Các yếu tố quốc tế
Bối cảnh quốc tế 10 năm tới có nhiều biến động, nhiều yếu tố mới vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với ngành Du lịch Việt Nam trong mọi hoạt động, trong đó có hoạt động hội nhập và hợp tác quốc tế.
Diễn biến kinh tế, chính trị, an ninh thế giới có tác động mạnh hơn khi Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu và toàn diện, đặc biệt là trong hội nhập và hợp tác quốc tế về du lịch. Quan hệ song phương, đa phương ngày càng sâu rộng trong kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và những vấn đề chung hướng tới mục tiêu thiên niên kỷ. Đây là thách thức đồng thời cũng là cơ hội lớn cho Du lịch Việt Nam trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế. Đi liền với hợp tác là cạnh tranh. Cạnh tranh quốc gia, nhất là giữa các quốc gia trong cùng khu vực đang ngày càng trở nên gay gắt hơn. Kinh nghiệm quản lý tiên tiến, công nghệ hiện đại, nguồn nhân lực chất lượng cao là công cụ cạnh tranh chủ yếu trong tất cả các lĩnh vực của hoạt động du lịch.
Cuộc cách mạng khoa học - công nghệ tiếp tục có những bước tiến nhảy vọt, thúc đẩy kinh tế tri thức phát triển, tác động tới tất cả các lĩnh vực, các nước và vùng lãnh thổ, làm biến đổi nhanh chóng và sâu sắc đời sống vật chất, tinh thần của xã hội. Các yếu tố trên tác động rộng, lớn đến cơ cấu và sự phát triển của kinh tế thế giới, mở ra triển vọng mới cho mỗi nền kinh tế tham gia vào phân công lao động toàn cầu; đồng thời mỗi biến động của kinh tế thế giới đều tác động đến các nền kinh tế, nhiều hay ít tùy thuộc vào mức độ hội nhập và trình độ thích ứng của nền kinh tế mỗi nước. Hoạt động du lịch của bất cứ quốc gia nào, bất kể khu vực nào trên thế giới cũng không nằm ngoài những tác động đó.
Giao lưu và hội nhập quốc tế đang diễn ra thuận lợi và nhanh chóng, nhưng cũng là cuộc đấu tranh gay gắt để bảo tồn tính đa dạng và bản sắc văn hóa dân tộc. Quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế có khả năng tạo ra những biến đổi lớn về diện mạo, đặc điểm, loại hình du lịch; đồng thời, sự bùng nổ của các phương tiện và công nghệ truyền thông, của công nghệ giải trí cũng tạo nên những tác động cả tích cực và tiêu cực đến đời sống xã hội và công chúng, kéo theo những tác động mạnh về sự phát triển nhân lực du lịch.
Toàn cầu hóa kinh tế ngày càng rộng và sâu, trong đó các hoạt động kinh tế liên kết giữa các quốc gia tạo thành chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu. Để tránh tụt hậu và hưởng lợi nhiều hơn từ kết quả toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, các nước buộc phải tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu. Trong một “thế giới phẳng”, “nhỏ dần và chật chội hơn”, mọi quốc gia, mỗi nền kinh tế đều có thể tiếp cận, tham gia trực tiếp vào các khâu, các chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu nếu có nguồn nhân lực được chuẩn bị và đào tạo tốt. Đây là yếu tố đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực du lịch vì tự thân du lịch đã mang tính quốc tế.
