Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xác định du lịch biển đảo là sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng; định hướng khai thác thế mạnh du lịch biển đảo nhằm phát triển ngành Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và góp phần khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển và hải đảo Việt Nam.
|
Du lịch vùng duyên hải Nam Trung Bộ đang trở thành điểm đến hàng đầu Việt Nam về du lịch biển đảo, có sức hấp dẫn với thị trường du lịch cao cấp, mang đến nhiều cơ hội phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của vùng, góp phần tạo dựng thương hiệu du lịch biển đảo Việt Nam đủ sức cạnh tranh với các nước phát triển du lịch trong khu vực và trên thế giới.
Hướng ưu tiên phát triển sản phẩm đặc trưng của vùng duyên hải Nam Trung Bộ là nghỉ dưỡng biển đảo với những nét hấp dẫn “các bãi biển cát trắng trải dài, nắng vàng óng và biển xanh trong”. Bên cạnh sản phẩm đặc thù là nghỉ dưỡng biển gắn với các hoạt động vui chơi, giải trí trên biển là những sản phẩm bổ trợ độc đáo như: thể thao biển, khám phá thiên nhiên biển, trải nghiệm văn hóa miền biển, kết hợp du lịch MICE, du lịch sức khỏe. Kết hợp giữa sản phẩm du lịch đặc thù gắn với các sản phẩm du lịch bổ trợ sẽ phát triển sản phẩm du lịch bền vững, tạo thương hiệu mạnh và có tính cạnh tranh cao cho du lịch vùng duyên hải Nam Trung Bộ.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận Nguyễn Lan Ngọc nhận định: Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của vùng duyên hải Nam Trung Bộ cần gắn với quy hoạch phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với ba trung tâm nghỉ dưỡng biển đảo là Đà Nẵng, Khánh Hòa và Bình Thuận. Ngoài ra, để tạo nên thương hiệu du lịch mạnh cho vùng, bên cạnh tiềm năng biển đảo cần phải định hướng phát triển sản phẩm du lịch bổ trợ đặc trưng cho từng địa phương để định hướng đầu tư phát triển như: du lịch - thể thao biển Mũi Né; tìm hiểu văn hóa truyền thống Chăm của Ninh Thuận; khám phá vẻ đẹp biển đảo vịnh Nha Trang; tham quan di sản văn hóa tại Quảng Nam; trải nghiệm thành phố lễ hội Đà Nẵng.
Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa Trần Việt Trung cho rằng, bên cạnh sản phẩm đặc thù, để sản phẩm du lịch biển đảo của vùng trở thành một thương hiệu du lịch quốc gia, không những cần có sự liên kết chặt chẽ trong việc tạo sản phẩm đặc thù của từng địa phương trong vùng mà phải tạo sản phẩm du lịch liên kết với các vùng khác trong cả nước để đáp ứng nhu cầu của các thị trường khách khác nhau, kể cả thị trường trong nước và quốc tế.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Đỗ Thị Thanh Hoa đã nêu ra một số giải pháp nhằm xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc thù vùng duyên hải Nam Trung Bộ thành thương hiệu du lịch biển đảo Việt Nam: giải pháp đầu tư phát triển, giải pháp nâng cấp hình thành hệ thống sản phẩm du lịch đặc thù, liên kết phát triển sản phẩm du lịch trong và ngoài vùng, tăng cường tuyên truyền, quảng bá xúc tiến, phát triển nguồn nhân lực, giải pháp phát triển sản phẩm du lịch bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu của vùng.
Nguyên Vũ