So với các yếu tố trụ cột của năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch, bao gồm Môi trường hỗ trợ (hạng 73), Cơ sở hạ tầng (hạng 94) và Tài nguyên văn hóa và tự nhiên (hạng 33), yếu tố Chính sách du lịch và điều kiện hỗ trợ thực thi chính sách xếp hạng thấp nhất (112), sau hầu hết các nước ASEAN, chỉ xếp trên Myanmar (hạng 136), cách xa so với Singapore (hạng 1), Indonesia (hạng 9), Philippines (hạng 17), Malaysia (hạng 24), Thái Lan (hạng 49), Campuchia (hạng 64) và Lào (hạng 80). Đáng lưu ý, trong các chỉ số thuộc yếu tố Chính sách du lịch và điều kiện hỗ trợ, một số chỉ số Việt Nam có năng lực cạnh tranh thấp, bao gồm mức độ ưu tiên dành cho du lịch, Việt Nam xếp hạng thấp nhất trong số các nước ASEAN (hạng 119), sau nước đứng trên gần nhất là Myanmar (hạng 108). Về mức độ mở cửa với quốc tế, Việt Nam xếp hạng 89, trong đó yêu cầu về thị thực xếp hạng 119. Thứ hạng về mức độ mở cửa với quốc tế và yêu cầu về thị thực của Việt Nam (hạng 89 và 119) sau hầu hết các nước ASEAN, chỉ đứng trên Myanmar (hạng 120 và 132). Việt Nam cũng xếp hạng thấp về sự bền vững về môi trường (hạng 132), chỉ hơn Indonesia (hạng 134).
Việt Nam được đánh giá cao đối với chỉ số tài nguyên thiên nhiên (hạng 40), sau Thái Lan (hạng 16), Indonesia (hạng 19) và Malaysia (hạng 26) và trên các nước ASEAN khác; tài nguyên văn hóa (hạng 33), tương đương Thái Lan, sau Singapore (hạng 22), Indonesia (hạng 25) và Malaysia (hạng 27) và cao hơn các nước khác trong khu vực ASEAN; sức cạnh tranh về giá (hạng 22), sau Indonesia (hạng 3) và Malaysia (hạng 6) và xếp trên các nước khác trong khu vực ASEAN.
Với thực tế hiện nay, Việt Nam khó có thể đuổi kịp chỉ tiêu về số lượng khách du lịch so với nhóm các nước đứng đầu. Nhìn từ các chỉ số năng lực cạnh tranh, có thể thấy Việt Nam chưa quan tâm phát triển du lịch khi chỉ số về Chính sách du lịch và điều kiện hỗ trợ thực thi chính sách, đặc biệt là chỉ số mức độ ưu tiên phát triển du lịch xếp hạng thấp nhất trong các nước ASEAN, trong khi xếp hạng các yếu tố liên quan khác vẫn còn nhiều hạn chế. Thực tế, cơ quan du lịch các nước như Thái Lan, Singapore, Malaysia đều đầu tư khoảng hơn 100 triệu USD/năm cho hoạt động của cơ quan du lịch quốc gia với chức năng chính là xúc tiến quảng bá du lịch, đồng thời có mạng lưới văn phòng đại diện rộng khắp tại các thị trường du lịch trọng điểm. So với các nước trong khu vực, đầu tư cho hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam hiện còn rất khiêm tốn với mức trung bình khoảng 2 triệu USD/năm, chỉ bằng khoảng 2,9% của Thái Lan, 2,5% của Singapore, 1,9% của Malaysia. Đối với Indonesia, nước xếp ngay trên Việt Nam về số lượng khách du lịch quốc tế (10,41 triệu lượt năm 2015), để đạt mục tiêu đón 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế vào năm 2019, từ đầu tháng 3/2016, Indonesia miễn thị thực thêm cho công dân 79 quốc gia, vùng lãnh thổ, nâng tổng số quốc gia, vùng lãnh thổ có công dân được miễn thị thực lên 169, tiếp theo nỗ lực năm 2015 mở rộng danh sách các nước được miễn thị thực từ 15 lên 90 nước. Trong khi đó, mặc dù có nhiều nỗ lực trong thời gian vừa qua, các nước có công dân mang hộ chiếu phổ thông được miễn thị thực nhập cảnh vào Việt Nam đến tháng 6/2016 mới chỉ dừng lại ở con số 22 nước.
Đối với các nước nhóm thấp hơn, sự phát triển mạnh mẽ của du lịch Lào, Campuchia và Myanamar trong thời gian vừa qua do sự mở cửa và đầu tư mạnh mẽ, thực chất cho ngành du lịch. Du lịch Campuchia và Myanmar được quản lý và định hướng bởi Bộ chuyên ngành du lịch riêng và được đầu tư mạnh mẽ. Đối với Lào, sự kết nối ngày càng chặt chẽ giữa Lào với Việt Nam và Thái Lan đã đóng góp số lượng khách quan trọng (75%) cho du lịch Lào. Ngoài ra yếu tố chu kỳ thị trường ở giai đoạn đầu mới mở cửa khi số lượng tuyệt đối chưa thực sự cao cũng giúp các nước này đạt tốc độ tăng trưởng cao trong giai đoạn vừa qua, như đối với Việt Nam giai đoạn 2001 - 2005 với mức độ tăng trưởng trung bình 10,50%. Đối với Myanmar, thực chất số lượng khách du lịch thực sự còn hạn chế với 1,3 triệu lượt (không tính số lượng khách qua biên giới). Mặc dù năng lực cạnh tranh tổng thể của các nước này còn thấp, nhưng nếu Việt Nam không thực sự quan tâm đến phát triển du lịch thì số lượng khách du lịch đến Campuchia, Lào và Myanmar có thể ngày càng rút ngắn khoảng cách đối với Việt Nam.
Du lịch Việt Nam còn ở vị trí thấp so với các nước Thái Lan, Malaysia và Singapore. Khả năng đuổi kịp các nước này chỉ có thể đặt ra khi Việt Nam thực sự quan tâm đến ngành Du lịch. Trong khi các nước khác đã đạt trình độ phát triển cao hơn, lại quan tâm, đầu tư mạnh mẽ hơn cả về cơ chế và nguồn lực thì Du lịch Việt Nam khó có thể đuổi kịp. Đối với các nước ở nhóm thấp hơn, Du lịch Việt Nam ở mức độ phát triển cao hơn nhưng nếu không có sự quan tâm và những xung lực phát triển mới thì du lịch các nước có thể dần tiệm cận với mức độ phát triển du lịch của nước ta.
ThS. Lê Thị Bích Hạnh
TS. Lê Tuấn Anh