Là tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc Bộ, Thái Bình có nhiều tiềm năng và điều kiện để phát triển du lịch đặc biệt là du lịch sinh thái biển và du lịch tâm linh văn hoá. Tài nguyên du lịch tự nhiên của tỉnh chủ yếu tập trung ở ven biển bao gồm các khu vực trọng điểm như bãi biển Cồn Vành (Tiền Hải), bãi biển Cồn Đen, rừng ngập mặn Thụy Trường (Thái Thụy ),... Thái Bình cũng là nơi hội tụ và lan toả các sắc thái văn hoá, văn minh của vùng châu thổ đồng bằng Bắc Bộ trong đó nổi bật là 2 di tích quốc gia đặc biệt: chùa Keo (huyện Vũ Thư), khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần (huyện Hưng Hà). Bên cạnh đó, 200 lễ hội đã được tỉnh lưu giữ trong đó có 8 lễ hội được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, 2 di sản văn hoá phi vật thể trình diễn dân gian.
Bên cạnh đó, Thái Bình có vị trí địa lý và hệ thống đường giao thông thuận tiện, gần các trung tâm du lịch lớn của cả nước như Hà Nội, Ninh Bình, rất thuận lợi để phát triển du lịch. Tuy nhiên, so với các tỉnh lân cận như Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, sản phẩm du lịch Thái Bình thiếu sự đa dạng và hấp dẫn; các điểm đến trong tỉnh nằm cách xa nhau và không thuận tiện trong kết nối giao thông đi lại; nhân lực lao động trong ngành còn yếu và thiếu về số lượng...
Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho rằng, việc các lãnh đạo đầu ngành của tỉnh Thái Bình tham dự hội thảo đã cho thấy tỉnh rất quan tâm và mong muốn phát triển du lịch. Tuy nhiên, du lịch Thái Bình chưa có nhiều sản phẩm đặc sắc, không đủ sức hấp dẫn và thu hút du khách. Vì vậy, tỉnh cần tập trung xây dựng và triển khai những giải pháp đồng bộ như thu hút đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất phục vụ du lịch; đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới và đẩy mạnh công tác quảng bá xúc tiến và đặc biệt là tăng cường công tác liên kết phát triển du lịch với các địa phương khác trong vùng.
Tại hội thảo các đại biểu đã đề xuất các giải pháp để phát triển du lịch Thái Bình, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Trong đó, tỉnh phải có chính sách cho các nhà đầu tư cũng như đưa ra chiến lược để phát triển sản phẩm. Đồng thời, tiếp tục đầu tư vào hệ thống hạ tầng du lịch; đào tạo nguồn nhân lực bài bản; đẩy mạnh quảng bá du lịch bằng công nghệ thông tin; bổ sung bảng biển, chỉ dẫn... Đặc biệt, Thái Bình cần tập trung đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ, lựa chọn một số sản phẩm du lịch chủ đạo để phát triển như du lịch làng nghề, sinh thái, văn hóa, tâm linh. Đồng thời, Thái Bình cần kết nối các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng như Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam để đưa ra các sản phẩm du lịch cụ thể, qua đó đánh thức tiềm năng du lịch của tỉnh.
Từ ngày 26 - 30/8, Tổng cục Du lịch tổ chức đoàn khảo sát các sản phẩm du lịch vùng đồng bằng sông Hồng qua các tỉnh như: Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình nhằm phục vụ cho Năm Du lịch quốc gia 2020 được tổ chức tại Ninh Bình. |
PV