Phát triển cơ sở lưu trú du lịch cho chương trình du lịch hoài niệm thăm chiến trường xưa
Những nơi có thể đưa vào khai thác loại hình du lịch này là vùng trung du và miền núi Bắc Bộ (trọng điểm là Điện Biên, Thái Nguyên), Bắc Trung Bộ (trọng điểm là Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế), Tây Nguyên (trọng điểm là Lâm Đồng, Đắk Lắk), TP. Hồ Chí Minh, đồng bằng sông Cửu Long (trọng điểm là Đồng Tháp, rừng U Minh ở Cà Mau).
Những cơ sở lưu trú du lịch (CSLTDL) đưa vào phục vụ loại hình du lịch hoài niệm thăm chiến trường xưa và đồng đội cần đáp ứng yêu cầu sau:
Thứ nhất, đáp ứng nhu cầu và khả năng chi trả đa dạng của nhiều đối tượng khách thuộc các thành phần khác nhau đến từ nhiều quốc gia. Đó có thể là những cựu chiến binh cao tuổi, những thương binh đã để lại một phần cơ thể trong cuộc chiến, những người khách trẻ tuổi muốn tìm hiểu về lịch sử của cha ông. Vì vậy loại hình cơ sở lưu trú có thể là khách sạn, nhà nghỉ, nhà có phòng cho khách du lịch thuê (homestay)… ở các mức giá khác nhau.
Thứ hai, có phương tiện và dịch vụ phục vụ người già và người tàn tật như phòng ngủ/phòng vệ sinh cho người tàn tật, đường cho xe lăn xe đẩy…
Thứ ba, có nhân viên am hiểu về chương trình, nhân chứng lịch sử và các địa danh du lịch ở địa phương để có thể tư vấn cho khách lựa chọn điểm đến, đặc biệt là những khách du lịch đi lẻ hoặc muốn đi thăm những nơi ngoài chương trình.
Thứ tư, hợp tác với các doanh nghiệp lữ hành xây dựng chương trình hấp dẫn, cung ứng dịch vụ kịp thời để phục vụ các khách tới lưu trú vì mục đích khác nhưng lại phát sinh tại chỗ nhu cầu tìm hiểu về chiến trường xưa.
Thứ năm, tổ chức tốt dịch vụ ngoài lưu trú như ăn uống, chăm sóc sức khỏe, thư viện; tổ chức không gian cho các đoàn khách giao lưu, những góc trưng bày kỷ vật, hình ảnh cuộc chiến, giới thiệu một số món ăn thời chiến…
Với tổng số trên 2.700 cơ sở và 34.700 buồng, khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ chiếm tỷ lệ 14,5% về số cơ sở và 10,7% về số buồng trong toàn quốc. Điện Biên, Hà Giang, Cao Bằng - các địa phương trọng điểm của loại hình du lịch hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội có tỷ lệ tăng trưởng cao, hơn 30% từ năm 2011 đến 2015, gấp từ 3 đến 5 lần về số buồng.
Số lượng các cơ sở đạt hạng cao cấp không nhiều nhưng đáp ứng được nhu cầu của khách. Trong tổng số hơn 2.300 cơ sở đã xếp hạng (chiếm 19% cả nước) với 23.300 buồng (chiếm 12% cả nước), vùng trung du và miền núi Bắc Bộ có 1 cơ sở hạng 5 sao (1,4% cả nước) với 428 buồng (2,3% cả nước), 3 cơ sở hạng 4 sao (1,5% cả nước) với 345 buồng (1,6% cả nước), 24 cơ sở hạng 3 sao (6,2% cả nước) với 1.700 buồng (6% cả nước), 125 cơ sở hạng 2 sao (9,1% cả nước) với 4.600 buồng (9% cả nước), 242 cơ sở hạng 1 sao (7,6% cả nước) với 4.900 buồng (8,1% cả nước).
Nhà nghỉ du lịch và nhà có phòng cho khách du lịch thuê (homestay) đã phát triển mạnh. Nhà nghỉ du lịch đạt chuẩn 1.720 cơ sở (26% cả nước) với 18.200 buồng (24% cả nước), homestay đạt tiêu chuẩn là 232 cơ sở (30,5% cả nước) với hơn 900 buồng (22% cả nước). Do địa hình núi đồi hiểm trở, địa bàn sinh sống của dân cư cách xa nhau, loại hình du lịch hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội sẽ phát triển cùng các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch khám phá và mạo hiểm tại khu vực này.
