Danh lam thắng cảnh
Biển Sầm Sơn
Sầm Sơn cách thành phố Thanh Hóa 16km. Đây là nơi tắm biển lý tưởng mà người Pháp đã khai thác từ năm 1906 và nhanh chóng trở thành nơi nghỉ mát nổi tiếng của Đông Dương. Sầm Sơn có cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, vùng biển bao la hấp dẫn với nhiều thắng tích và huyền thoại như: hòn Trống Mái, đền Cô Tiên, đền Độc Cước, dãy núi Trường Lệ… Du khách đến Sầm Sơn, ngoài tắm biển có thể đi dạo dọc đường Hồ Xuân Hương khám phá cuộc sống sôi động để hiểu hơn về cuộc sống đậm sắc thái văn hóa biển xứ Thanh.
Biển Hải Hòa
Thuộc xã Hải Hòa, huyện Tĩnh Gia, cách thành phố Thanh Hóa 40km, cách thủ đô Hà Nội 190km, biển Hải Hòa vẫn còn vẻ nguyên sơ với nước biển trong xanh, sóng biển hiền hòa, bãi cát trắng mịn trải dài xen lẫn những rặng phi lao xanh ngắt đầy lãng mạn. Sẽ thật tuyệt vời vào mỗi sáng sớm, du khách được ngắm bình minh trên biển, chiêm ngưỡng đảo Mê ẩn hiện trong mây trời, hút vào tầm mắt toàn cảnh khu kinh tế Nghi Sơn đầy vẻ sôi động, hào hoa của một khu đô thị mới.
Du lịch cộng đồng tại bản Đôn, Bá Thước
Bản Đôn là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Thái, với tổng diện tích tự nhiên trên 125ha. Nơi đây đang trở thành “nơi mơ đến, chốn mong về” của đông đảo du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Bản Đôn hấp dẫn du khách bởi những thửa ruộng bậc thang trải dài, những nếp nhà sàn nằm ven chân đồi cùng một nền văn hóa đặc sắc. Đến đây, du khách không chỉ được thư giãn bởi không gian yên bình, cảnh quan thiên nhiên đẹp hoang sơ mà còn được trải nghiệm các hoạt động cùng đồng bào dân tộc, được thưởng thức nhiều món ăn ngon, đặc sản của người dân vùng cao như: măng rừng, vịt cỏ, lợn rừng, gà đồi, canh cá... và hơn cả là sự chân thành, nồng nhiệt của người dân địa phương.
Thác Ma Hao - bản Năng Cát
Thác Ma Hao (bản Năng Cát) có độ cao hơn 1.200m so với mặt biển. Các dòng suối nhỏ chảy dọc theo những cánh rừng già hợp thành dòng suối lớn đổ xuống tạo thành thác Ma Hao uốn lượn, chảy mãi không ngừng. Đến với bản Năng Cát du khách còn được tham quan dự án nuôi cá hồi, thưởng thức các sản vật vùng cao đặc trưng như cơm lam, thịt lợn cỏ nướng, chẻo cá và các loại rau rừng, rượu siêu men lá của người bản địa, nhấm nháp cùng món vịt “đi bộ” luộc thơm và ngọt, cá hấp với gia vị của lá rừng chắc chắn sẽ không thể nào quên. Bên cạnh đó, các lễ hội truyền thống cùng các trò chơi dân gian cũng là nét thu hút đặc sắc của miền Tây Thanh Hóa. Vào buổi tối, du khách sẽ được lắng nghe tiếng hát đối đáp của những đôi nam nữ trao duyên hay múa sạp rộn ràng. Du lịch thác Ma Hao - bản Năng Cát đang ngày càng được phát triển và thu hút rất nhiều khách tham quan. Nơi đây sẽ là một điểm đến thân thiện, hút hồn du khách trong tương lai.