Sự phân chia, tranh giành ảnh hưởng giữa các nước và các vùng lãnh thổ trên thế giới đang diễn ra. Sự tranh giành lợi ích quốc gia giữa các nước về lãnh thổ, lãnh hải, nguồn tài nguyên với mức độ ngày càng lớn và tính chất ngày càng quyết liệt và gay gắt tác động đến mọi lĩnh vực, trong đó du lịch sẽ chịu tác động đầu tiên, toàn diện và sâu sắc. Quan hệ Á - Âu ngày càng phát triển theo chiều hướng tích cực, ngày càng đảm bảo cho sự ổn định, an ninh của khu vực và phát triển kinh tế. Châu Á - Thái Bình Dương vẫn là khu vực phát triển năng động và thu hút du lịch. Hợp tác ASEAN ngày càng tăng cường cả bề rộng lẫn chiều sâu. Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương (PATA) hoạt động ngày càng có tiêu điểm hơn, đang từng bước thu hẹp chênh lệch giữa các nước thành viên thông qua các sáng kiến hợp tác mới. Nhiều nước lớn, trong đó có Hoa Kỳ hướng ưu tiên vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tất cả những vấn đề nêu trên đòi hỏi sự chung vai, gánh sức của các nước, các dân tộc trên toàn thế giới giải quyết nhằm gìn giữ “trái đất chung của toàn nhân loại”.
Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và sự hình thành nền kinh tế tri thức, sự cách trở về không gian địa lý từng bước thu hẹp lại. Cuộc cách mạng 3T (Transport - Telecommucation - Tourism) đã thúc đẩy hoạt động du lịch phát triển trên nhiều điểm hơn của trái đất. Công nghệ mới làm thay đổi căn bản phương thức quan hệ kinh tế, đặc biệt là công nghệ thông tin truyền thông được ứng dụng mạnh trong du lịch. Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, nhân lực du lịch sẽ chịu ảnh hưởng sâu sắc của tác động này, vừa có cơ hội nhưng cũng vừa là thách thức, không một ngành Du lịch của quốc gia nào có thể đứng ngoài cuộc. Internet đã kết nối cả thế giới lại với nhau và ảnh hưởng sâu sắc đến phương thức sản xuất và sinh hoạt của loài người, làm cho bất cứ người nào, bất kể ở đâu đều có thể xây dựng được mối liên lạc với nhau. Đời sống xã hội được toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, kể cả trong lĩnh vực du lịch. Đây là yếu tố vừa tạo cơ hội, vừa là thách thức lớn đối với phát triển du lịch của mỗi quốc gia và mỗi vùng lãnh thổ.
Nhu cầu hội nhập và hợp tác quốc tế trong du lịch là tăng cường quan hệ để phát triển; tiếp thu kinh nghiệm; xác lập vị thế trên trường quốc tế; phát triển du lịch và góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Hội nhập quốc tế trong du lịch sẽ theo các bước: tham gia các tổ chức quốc tế; thừa nhận và áp dụng các tiến bộ của công nghệ thông tin; tăng cường toàn cầu hóa trong khai thác, bảo vệ và phát triển tài nguyên du lịch; áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong phát triển du lịch; đơn phương tuyên bố tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch và các nhà đầu tư du lịch, ký kết các hiệp định hợp tác song phương và đa phương về phát triển du lịch; cam kết và mở cửa thị trường dịch vụ du lịch. Để hội nhập quốc tế thành công, nhân lực du lịch phải được đào tạo với kỹ năng, trình độ chuyên nghiệp được thừa nhận rộng rãi; có thể di chuyển và tìm được việc làm trong và ngoài khu vực; vươn tới tham gia chủ động vào quá trình phân công lao động quốc tế, đảm bảo cho Du lịch Việt Nam có vị trí xứng đáng trong chuỗi cung cấp dịch vụ du lịch có chất lượng của khu vực và thế giới.
Suy thoái kinh tế và khủng khoảng tài chính dẫn tới tái cấu trúc nền kinh tế thế giới, đòi hỏi các quốc gia, các vùng lãnh thổ phải thích ứng theo xu hướng mới. Nền kinh tế thế giới trong giai đoạn 2011 - 2020 sẽ tái cấu trúc lại trên hai mặt công nghệ - kỹ thuật, các ngành nghề và sự phân bố lại tương quan lực lượng giữa các nước. Các ngành, nghề biến đổi liên tục, một số ngành, nghề cũ nhanh chóng mất đi, nhiều ngành, nghề mới xuất hiện, yêu cầu kỹ năng tổng hợp thay cho kỹ năng hẹp. Chu kỳ vòng đời của mỗi loại sản phẩm du lịch ngày càng ngắn lại, sản phẩm mới liên tục xuất hiện, khu vực dịch vụ du lịch và các dịch vụ khác phát triển nhanh và chiếm tỷ trọng lớn về giá trị giá tăng và việc làm.
