Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, ngành Du lịch Việt Nam đã có những nỗ lực vượt bậc để khẳng định mình. Diện mạo từng bước được thay đổi, không có ngành kinh tế nào đi tắt đón đầu đuổi kịp trình độ các nước trong khu vực, rút ngắn khoảng cách và chống tụt hậu nhanh như ngành Du lịch. Năm 1990 lần đầu tiên Việt Nam đón 250.000 lượt khách quốc tế thì sau 25 năm, con số này đã tăng gấp 30 lần. Trong 10 tháng đầu năm 2015 Việt Nam đã đón trên 6,3 triệu lượt khách quốc tế.
Truyền thông quốc tế bình luận, Việt Nam đang là điểm đến thời thượng của du khách. Tạp chí Du lịch hàng đầu của Mỹ Travel and Leisure mới đây đã chọn Hà Nội là thành phố du lịch hấp dẫn thứ 6 trong 10 thành phố châu Á. Kết quả này dựa trên sự bình chọn của hàng triệu độc giả, về các tiêu chí về cảnh quan, môi trường, văn hóa, ẩm thực, loại hình du lịch…
Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) cũng đã xếp Việt Nam danh sách những điểm du lịch hấp dẫn nhất thế giới. Đó là không chỉ là một Hà Nội cổ kính với với sức hấp dẫn về văn hóa truyền thống, nghệ thuật ẩm thực đặc sắc đã làm say lòng bao du khách, là TP. Hồ Chí Minh năng động về phát triển kinh tế với nhịp sống sôi động mang dáng vẻ của đô thị hiện đại, là vùng đất cao nguyên hùng vĩ nhưng không kém phần thơ mộng, là xứ Huế trầm mặc “đẹp dịu dàng pha nét trầm tư”, là Hội An vẫn giữ nguyên nét cổ kính qua bao thăng trầm của nhịp bước thời gian… mà còn là nét văn hóa đặc trưng không pha trộn của các vùng, miền trên dải đất hình chữ S… Đó chính là sự đúc rút cô đọng nhất về bức tranh tổng thể của Du lịch Việt Nam.
Điều này là câu trả lời toàn diện nhất cho sự “đột phá” của du lịch. Không những tăng về lượng khách, loại hình và sản phẩm du lịch có bước phát triển mạnh. Điều này cũng lý giải cho phong cách và xu hướng du lịch của khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng đa dạng hóa. Không còn là hoạt động mang tính tập thể, nhiều du khách chọn hình thức “du lịch tự do” để thỏa sức khám phá “vẻ đẹp bất tận” theo cách riêng của mình. Chắc hẳn, hình ảnh khách ngoại quốc đi du lịch theo kiểu ‘đơn lẻ’ không còn là điều xa lạ với mỗi người dân Việt Nam, từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, thậm chí là những vùng hoang sơ heo hút, đã không ít có những vị khách độc hành với phương tiện hết sức thô sơ để cảm nhận hương vị đặc trưng của mỗi vùng miền.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, yếu tố tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt thu hút khách du lịch quốc tế của Du lịch Việt Nam chính là bản sắc văn hóa và cảnh sắc thiên nhiên. Phần lớn du khách nước ngoài đến Việt Nam để tham quan, tìm hiểu các giá trị văn hóa, khám phá những nét khác biệt với nền văn hóa của đất nước họ. Những điểm đến được ưa chuộng không chỉ là những công trình nghệ thuật, kiến trúc, văn hóa, chứng tích của thời gian được bảo tồn qua bao thăng trầm biến động, mà còn là các giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc.Dưới góc nhìn của một chuyên gia đầu ngành về du lịch, ông khẳng định, làn sóng khách quốc tế tới Việt Nam sẽ “bùng nổ” trong thời gian tới, nhờ sức quyến rũ mang “hương vị” rất Việt Nam.
Đồng tình với ý kiến này, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, ngoài thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, thì bản sắc văn hóa đã tạo sức hút rất mạnh đối với du khách và bạn bè quốc tế. Tài nguyên văn hóa (bao gồm cả những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể) đã tạo nên nét đặc trưng tiêu biểu của từng vùng, từng địa phương.
Ý thức được tầm quan trọng này, ngành Du lịch đã có cái “bắt tay” chặt chẽ với các ngành liên quan để khai thác các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, xây dựng và phát triển Du lịch - Văn hóa - Lễ hội thành một dòng sản phẩm du lịch chủ đạo. Bên cạnh đó, nhiều danh thắng đang được đầu tư tôn tạo cùng nhiều sản phẩm đang được “định dạng” để chính thức đưa vào phục vụ khách du lịch.
Trên bình diện rộng hơn, du lịch còn góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo xã hội. Thực tế đã chứng minh, nơi nào du lịch phát triển là ở đó đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng dân cư được nâng cao. Du lịch còn góp phần khôi phục phát huy các làng nghề truyền thống, các loại hình nghệ thuật có nguy cơ mai một…
Điều này là một sự khẳng định về tương lai tốt đẹp của du lịch trong bối cảnh Việt Nam hội nhập với nền kinh tế toàn cầu.
“Việt Nam- Vẻ đẹp bất tận”- vẻ đẹp như búp sen đang hé nở, đang ngày càng hấp dẫn du khách và bạn bè quốc tế nhờ sắc màu rất riêng của mình.
Việt Nguyễn