Vườn quốc gia Bến En
Nằm cách thành phố Thanh Hóa 46km về phía Tây Nam, Vườn quốc gia Bến En là địa chỉ du lịch sinh thái hấp dẫn đối với bất kỳ ai yêu thích vẻ nguyên sơ của tạo hóa. Đây là một vùng rừng núi, sông hồ rộng khoảng hơn 16.000ha còn hoang dã với hệ động thực vật đa dạng và phong phú, quý hiếm như: voi, gấu, hổ, voọc má trắng, lim, lát hoa, chò chỉ... Bến En còn có hơn 4.000ha mặt hồ với 21 hòn đảo lớn nhỏ tạo nên cảnh quan thiên nhiên vô cùng quyến rũ.
Di tích Lịch sử - Văn hóa
Khu di tích lịch sử đền Bà Triệu
Khu di tích lịch sử đền Bà Triệu thuộc xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc. Khu di tích lịch sử đền Bà Triệu được xây dựng, trùng tu, tôn tạo qua nhiều thời kỳ, bao gồm các địa điểm: đền thờ và lăng mộ Bà Triệu, mộ ba ông tướng họ Lý, miếu Bàn Thề, đình Phú Điền, đền Đệ Tứ. Với giá trị đặc biệt tiêu biểu, Khu di tích lịch sử đền Bà Triệu đã được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2408/QĐ-TTg ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Thái miếu nhà Lê
Thái miếu nhà Lê (hay còn gọi là đền Lê) thuộc thôn Kiều Đại, phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa. Đền nhà Lê được dựng năm Gia Long thứ 4 (1805), thờ cúng 27 vị Hoàng đế thời Lê, Hoàng Thái Hậu cùng các Vương công nhà Hậu Lê. Đền được dựng theo phong cách kiến trúc Hậu Lê và thời Nguyễn, bao gồm tiền điện và hậu điện được nối bằng một sân điện chạy dài. Tại đền hiện còn lưu giữ được nhiều hiện vật gốc rất có giá trị về nhiều phương diện. Thái miếu nhà Lê được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp Bằng Di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Di sản Văn hóa thế giới thành nhà Hồ
Thành nhà Hồ thuộc địa bàn 2 xã Vĩnh Long và Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, từng là kinh đô nước Đại Ngu (quốc hiệu Việt Nam thời nhà Hồ). Đây là tòa thành kiên cố với kiến trúc độc đáo bằng đá có quy mô lớn hiếm có ở Việt Nam, có giá trị độc đáo nhất, duy nhất còn lại ở Đông Nam Á. Thành có hình chữ nhật, xung quanh có hào sâu. Bốn cửa thành xây theo kiểu vòm cuốn, bằng đá, riêng cổng phía Nam là cổng chính có ba cửa ra vào, dài trên 34m, cao hơn 10m. Tường thành đá xây bằng những khối đá nặng trung bình 10 - 16 tấn, có khối nặng đến trên 26 tấn, được đẽo gọt khá vuông vắn và lắp ghép theo hình chữ công, cửa cuốn của thành được xây dựng bằng các khối đá hình nêm tạo nên sự liên kết vững chắc. Với giá trị nổi bật toàn cầu, ngày 27/6/2011, thành nhà Hồ đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới.
Hang Con Moong
Hang Con Moong thuộc địa phận bản Mọ, xã Thành Yên, huyện Thạch Thành. Tại hang Con Moong, những dấu vết của người tiền sử vẫn còn hiện hữu nguyên vẹn. Chính nơi đây đã chứng kiến các giai đoạn phát triển liên tục, phong phú của xã hội loài người từ sơ kỳ đồ đá cũ đến thời đại đồ đá mới. Ngoài các công cụ bằng đá, bằng xương thú, vỏ sò, vỏ ốc..., người ta còn tìm thấy dấu vết bếp lửa có hình gần tròn, hoặc tròn, dày ở giữa, mỏng xung quanh, có đường kính 4m. Đây chính là minh chứng nơi quần tụ của thị tộc. Với những giá trị độc đáo, mang tính toàn cầu, hang Con Moong đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.