Trong quá trình này, nước nào nắm được xu hướng phát triển công nghệ - kỹ thuật, nước đó sẽ tăng cường được sức mạnh kinh tế và năng lực cạnh tranh. Những nước đang phát triển cần có giải giải pháp khôn khéo hơn, dựa vào lợi thế so sánh quốc gia về tài nguyên độc đáo, bản sắc văn hóa dân tộc để phát triển du lịch. Nhu cầu du lịch thay đổi hướng tới những giá trị mới được thiết lập trên cơ sở giá trị văn hóa truyền thống mang tính độc đáo và nguyên bản, giá trị tự nhiên với tính nguyên sơ, giá trị sáng tạo và công nghệ cao thể hiện tính hiện đại, tiện nghi. Du lịch bền vững, du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm, du lịch gắn với xóa đói giảm nghèo, du lịch hướng về cội nguồn, hướng về thiên nhiên là những xu hướng nổi trội. Chất lượng môi trường trở thành yếu tố quan trọng cấu thành giá trị thụ hưởng du lịch và là tiêu chí không thể thiếu trong đánh giá sự phát triển du lịch.
Muốn có du lịch chất lượng cao cần phải chuẩn bị yếu tố đầu vào cho phát triển nhân lực ngành Du lịch. Vì vậy, cần nhận thức được vai trò, vị trí hàng đầu của giáo dục, đào tạo và khoa học, công nghệ; đẩy mạnh đổi mới giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ du lịch để có thể đáp ứng năng động hơn, hiệu quả hơn và trực tiếp hơn nhu cầu nhân lực cho sự phát triển du lịch nói riêng và của đất nước nói chung.
Các yếu tố trong nước
Bối cảnh trong nước với những khó khăn và thuận lợi lớn đan xen đòi hỏi ngành Du lịch Việt Nam phải khai thác được những điểm mạnh chuyển đổi thành yếu tố thuận lợi và khắc phục những điểm yếu, hạn chế để vượt lên khó khăn, trở ngại trong quá trình phát triển và hội nhập, hợp tác quốc tế.
Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch sẽ được xây dựng, thể chế được hoàn chỉnh dần, phát triển nhân lực ngành Du lịch sẽ được quan tâm hơn, sẽ tháo gỡ khó khăn cho ngành Du lịch phát triển. Nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc sẽ được phát triển, an ninh quốc phòng được giữ vững. Việt Nam sẽ là bạn và đối tác tin cậy với tất cả các nước, điều này sẽ tác động theo hướng thuận lợi hơn cho du lịch phát triển và hội nhập quốc tế với tư thế mới. Cuộc sống công nghiệp được hình thành, tăng áp lực công việc, cần phải có sự cân bằng nhịp điệu cuộc sống, kéo theo sự hình thành nhu cầu du lịch, đây cũng là cơ hội nhưng cũng là một thách thức đối với sự phát triển của ngành Du lịch Việt Nam.
Việt Nam là thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nên sẽ có rất nhiều tập đoàn kinh tế lớn, nhiều công ty xuyên quốc gia đầu tư vào các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực du lịch; các nhà đầu tư Việt Nam cũng sẽ triển khai mạnh mẽ việc đầu tư du lịch ranước ngoài. Điều đó đòi hỏi ngành Du lịch Việt Nam phải nhanh chóng nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt là phải xây dựng được một đội ngũ nhân lực đáp ứng nhu cầu lao động đa dạng, trong đó có một bộ phận nhân lực chất lượng cao để đảm trách được những vị trí quan trọng
Mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cũng phải được tiến hành trong lĩnh vực du lịch, nên đòi hỏi phải có được đội ngũ nhân lực lãnh đạo, quản lý, nghiên cứu và hoạch định chính sách giỏi, tác động sâu sắc đến sự nghiệp phát triển ngành Du lịch, nhất là cán bộ công chức hành chính, viên chức du lịch và liên quan đến du lịch. Đây là nút thắt quan trọng cần phải tháo gỡ của Du lịch Việt Nam trong tiến trình phát triển.
