Xúc tiến đầu tư hạ tầng văn hóa - thể thao - du lịch - giải trí thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh, Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, liên kết hợp tác phát triển kinh tế là một hướng đi mới, mang lại những thành công cho nhiều địa phương, khu vực và nhiều nước trên thế giới. Vì thế, liên kết, phát triển ngành Du lịch là một trong những vấn đề đặc biệt quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên, sự liên kết này cần được xây dựng dựa trên cơ sở tiềm năng, lợi thế về tự nhiên lịch sử, văn hóa và quy hoạch, chiến lược phát triển du lịch của quốc gia, vùng và địa phương.
Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch lớn của cả nước. Năm 2019, ngành Du lịch thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu sẽ đón 8,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng khoảng 14% so với năm 2018; khách du lịch nội địa đến thành phố phấn đấu đạt 32,77 triệu lượt, tăng khoảng 13% so với năm 2018.
Ngành Du lịch thành phố Hồ Chí Minh đã ký kết hợp tác liên kết phát triển du lịch song phương, đa phương với nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước: vùng Tây Nam Bộ đã hình thành các liên kết vùng như tiểu vùng Đồng Tháp Mười (Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp); cụm phía Đông đồng bằng sông Cửu Long; cụm phía Tây đồng bằng sông Cửu Long… Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phối hợp triển khai hợp tác trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước về du lịch; xúc tiến, quảng bá du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; đào tạo nguồn nhân lực du lịch; xúc tiến kêu gọi đầu tư về du lịch…
Với vai trò là trung tâm liên kết trong phát triển du lịch, thành phố Hồ Chí Minh sẽ là cầu nối liên kết, hợp tác với nhiều địa phương trong từng vùng trọng điểm, xác định cụ thể đặc thù của từng địa phương để xây dựng nội dung phối hợp.
Tại hội nghị, nhiều chuyên gia du lịch cho rằng, trên cơ sở căn cứ vào tiềm năng, tài nguyên du lịch và điều kiện liên quan, các địa phương cần định vị sản phẩm du lịch hiện có của từng vùng nhằm tạo ra sức hút. Từ đó, các địa phương hợp tác khắc phục những hạn chế, đồng thời thúc đẩy liên kết du lịch giữa thành phố Hồ Chí Minh với 13 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long theo hướng bền vững. Tuy nhiên, vấn đề hợp tác phát triển du lịch giữa thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long cần giải bài toán đa dạng hóa sản phẩm du lịch liên vùng; đồng thời, các địa phương đẩy mạnh hình thành những chương trình du lịch đặc trưng kết nối các tuyến, điểm du lịch và giới thiệu sản phẩm, dịch vụ du lịch của đồng bằng sông Cửu Long đến doanh nghiệp du lịch lữ hành tại thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại; các doanh nghiệp nghiên cứu giải pháp thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư vào du lịch thông qua những cơ hội hợp tác.
Tại hội nghị, 179 dự án mời gọi đầu tư vào các lĩnh vực văn hóa - thể thao - du lịch - giải trí đã được giới thiệu. Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh có 51 dự án; Cụm liên kết hợp tác phát triển du lịch phía Đông đồng bằng sông Cửu Long (gồm 6 tỉnh: Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh) có 36 dự án; Cụm liên kết hợp tác phát triển du lịch phía Tây đồng bằng sông Cửu Long (gồm 7 địa phương: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau) có 92 dự án.
Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) Nguyễn Tuấn cho biết, thành phố Hồ Chí Minh đang tích cực mời gọi đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng và sản phẩm du lịch tiềm năng liên kết vùng. Vì vậy, các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước nên chủ động tìm hiểu tiềm năng của dự án, môi trường đầu tư thuận lợi, cơ chế chính sách ưu đãi… trong hoạt động đầu tư vào những lĩnh vực hạ tầng văn hóa - thể thao - du lịch - giải trí của thành phố Hồ Chí Minh.
Cũng liên quan đến kêu gọi, thu hút đầu tư, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp, Nguyễn Ngọc Thương cho biết, các tỉnh Cụm Đông đồng bằng sông Cửu Long kỳ vọng cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư tiếp tục khai thác những dự án đầu tư vào nhiều lĩnh vực văn hóa - thể thao - du lịch - giải trí hiệu quả trên địa bàn. Các địa phương cũng mong muốn tiếp nhận thông tin để hiểu rõ hơn những yêu cầu từ phía nhà đầu tư và cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư trong thời gian tới.
PV