Số lượng CSLTDL ở Tây Nguyên là 1.300 với 22.400 buồng, chiếm tỷ lệ 7% số cơ sở và 6,8% số buồng trong toàn quốc, rất đa dạng về loại hình: khách sạn thành phố, khách sạn nghỉ dưỡng, biệt thự du lịch, nhà nghỉ du lịch, homestay, làng du lịch.
Trọng tâm của loại hình du lịch hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội khu vực Bắc Trung Bộ là Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, gắn với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và hành lang du lịch Đông – Tây. Công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch được chú trọng, đặc biệt là hệ thống giao thông ven biển tại các khu vực quy hoạch phát triển du lịch. Tại đó, du khách có dịp thưởng thức các đặc sản biển tươi ngon và tinh hoa văn hóa ẩm thực của vùng đất cố đô.
Khu vực đồng bằng sông Cửu Long có tổng số trên 1500 cơ sở và khoảng 30.000 buồng, chiếm tỷ lệ 8% về số cơ sở và 9% về số buồng trong toàn quốc, tập trung chủ yếu ở một số tỉnh như Kiên Giang, Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, An Giang, Hậu Giang. Đa số các cơ sở có quy mô nhỏ, số phòng bình quân mỗi cơ sở là 20.
Khách nghỉ tại cơ sở lưu trú ở ĐBSCL còn có dịp thưởng thức các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống đặc trưng của vùng sông nước như cải lương, các điệu lý, điệu hò hay các bản nhạc, điệu múa của đồng bào Khmer và đờn ca tài tử Nam Bộ.
Đánh giá chung, tại các địa phương trọng điểm của loại hình du lịch hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội, trừ TP Hồ Chí Minh, các CSLTDL hạng cao cấp và 4-5 sao không nhiều, chủ yếu cơ sở hạng 3 sao trở xuống, nhà nghỉ du lịch, nhà có phòng cho khách du lịch thuê, tuy nhiên cung CSLTDL đã đáp ứng nhu cầu phát triển, đủ năng lực phục vụ các đối tượng khách đa dạng.
Thời gian tới, để có thể khai thác nguồn khách tiềm năng của loại hình du lịch hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội, các CSLTDL trong khu vực cần tập trung vào những nội dung sau:
Thứ nhất, thu hút vốn đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ, đầu tư cải tạo cơ sở vật chất kỹ thuật, đặc biệt lưu ý tới các dịch vụ dành cho người già và người khuyết tật, người tàn tật.
Thứ hai, Công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực du lịch cần tiếp tục chú trọng; phối hợp với hội cựu chiến binh để được cung cấp thông tin, bổ sung kiến thức cho những người tham gia phục khách du lịch loại hình này.
Thứ ba, do quỹ thời gian của khách du lịch không dài, cần kết hợp nhiều loại hình trong một chuyến đi, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ phục vụ khách: nghỉ biển, giới thiệu các địa danh chiến trường xưa, du lịch nông thôn kết hợp viếng nghĩa trang liệt sỹ, tổ chức các hoạt động giải trí có liên quan đến thời chiến…
Thứ tư, để đáp ứng xu hướng chọn tour tự thiết kế, đặt chỗ qua mạng; tự lựa chọn dịch vụ, không đi theo tour trọn gói, các CSLTDL cần có sự liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển để tổ chức các chương trình chỉ cung ứng một phần dịch vụ du lịch như Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) tổ chức gói sản phẩm Free and Easy chỉ gồm vé máy bay, dịch vụ đón tiễn sân bay và 3 đêm khách sạn. Nếu có nhu cầu, khách có thể tiếp tục mua tour lẻ và các dịch vụ khác tại điểm đến.
Thứ năm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho chương trình du lịch hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội bằng nhiều hình thức, trong đó cần chú trọng đến việc tuyên truyền qua internet.
Di tích lịch sử và chiến tranh là di sản vô cùng quý báu của dân tộc cần được bảo tồn và phát huy. Du lịch hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội là một loại hình du lịch đặc biệt với đối tượng khách riêng. Các cơ sở lưu trú du lịch tại các địa bàn trọng điểm của chương trình cần tiếp tục củng cố, đầu tư phát triển theo xu hướng mới, đáp ứng nhu cầu của thị trường và sản phẩm du lịch đặc biệt này.
ThS. Nguyễn Thị Thanh Bình