Những thành tựu của công cuộc đổi mới và quá trình CNH, HĐH đất nước là cơ sở quan trọng thúc đẩy du lịch phát triển, nhưng cũng đặt ra nhiều thử thách cho ngành Du lịch Việt Nam. CNH, HĐH làm cho xã hội ở Việt Nam biến đổi sâu sắc và toàn diện, đòi hỏi phải có những giải pháp cụ thể nhằm giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp vốn có của quê hương, đất nước và di sản văn hóa cả vật thể và phi vật thể, giữ gìn môi trường, nâng cao thể chất, trí tuệ, tinh thần của nhân dân; đồng thời phát triển đời sống văn hóa, nhu cầu du lịch thích ứng với thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Yếu tố này đòi hỏi ngành Du lịch phải đổi mới cả về lượng và chất để đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển trong 10 năm tới.
Phát triển du lịch trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa dưới điều kiện hội nhập quốc tế ngày một sâu và toàn diện làm cho những yếu tố tích cực của xã hội được phát huy, các hoạt động du lịch cùng với các dịch vụ ở những lĩnh vực này trở nên năng động, đa dạng và phong phú hơn, nhưng cũng tiềm ẩn những rủi ro, phức tạp. Mặt trái của cơ chế thị trường tác động đến từng gia đình, các quan hệ xã hội, quan hệ cộng đồng, quan hệ doanh nghiệp đòi hỏi sự đổi mới về công tác quản lý và tổ chức hoạt động du lịch để đảm bảo phát triển du lịch đúng định hướng, bền vững trong cơ chế thị trường.
Tín ngưỡng, tôn giáo là một thành tố của văn hóa, là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Tín ngưỡng ngày càng phát triển, các hoạt động du lịch tâm linh ngày càng mở rộng và được công nhận trên bình diện rộng ở phạm vi khu vực và toàn cầu. Đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ trong công tác tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam về tín ngưỡng, tôn giáo; đấu tranh bảo vệ truyền thống văn hóa dân tộc, chống việc lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng thông qua hoạt động du lịch. Yếu tố này tác động trực tiếp đến sự phát triển du lịch của Việt Nam, đến tiến trình hội nhập và hợp tác quốc tế trong du lịch và đòi hỏi phải có các giải pháp phù hợp.
Bên cạnh các yếu tố nêu trên, những nhân tố mang tính chuyên ngành như số lượng khách; cơ cấu và tần suất khách đến, đi; thời vụ du lịch; các yếu tố ảnh hưởng đến tiền công, tiền lương của nhân lực du lịch; xu hướng cạnh tranh trên thị trường lao động du lịch, sự thay thế giữa các loại lao động khác nhau; xu hướng phân cực của nhân lực du lịch; xu hướng di chuyển và chuyển dịch cơ cầu nhân lực tăng nhanh; xu hướng tăng đầu tư vào đào tạo nhân lực du lịch; xu hướng thích ứng nhanh của hệ thống đào tạo du lịch; xu hướng sử dụng các rào cản kỹ thuật trong bảo hộ… tác động nhiều mặt đến sự phát triển du lịch, đến hội nhập quốc tế của Du lịch Việt Nam.
Nhìn chung, trong cơ chế tác động riêng biệt hoặc đan xen của các yếu tố quốc tế và yếu tố trong nước nêu trên đặt ra nhiệm vụ phải đẩy mạnh phát triển ngành Du lịch, có chất lượng cao, vừa mang đậm bản sắc văn hóa, vừa phát triển bền vững, giữ được an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và toàn vẹn lãnh thổ, đáp ứng nhu cầu xã hội hiện đại và hội nhập quốc tế./.
TS. Nguyễn Văn Lưu
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)