Khu di tích lịch sử Lam Kinh
Cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây Bắc, Khu di tích lịch sử Lam Kinh nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân. Nơi đây, người anh hùng dân tộc Lê Lợi đã phất cờ khởi nghĩa, lãnh đạo cuộc chiến đấu 10 năm chống giặc Minh, dựng lại nền độc lập cho nước nhà. Sau khi lên ngôi Hoàng đế, vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) đã cho xây dựng điện Lam Kinh (còn có tên là Tây Kinh), phía Bắc dựa vào núi Dầu (gọi là Du Sơn), mặt Nam nhìn ra sông - có núi Chúa làm tiền án, bên tả là rừng Phú Lâm, bên hữu là núi Hương và núi Rồng chắn phía Tây. Đến với Lam Kinh, du khách sẽ được chiêm ngưỡng 3 tòa chính điện - một công trình kiến trúc gỗ có quy mô lớn, với một hệ thống hàng cột cái có đường kính 0,62m, nằm trang nghiêm trên một nền đất rộng, cao. Khu di tích lịch sử Lam Kinh đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích Lịch sử cấp quốc gia năm 1962. Qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, Lam Kinh đã và đang trở thành trung tâm văn hóa, du lịch lớn của tỉnh Thanh Hóa. Với tầm vóc và ý nghĩa lịch sử lớn lao, tháng 9/2013 Khu di tích lịch sử Lam Kinh được công nhận Di tích cấp quốc gia đặc biệt.
Lễ hội
Lễ hội Bà Triệu
Lễ hội Bà Triệu được tổ chức từ ngày 19 - 24/2 âm lịch. Tại lễ hội diễn ra các hoạt động như: tế lễ, rước kiệu, tế nữ quan, lễ mộc dục, tế Phụng Nghinh... Bên cạnh đó, còn có các tiết mục văn nghệ dân gian như: trò “Ngư - Triệu giao quân”, hát chầu văn, thi đấu vật, leo dây, thổi cơm thi, đánh cờ tướng... Lễ hội Bà Triệu là một Di sản Văn hóa phi vật thể quý giá của nhân dân, thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của những người con xứ Thanh anh hùng.
Lễ hội Mai An Tiêm
Đây là lễ hội truyền thống được tổ chức từ ngày 13 - 15/3 âm lịch hàng năm trên địa bàn xã Nga Phú, huyện Nga Sơn, nhằm tưởng nhớ Mai An Tiêm - người khai phá, xây dựng vùng đất Nga Sơn - ông tổ của loại dưa hấu nổi tiếng khắp cả nước. Trong lễ hội, có nhiều hoạt động tế lễ, sinh hoạt văn hóa tâm linh mang màu sắc dân gian, thần thoại cổ xưa như: rước kiệu, dâng hương, tế lễ, nấu cơm thi, ném lao, nhảy dây, kéo co, thi leo núi, hái lượm, hội trại, biểu diễn ca nhạc...
Lễ hội Lam Kinh
Lễ hội Lam Kinh là lễ hội mang tính lịch sử gắn liền với triều đại nhà Hậu Lê. Đây là một trong những lễ hội truyền thống lớn, có tầm ảnh hưởng tín ngưỡng rộng. Lễ hội diễn ra từ ngày 21 - 23/8 âm lịch hàng năm tại Khu di tích lịch sử Lam Kinh, huyện Thọ Xuân. Về với Lễ hội Lam Kinh, du khách sẽ được tìm hiểu những nghi thức tế lễ cổ truyền mang đậm dấu ấn lịch sử thời Lê; được hòa mình trong không khí tưng bừng của các trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống của xứ Thanh như: trò cuân phả, trò chiềng, trò sanh ngô, trò chuộc, trò rủn, điệu hát múa rí ren dân ca Đông Anh, dân ca Sông Mã, kéo chữ, các tiết mục tuồng chèo…; tham quan các gian trưng bày hiện vật, cổ vật thời Lê, thưởng thức các món ăn đặc sắc của xứ Thanh...
