Vườn quốc gia Xuân Sơn là một trong 30 VQG đã được xếp hạng và đưa vào bảo vệ ở VN. Sau hơn 30km đèo dốc, quanh co từ điểm rẽ trên quốc lộ 32, cuối cùng chúng tôi cũng tới được VQG này.
Ông Nguyễn Phong Tuyến, trưởng phòng quản lý rừng và bảo tồn thiên nhiên ở đây, cho rằng để khám phá hết VQG Xuân Sơn - có diện tích hơn 150,48km2 - phải mất 2-3 ngày với điều kiện sức khỏe tốt và có người Mường bản địa dẫn đường.
Quả thật, ngay sau cổng của VQG đã gặp ngay những con dốc dựng đứng khiến xe máy phải để số 1 ì ạch trườn từng mét đường.
Những cánh rừng hoa trạng nguyên đỏ đã bung nở. Hoa trạng nguyên đỏ tô điểm thêm cho rừng xanh vẻ đẹp mới.
Phía xa, sương mù đang bao phủ cảnh vật, những đám mây trắng bồng bềnh, ôm ấp núi non trùng điệp.
Đến bản Dù rồi đi tiếp 10km lại bắt gặp một khu dân cư với vài nóc nhà mọc lên giữa rừng. Anh Hà Văn Trừng - một cư dân địa phương đang bó củi bên đường - cho biết đây đã là bản Lấp, nằm ở lõi rừng, chỉ vỏn vẹn 28 nóc nhà.
"Dân bản chủ yếu sống phụ thuộc vào rừng. Sáng ra vào rừng kiếm cành củi, chặt cây chuối, bắt con cua, con ốc để đi bán lấy vài chục ngàn đồng" - anh Trừng nói.
Ngày nào anh Trừng cũng vào rừng từ sáng sớm đến tối mịt. Hơn 10 năm nay, những tán rừng, con suối ở VQG Xuân Sơn này đã quá đỗi quen thuộc với anh.
Dụng cụ luôn theo sát bên mình hằng ngày của anh là con dao chặt củi, chỉ được lấy những cây gỗ nhỏ đã chết hoặc bị đổ.
Dẫn chúng tôi khám phá vùng lõi VQG Xuân Sơn, anh Trừng khoe rừng ở đây rất đẹp, có đến 4-5 thác nước hùng vĩ cùng nhiều hang đá độc đáo.
Hầu hết những hang đá, thác nước trong rừng sâu mới chỉ có kiểm lâm và người bản địa biết tới. Đường vào hang Na, hang Lạng khá dễ, nhưng tới được thác Xoan, thác Lưng Trời... thì cực khó.
Sâu vào rừng khoảng 2km, những tán rừng già xuất hiện. Nhiều loài cây gỗ quý như táu muối, chò chỉ, nghiến... đều có ở đây.
Có những cây cổ thụ với thân gốc 2 người ôm không xuể. Không gian bây giờ chỉ còn tiếng nước chảy róc rách bên suối, gió thổi rì rào qua tán lá và tiếng hót của những loài chim rừng.
Ẩn mình dưới tán rừng già cổ thụ, dưới màu xanh tàu lá cho chúng tôi một cảm giác khó tả.
Hoang sơ và hùng vĩ
Nếu không có đồng hồ và la bàn, chúng tôi sẽ mất phương hướng và chẳng biết thời gian của thực tại.
Càng đi sâu vào lõi rừng, vẻ đẹp hoang sơ càng hiển hiện. Những cây cổ thụ cao hàng chục mét, thẳng tắp.
Có nhiều gốc cây quá già, mọt rỗng tạo thành hốc lớn hai người lớn chui vừa. Có những cây to, đổ chắn ngang con suối, trên thân rêu bám xanh rì.
Lội theo những con suối, thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp một thác nước hoang sơ, tinh khiết. Đi hết thác này đến thác khác, thác sau lớn hơn thác trước, nước đổ xuống từ vực cao 5m, 10m, 20m... tạo thành những vũng nước sâu hun hút, trong vắt và mát lạnh.
|
Nguồn: Tuoitre.vn