dẫn cụ thể về tổ chức, biên chế, đặc biệt đối với KDLQG Mũi Né, là một khu du lịch nằm trải dài trên địa giới hành chính của 3 đơn vị là thành phố Phan Thiết, huyện Bắc Bình và huyện Tuy Phong. Từ đó, tạo động lực cho sự phát triển bền vững khu du lịch quốc gia theo định hướng của Chính phủ, của ngành, đáp ứng sự mong đợi của chính quyền và nhân dân Bình Thuận.
Kỷ niệm 25 năm Ngày Du lịch Bình Thuận (24/10/1995 - 24/10/2020), tại thành phố Phan Thiết sẽ diễn ra các Chương trình hoạt động:
1. Hội thảo “Mô hình quản lý Khu du lịch quốc gia”, ngày 24/10/2020, tại Pandanus Resort (Mũi Né, Phan Thiết)
2. Lễ công bố Quyết định công nhận Khu du lịch quốc gia Mũi Né, tối 24/10/2020, tại Pandanus Resort (Mũi Né, Phan Thiết)
3. Giải Golf Bình Thuận mở rộng, ngày 24/10/2020, tại Sân Golf Sea Links Phan Thiết
4. Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 25 năm Ngày Du lịch Bình Thuận, tối 24/10/2020, tại Công viên Đồi Dương - Phan Thiết
5. Lễ hội Katê năm 2020, ngày 15 - 16/10/2020, tại Tháp Pô Sah Inư - Phan Thiết
6. Lễ hội Dinh Thầy Thím 2020, từ 30/10 - 1/11/2020, tại Thị xã La Gi
7. Các hoạt động thể dục thể thao gồm: Giải vô địch bóng chuyển tỉnh Bình Thuận, Giải bóng chuyển bãi biển CLB mở rộng; Giải bóng đá bãi biển cụm miền Đông Nam bộ; Hành trình xe đạp “Hội tụ 25 năm Ngày Du lịch Bình Thuận” diễn ra từ ngày 8 - 24/10/2020, tại thành phố Phan Thiết và huyện Hàm Thuận Nam.
|
Nguyên Vũ