Làng nghề truyền thống
Nghề chạm khắc đá làng Nhồi
Nói đến chế tác đá phải nhắc đến làng Nhồi, địa danh nổi tiếng với những người thợ tài hoa đã dựng xây biết bao công trình và để lại các tác phẩm nghệ thuật còn mãi với thời gian, gợi lại cho ta nhớ về những kỳ tích mà dân làng nghề đã đóng góp cho Kinh thành Tây Đô kỳ vĩ. Các tác phẩm điêu khắc ở khu điện miếu Lam Kinh mang đặc trưng của nghệ thuật điêu khắc thời Lê Sơ như các tượng rồng, tượng người, tượng thú... Những tác phẩm độc đáo này đều được bàn tay điêu luyện của thợ đá làng Nhồi chạm khắc góp phần hình thành nghệ thuật điêu khắc đá truyền thống Việt Nam. Trên bình diện văn hóa nghệ thuật, chạm khắc đá dân gian truyền thống xứ Thanh đem lại sự đa dạng về các nghề thủ công và diện mạo văn hóa dân gian truyền thống trên đất Cửu Chân xưa.
Làng nghề chiếu cói Nga Sơn
Cách trung tâm huyện khoảng 3km về phía Đông Nam là một vùng cói bạt ngàn chạy dài nối liền 8 xã trên địa bàn huyện Nga Sơn. Điểm ưu việt nhất của cói Nga Sơn mà khó có nơi nào bì kịp là sợi cói nhỏ, dài, mềm mại và óng mượt. Dưới bàn tay khéo léo của người thợ dệt chiếu, se đay, Nga Sơn đã tạo ra một sản phẩm chiếu cói đẹp, phong phú về kiểu dáng lại gọn, nhẹ, dễ gấp, giá cả vừa phải nên chiếu Nga Sơn đã có mặt khắp trong Nam ngoài Bắc. Ngày nay thương hiệu “cói Nga Sơn” đã được nhiều quốc gia ưa chuộng với nhiều sản phẩm hấp dẫn như chiếu du lịch, giỏ đựng hoa quả, túi xách tay, làn xinh xắn, hộp đựng mỹ phẩm, đệm cói...
Làng nghề đúc đồng
Làng Trà Đông (xưa gọi là Kẻ Chè), xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa từ bao đời nay là nơi lưu giữ và phát huy nghề đúc đồng truyền thống. Dưới bàn tay khéo léo, các nghệ nhân đã khôi phục những sản phẩm truyền thống như đúc chiêng, đúc trống đồng, đúc tượng đồng, đồ thờ, lư hương, con giống... và đỉnh cao nhất là nghệ thuật đúc trống đồng Đông Sơn với những chi tiết tinh xảo theo đúng hoa văn kiểu dáng xưa. Hiện nay, làng có hàng chục lò đúc đồng với hàng trăm thợ thủ công lao động ngày đêm tất bật. Mỗi năm, cho xuất xưởng nhiều mặt hàng, đồ vật gia dụng làm từ đồng, tiêu thụ trong cả nước và xuất khẩu đi nước ngoài.
Ẩm thực
Nem chua
Nhắc đến Thanh Hóa, đến hương vị quê Thanh không thể không kể đến đặc sản nem chua. Nem chua xứ Thanh có sức hấp dẫn riêng mà không ở vùng nào có được. Để có được “nem Thanh" là cả một quá trình thao tác hoàn hảo, tuân thủ theo một nguyên tắc chặt chẽ từ khâu lựa chọn nguyên liệu thịt, bì và các loại gia vị… đến khâu chế biến.
