Ðánh thức tiềm năng du lịch
Tỉnh Ðiện Biên hiện có 18 di tích lịch sử được xếp hạng, 4 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó, nổi bật là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt chiến trường Ðiện Biên Phủ. Bên cạnh đó, Ðiện Biên còn sở hữu hệ sinh thái rừng, hang động, hồ nước, điểm nước khoáng nóng, thuận lợi cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng.
Nhờ có sự ưu đãi của thiên nhiên, Ðiện Biên nhanh chóng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2017, tỉnh đã đón hơn 300 nghìn lượt khách, trong đó gần 55 nghìn khách quốc tế; ước tính cả năm sẽ đạt hơn 700 nghìn lượt, tăng gần gấp đôi so với năm 2016. Dự kiến, doanh thu ngành Du lịch của tỉnh năm 2017 sẽ cán mốc 1.000 tỷ đồng (năm 2016 là 710 tỷ đồng); tạo việc làm cho hơn 12 nghìn lao động, trong đó có hơn 5.000 lao động trực tiếp.
Ngoài phát huy giá trị cụm di tích lịch sử Ðiện Biên Phủ, Điện Biên còn chú trọng phục dựng và phát triển nhiều loại hình văn hóa, nghệ thuật độc đáo như: Lễ hội về miền hoa Ban, phục dựng nghệ thuật hát then Thái, Lễ hội đua thuyền đuôi én, Lễ hội Thành Bản phủ gắn với truyền thống cộng đồng của 19 dân tộc anh em, đáp ứng nhu cầu khám phá văn hóa bản địa của khách du lịch. Tiêu biểu là Lễ hội về miền hoa ban dịp đầu năm 2017 đã hút 130 nghìn lượt khách, trong đó gần 30 nghìn lượt khách quốc tế, doanh thu đạt hơn 100 tỷ đồng.
Lễ hội Thành Bản phủ, thờ danh tướng Hoàng Công Chất, người có công dẹp loạn giặc Phê giải phóng Mường Thanh khỏi chế độ phong kiến thế kỷ 18, cũng đón hơn 30 nghìn lượt khách mỗi năm… Ðây chính là những khởi đầu thuận lợi để Ðiện Biên phát triển du lịch cộng đồng, một loại hình du lịch đang được ưa chuộng hiện nay.
Nỗ lực vượt khó, khẳng định thương hiệu
Dù sở hữu những lợi thế về du lịch nhưng hiện tại, Du lịch Ðiện Biên vẫn mang tính thời vụ, chủ yếu từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau, những tháng còn lại trong năm, lượng khách đến rất ít. Ðây chính là hạn chế khiến du lịch của tỉnh chưa thật sự bứt phá. Bên cạnh đó, nhiều điểm du lịch ở xa trung tâm, giao thông đi lại khó khăn, hệ thống hang động đẹp chưa được khai thác, các điểm tham quan thường xuyên của các tour còn ít. Chưa kể dịch vụ nghỉ dưỡng, giải trí còn yếu và thiếu, những sản vật đặc trưng của địa phương chưa mang đậm sắc thái riêng, chưa níu chân du khách dài ngày. Phần lớn khách du lịch chỉ coi Ðiện Biên là điểm dừng trong quá trình trung chuyển du lịch giữa các vùng.
Cùng với đó, kinh phí có hạn nên phần lớn việc bảo quản, phục dựng hiện vật gốc đều được làm thủ công. Ngoài sự xuống cấp từng phần của hiện vật gốc thì nhiều điểm di tích cũng đang bị người dân lấn chiếm làm cho biến dạng. Do đó, cùng với công tác bảo quản hiện vật gốc, việc hoàn thiện hồ sơ, cắm mốc giới cũng đang được đẩy nhanh tiến độ.
Thiếu nguồn lực để phát triển du lịch, hoạt động xã hội hóa gặp nhiều khó khăn đã trở thành thách thức không nhỏ đối với du lịch tỉnh Ðiện Biên. Hiện nay, toàn tỉnh có 128 cơ sở lưu trú du lịch với 1.800 buồng (trong đó có một khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao, hai khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 sao); 10 bản văn hóa du lịch phục vụ du khách về ẩm thực và văn hóa, văn nghệ; 3 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lữ hành. Có quá ít doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch cũng như các dịch vụ phụ trợ là một trở ngại lớn, khiến việc kết nối du lịch với các tỉnh lân cận chưa thực hiện được.
Nhờ xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 23/5/2016 về phát triển du lịch tỉnh Ðiện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Tỉnh ủy Ðiện Biên chủ động xây dựng chương trình hành động cụ thể, như tổ chức các cuộc hội thảo, mời các nhà khoa học trong nước và chuyên gia nước ngoài tư vấn phát triển du lịch. Ngoài ra, Điện Biên sẽ tổ chức nhiều hoạt động quảng bá du lịch, có chính sách khuyến khích người dân tại các bản làng tham gia đón du khách bằng việc lựa chọn đầu tư, nâng cấp nhà ở của họ để cung cấp dịch vụ lưu trú (homestay). Song để tạo dấu ấn, phát huy tiềm năng, thế mạnh cho Du lịch Ðiện Biên thì vẫn còn là một hành trình dài.
Trong khi chờ sự hỗ trợ từ Trung ương, trước mắt, tỉnh cần tập trung đầu tư Khu di tích lịch sử Ðiện Biên Phủ; từng bước hình thành dòng sản phẩm du lịch về lại chiến trường xưa với mục tiêu Khu du lịch Ðiện Biên Phủ - Pá Khoang, theo hướng bảo tồn nguyên trạng những dấu tích còn lại trên toàn bộ các điểm di tích đã được ghi nhận. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh liên kết với các tỉnh Bắc Lào, hình thành các tuyến du lịch quốc tế và theo vòng cung Tây Bắc. Ðồng thời, sớm hình thành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông các tuyến đường kết nối TP. Ðiện Biên Phủ với các điểm du lịch trong tỉnh. Ðáng chú ý là đầu tư cho sân bay Ðiện Biên Phủ và cửa khẩu quốc tế Tây Trang, tạo tiền đề cho việc hình thành tuyến du lịch đường không và đường bộ kết nối các vùng kinh tế trong khu vực. Ðây được xem là những giải pháp quan trọng để Du lịch Ðiện Biên sớm có được một diện mạo mới, từng bước phát triển đồng bộ với mặt bằng chung du lịch cả nước.
PV