Để thực hiện mục tiêu này, các nước ASEAN đã xây dựng được bộ tiêu chuẩn nghề và giáo trình đào tạo du lịch chung ASEAN đối với 6 nghề du lịch thu hút nhiều lao động nhất là lễ tân, buồng, phục vụ nhà hàng, chế biến món ăn, điều hành du lịch, đại lý lữ hành. Các nước cũng đã ký kết thỏa thuận Công nhận lẫn nhau về nghề du lịch (MRA-TP) để tạo hành lang pháp lý và các điều kiện cần thiết cho việc chuyển dịch lao động du lịch trong khu vực khi AEC chính thức có hiệu lực.
Nguồn nhân lực du lịch trước thềm AEC
Nhằm tích cực chuẩn bị cho việc tham gia vào MRA-TP, ngay từ năm 2012, Việt Nam đã lựa chọn và đề cử nhân sự phù hợp tham gia vào các chương trình đào tạo do ASEAN tổ chức để phát triển đội ngũ đào tạo viên ASEAN và đánh giá viên ASEAN đối với các nghề buồng, chế biến món ăn, lễ tân và phục vụ nhà hàng. Việt Nam cũng đã ban hành 8 bộ Tiêu chuẩn nghề quốc gia và đang trong quá trình chuyển đổi 10 bộ tiêu chuẩn nghề du lịch theo hệ thống VTOS (Tiêu chuẩn kỹ năng nghề Du lịch Việt Nam) do Liên minh châu Âu hỗ trợ thành các bộ tiêu chuẩn nghề du lịch quốc gia để có đủ các tiêu chuẩn so sánh tương đương với các nghề tiêu chuẩn chung trong ASEAN.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã tích cực đóng góp cho việc phổ biển thỏa thuận MRA-TP tại Việt Nam và các quốc gia ASEAN, xây dựng các tài liệu hướng dẫn triển khai MRA-TP, tổ chức các hội thảo phổ biến, nâng cao nhận thức MRA-TP cho các doanh nghiệp, đơn vị, trường đào tạo và các đơn vị có liên quan.
Nhằm đánh giá một cách tổng quan về thực trạng du lịch, ngành Du lịch đã tiến hành thống kê, rà soát lại toàn bộ cơ sở đào tạo, cơ sở lưu trú, doanh nghiệp lữ hành trên toàn quốc. Theo đó, tính đến hết tháng 10/2015, cả nước có trên 1,4 triệu lao động du lịch trực tiếp và gián tiếp. Hệ thống cơ sở đào tạo du lịch gồm 284 cơ sở, trong đó có 62 trường đại học, 80 trường cao đẳng, 117 trường trung cấp, 2 công ty đào tạo, 23 trung tâm, lớp đào tạo nghề với trên 5.000 cán bộ, giáo viên tham gia đào tạo, giảng dạy du lịch, hàng năm có thể cung cấp 20.000 sinh viên du lịch tốt nghiệp, có khả năng tham gia ngay vào thị trường lao động du lịch nội địa.
Số lượng các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành ngày càng tăng nhanh, năm 2000 cả nước chỉ có trên 300 doanh nghiệp lữ hành quốc tế thì đến 2015 cả nước đã có 1.500 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, trên 10.000 doanh nghiệp lữ hành nội địa. Theo dự báo của Tổng cục Du lịch, xu hướng phát triển các doanh nghiệp lữ hành sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Hiện cả nước có 18.722 cơ sở lưu trú du lịch (CSLTDL) với 361.506 phòng (gấp 5 lần so với 2001). Trong đó nhiều dự án đầu tư, liên doanh với nước ngoài về khách sạn ra đời đã làm thay đổi đáng kể diện mạo các CSLT cao cấp.
Mặc dù lĩnh vực du lịch dịch vụ có bước phát triển nhanh, song theo Báo cáo năng lực cạnh tranh Du lịch và Lữ hành (của Diễn đàn kinh tế thế giới- WEF) năm 2015 thì chỉ số về nguồn nhân lực và lao động du lịch của Việt Nam chỉ đứng thứ 73/141 quốc gia và vùng lãnh thổ.
TS Bùi Văn Danh, Trưởng bộ môn Quản trị tác nghiệp, Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM cho biết, hiện việc áp dụng tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực đào tạo nghề nói chung và nghề du lịch nói riêng còn nhiều bất cập, do chưa có định hướng cụ thể cần phát triển hay sử dụng hệ thống các tiêu chuẩn nghề nào, dẫn đến tình trạng tồn tại đồng thời quá nhiều hệ thống tiêu chuẩn nghề, khiến cho công tác đào tạo nhân lực du lịch “vướng” trong thời gian qua.
Khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động
Có thể nói, đáp ứng được kỹ năng nghề trong bộ tiêu chuẩn chung ASEAN, nhân lực du lịch sẽ có điều kiện để phát triển, có cơ hội rộng mở hơn trong dịch chuyển lao động đến các nước trong khu vực.
Tuy nhiên,Giám đốc Hanoitourist Lưu Đức Kế cho rằng, lao động nghề du lịch sẽ chịu tác động và gặp nhiều thách thức khi triển khai MRA-TP, do trình độ chuyên môn, tay nghề, khả năng ngoại ngữ còn hạn chế so với các nước trong khu vực.
Chia sẻ ý kiến này, ông Trịnh Cao Khải, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội cho rằng, Việt Nam có lợi thế về nguồn lao động trẻ, làm việc chăm chỉ, tiếp thu nhanh nhưng năng lực ngoại ngữ, giao tiếp, các kỹ năng mềm chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là lĩnh vực nhân sự cao cấp.
Theo phân tích, trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng du lịch hiện chiếm 47,3% nhân lực được đào tạo, bằng 19,8% tổng nhân lực toàn ngành du lịch. Nhân lực được đào tạo đại học và sau đại học chỉ chiếm 3,2% tổng nhân lực, trình độ sơ cấp ( đào tạo dưới 3 tháng) hiện chiếm 45,3% nhân lực có chuyên môn. Điều này cho thấy công tác đào tạo nhân lực cấp cao trong ngành Du lịch còn nhiều hạn chế.
Trên thực tế, nhiều DN lữ hành khách sạn đang phải đi thuê nhân sự nước ngoài từ các cấp độ giám sát đến trưởng, phó bộ phận, nhất là các khách sạn 4-5 sao, khu resort hoặc những công ty lữ hành lớn.
Chuyển dịch nhân sự trong lĩnh vực du lịch sẽ là xu thế tất yếu khi MRA-TP có hiệu lực, điều này sẽ gia tăng áp lực cạnh tranh đối với nhân lực du lịch Việt Nam. Nếu không kịp thời có định hướng về đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng thực hành cho lao động du lịch, thì có thể dẫn đến nguy cơ khó tìm được việc làm theo chuyên môn sau khi ra trường.
Theo PGS-TS Đào Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ đào tạo, Bộ VHTTDL, để đào tạo ra đội ngũ nhân lực mới tham gia vào thị trường du lịch đủ năng lực làm việc theo các tiêu chuẩn ASEAN, cần nâng cao năng lực của các cơ sở đào tạo nghề du lịch, đặc biệt cần tăng cường liên kết đào tạo gắn với nhu cầu của các doanh nghiệp, địa phương, gắn với thực hành, thái độ làm việc, đẩy mạnh đào tạo ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh cho sinh viên du lịch.
Viễn Nguyệt