Dừa Hoằng Hóa
Hoằng Hóa nổi tiếng với dừa. Mùa dừa trổ hoa, hương thơm lan rộng, bay xa khắp vùng, cả xóm làng nhuốm mình trong một màu xanh tươi trù phú. Đất tốt nên quả sai, trái ngọt, dừa làng Nghĩa từ lâu đã trở thành quà thơm đặc sản của làng quê Hoằng Hóa, hấp dẫn được nhiều du khách gần xa về thẩm thụ.
Bánh gai Tứ trụ
Thanh Hóa được biết đến với nhiều loại bánh ngon, trong đó bánh gai Tứ Trụ là một đặc sản nổi tiếng. Chỉ bằng những nguyên liệu đơn giản cộng với bí quyết gia truyền, đã tạo ra một thứ bánh vừa thơm ngon, béo ngậy vừa đậm đà hương vị quê Thanh.
Bánh lá răng bừa
Bánh răng bừa còn được gọi là bánh lá hay bánh tẻ, được làm từ bột gạo tẻ, cùng với nhân thịt, gói bằng lá chuối tươi. Đây là loại bánh truyền thống để cúng vào ngày rằm, ngày giỗ và Tết Nguyên đán. Tương truyền loại bánh này có lịch sử từ rất lâu đời và là món đồ cúng không thể thiếu trong mâm cỗ cúng vua Lê Hoàn của người dân Thọ Xuân.
Chả tôm
Chả tôm là món ăn dân dã đầy hấp dẫn đối với những ai đã một lần được thưởng thức. Trong tiết trời se se lạnh, bếp than rực hồng, từng gắp chả trắng hồng, bên trong có nhân tôm đang tí tách, xèo xèo tỏa một mùi thơm quyến rũ. Với tiềm năng và lợi thế về tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn đa dạng, tỉnh Thanh Hóa đang từng bước khẳng định thương hiệu và là cầu nối quan trọng để liên kết phát triển du lịch các tỉnh Bắc - Nam Trung Bộ.
Một số tuyến du lịch trọng điểm
- Tuyến du lịch 1: Đền Nhà Lê - nhà tưởng niệm Hồ Chủ tịch - đền thờ các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các Anh hùng liệt sĩ - Thiền viện Trúc Lâm - động Tiên Sơn - hồ Kim Quy (Khu Du lịch - Văn hóa Hàm Rồng) - Đồi C4, đồi Quyết Thắng
- Tuyến du lịch 2: Đền Độc Cước - hòn Trống Mái - chùa Cô Tiên - làng chài Vinh Sơn - làng cá Quảng Tiến - biển Sầm Sơn
- Tuyến du lịch 3: Khu di tích Lam Kinh - suối cá Cẩm Lương - thành nhà Hồ - đền Đồng Cổ - làng nghề đúc đồng Thiệu Trung, tơ Hồng Đô
- Tuyến du lịch 4: Hang Lò Cao kháng chiến Hải Vân - Vườn quốc gia Bến En
- Tuyến du lịch 5: Chùa Mèo - thác Ma Hao - làng Năng Cát
- Tuyến du lịch 6: Bán đảo Nghi Sơn - động Trường Lâm - cụm thắng tích làng nghề Ba Làng
- Tuyến du lịch 7: Biển Hải Tiến - Lạch Trường - Hòn Nẹ
- Tuyến du lịch 8: Du lịch sông Mã từ Cảng Hới - ngã Ba Bông
- Tuyến du lịch 9: Biển Hải Hòa - đảo Mê - Nghi Sơn
- Tuyến du lịch 10: Đền Cửa Đặt - Phủ Na - Am Tiên - làng nghề đá mỹ nghệ Nhồi
- Tuyến du lịch 11: Đền Bà Triệu - đền Sòng - đền Chín Giếng - đèo Ba Dội - động Từ Thức - chợ Hói Đào - làng nghề dệt chiếu Nga Sơn
T.T