Tổng Giám đốc BenThanh Tourist Nguyễn Ngọc Hoài Nguyên cho biết, Công ty BenThanh Tourist học hỏi được nhiều kinh nghiệm tốt từ đợt kích cầu du lịch nội địa lần thứ nhất nên rất hào hứng, kỳ vọng nhiều với chương trình kích cầu du lịch lần thứ 2 với mục tiêu mở rộng phát triển thị trường du lịch nội địa và chuẩn bị từng bước phục hồi thị trường du lịch inbound, phục vụ du khách quốc tế đến với Việt Nam. BenThanh Tourist vẫn đặt trọng tâm vào việc thiết kế các sản phẩm tour free & easy, combo khách sạn resort cao cấp, tour du lịch sinh thái, cắm trại hướng về thiên nhiên, các dòng tour gắn liền với những gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe học yoga, thiền, spa, detox thanh lọc cơ thể và các tour du lịch ngắn ngày phù hợp cho các du khách nhóm nhỏ, khách gia đình. Đặc điểm chung của các sản phẩm tour này là đề cao tính an toàn, cẩn trọng tỉ mỉ trong từng khâu tổ chức tour, chọn điểm đến, nhà cung cấp dịch vụ. Dịch vụ lưu trú đẳng cấp 4 – 5 sao, nhiều trải nghiệm mới và giá tour cạnh tranh. Tương tự như giai đoạn 1, đây sẽ là thời điểm tốt để du khách tận hưởng những kỳ nghỉ sang trọng với giá tốt nhất.
Đại dịch Covid–19 đã tác động lớn đến kinh tế, một bộ phận khách hàng sẽ phải thắt chặt ngân sách dành cho du lịch. Tuy nhiên, chính Covid-19 cũng làm thay đổi quan niệm giá trị sống của rất nhiều người, khiến chúng ta trân trọng giá trị của gia đình, của sự sống hiện tại và muốn tận hưởng một cuộc sống ý nghĩa, thú vị hơn. Điều này sẽ tạo nên sự thôi thúc nhu cầu được du lịch, được đổi gió ngay khi tình hình dịch bệnh tại Việt Nam được kiểm soát tốt.
Ông Herbert Laubichler-Pichler là nhà quản lý kỳ cựu trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng. Ông từng nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng tại các chuỗi khách sạn hàng đầu thế giới như Shangri-La và Raffles tại khu vực châu Á. Năm 2019, ông Herbert chính thức trở thành Tổng Quản lý vận hành khu nghỉ dưỡng ALMA tại Bãi Dài, tỉnh Khánh Hòa. Nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy ngành Du lịch phát triển sau đại dịch Covid-19, theo ông bên cạnh việc khuyến khích phát triển các loại hình, sản phẩm mới, cần thành lập quỹ hỗ trợ doanh nghiệp, có thể đến từ nguồn vốn xã hội hóa và quyên góp quốc tế; cho phép người nước ngoài được cách ly có trả phí tại các khách sạn 3, 4 hoặc 5 sao; tổ chức các gói du lịch cho nhóm khách đoàn từ nước ngoài tới một khu resort nhất định, có giám sát và đảm bảo tiêu chuẩn an toàn; linh động trong việc cấp phát visa; chuẩn bị nguồn lực để cạnh tranh với các nước trong khu vực sau khi các chuyến bay quốc tế hoạt động trở lại, và duy trì nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao.
“ALMA resort mới đi vào vận hành trong thời gian ngắn, do đó sẽ rất khó để duy trì hoạt động dưới sự ảnh hưởng của Covid-19 nếu như không có lượng khách ổn định đến từ mô hình Sở hữu kỳ nghỉ. Nhờ cách thức hoạt động này mà trong tháng 6, tháng 7 vừa qua, khu nghỉ dưỡng ALMA đã đạt công suất phòng trung bình lên tới hơn 60%, ngay cả khi sau đợt dịch thứ 2 quay trở lại vào đầu tháng 8, con số này cũng vẫn duy trì được ở mức 30%.” ông Herbert Laubichler-Pichler chia sẻ.
Ông Nguyễn Minh Mẫn - Giám đốc marketing Công ty Du lịch TST cho rằng, sau đợt dịch thứ 2 ngành Du lịch cũng đã bước qua mùa vàng - cao điểm hè 2020, du lịch Việt Nam đã bước vào giai đoạn mùa thu, khó có thể kỳ vọng tăng trưởng mạnh. Nhu cầu du khách sau đợt dịch lần 2 cũng có sự thay đổi, khách đi gần hơn, ít ngày hơn và tập trung vào thời điểm cuối tuần. Chính vì vậy, xu hướng sản phẩm du lịch cũng sẽ được thiết kế theo xu hướng an toàn, giá tốt, có ưu đãi và mới lạ, hấp dẫn. Do đó, chương trình kích cầu du lịch nội địa lần thứ 2 với chủ đề “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn” hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, để kích thích nhu cầu của du khách, cần sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa về mặt truyền thông điểm đến cũng như chính sách hỗ trợ, trợ giá từ cơ quan quản lý điểm tham quan, dịch vụ... nhằm tạo mặt bằng giá hấp dẫn, tạo lực đẩy khiến du khách ra khỏi nhà đi du lịch.
“TST tourist đã chù động ngay từ đầu trong việc ổn định bộ máy nhân sự, với gần 70 nhân viên làm việc thường xuyên trong tuần từ thứ 2 đến thứ 6, được duy trì ngay từ sau đợt dịch lần 1 đi qua cho đến nay, mặt khác TST tourist cũng triển khai đồng thời nhiều giải pháp đào tạo nâng cao tay nghề cho đội ngũ nhân viên kinh doanh, hướng dẫn viên..., khảo sát phát triển hệ thống tuyến điểm sản phẩm cùng với các hoạt động liên kết xúc tiến do Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh (HTA) tổ chức liên kết với các tỉnh Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ, Tây Bắc, Đông Bắc và duyên hải miền Trung. Chính vì vậy, ngay từ dịp lễ 2/9 lượng khách đặt tour và trở lại trong tháng 10, 11 không ngừng gia tăng.
Hy vọng với tất cả những nổ lực to lớn của toàn ngành và của mỗi doanh nghiệp du lịch sẽ mang lại sinh khí cho những tháng cuối năm, duy trì cảnh giác, phòng chống dịch bệnh gắn liền công tác kinh doanh, chuẩn bị cho dịp kinh doanh cao điểm Xuân 2021.
Thanh Hiền