Chiến lược sản phẩm: nâng cao chất lượng sản phẩm đã có, bổ sung sản phẩm mới
Những sản phẩm đã có trước đây
Chinh phục núi Cấm: Loại hình này đã được khai thác từ lâu ở điểm du lịch núi Cấm. Du khách được tổ chức theo từng đoàn, đi theo lối mòn để lên đỉnh núi. Tuy nhiên, thời gian gần đây loại hình này không được chú trọng vì đa phần du khách đến tham quan núi Cấm đi về trong ngày nên không có nhiều thời gian để leo núi. Việc cần làm hiện nay là tổ chức nhiều hoạt động kết hợp trong chuyến leo núi để níu chân du khách và quan trọng hơn là phải có đủ cơ sở để đảm bảo việc lưu trú qua đêm của du khách.
Đi xe máy, ô tô lên tham quan đỉnh núi: Trước đây, du khách muốn lên tham quan đỉnh núi phải đi theo đường mòn dọc theo bìa rừng, nhưng từ khi tỉnh cho đầu tư xây dựng tuyến đường bộ dài gần 4km dẫn lên đỉnh núi Cấm (năm 2006) giúp rút ngắn thời gian di chuyển lên đỉnh núi, du khách có nhiều thời gian tham quan, chiêm bái hơn. Du khách được đưa lên đỉnh núi chủ yếu bằng xe ô tô của Công ty Lữ hành An Giang hoặc bằng xe honda của người dân sinh sống trên núi. Tuy nhiên, số lượng 42 xe từ 7 - 10 chỗ và khoảng 1.000 xe honda được kiểm tra kỹ thuật định kỳ vẫn không đáp ứng được nhu cầu của du khách vào mùa cao điểm, nhất là những ngày lễ tết. Việc cần làm là trang bị thêm xe ô tô và xe honda chất lượng để vận chuyển du khách hành hương lên núi.
Lên đỉnh núi Cấm bằng cáp treo: Tuyến cáp treo được đưa vào sử dụng đầu năm 2015 đã tạo nên sự mới lạ và thuận tiện cho hoạt động du lịch núi Cấm. Cùng với các công trình phục vụ du lịch trên đỉnh núi, công trình này chính là lực hút để hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Bổ sung sản phẩm du lịch mới
Phát triển các hạng mục phục vụ du lịch sinh thái ở Khu du lịch Lâm Viên núi Cấm như câu cá, cưỡi đà điểu, cưỡi ngựa…; đồng thời đầu tư thêm số lượng thú nuôi trong vườn thú nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách.
Xây dựng trại cá sấu: khu vực nuôi cá sấu giúp du khách tìm hiểu môi trường sống, thói quen và cách săn mồi của chúng. Có thể đưa vào loại hình du thuyền đi dạo trên hồ cá sấu, du thuyền phải được bọc lưới và có các phương tiện đảm bảo an toàn cho du khách.
Xây dựng vườn thực vật: sưu tầm, chăm sóc các loại cây từ bình thường đến quý hiếm, đặc biệt là những loài cây bản địa. Nếu bộ sưu tập của vườn thực vật đa dạng và phong phú sẽ thu hút lượng khách là các nhà khoa học đến tham quan, nghiên cứu.
Xây dựng chương trình sân khấu hóa vào buổi tối: Du khách có nhu cầu du lịch tâm linh chiếm tỷ lệ không nhỏ trong tổng số khách đến núi Cấm. Mục đích của họ là tham quan, chiêm bái các công trình tôn giáo trên đỉnh núi. Việc tổ chức chương trình sân khấu hóa về cuộc đời của đức Phật, những triết lý của Phật giáo sẽ là một hoạt động thu hút du khách và kéo dài thời gian lưu trú của họ. Tuy nhiên, cần xây dựng chương trình đúng hướng, tránh sự lệch lạc sang tuyên truyền tôn giáo và mê tín dị đoan.
Xây dựng khu resort và hồ nước nóng nhân tạo trên đỉnh núi, có thể dùng năng lượng mặt trời: Sản phẩm này sẽ đáp ứng nhu cầu thư giãn, nghỉ ngơi, nghỉ dưỡng của du khách. Đây là một trong những biện pháp kéo dài thời gian lưu trú của du khách tại điểm du lịch.
Chiến lược giá: giảm giá để thu hút khách
Ban đầu, nhà quản lý, nhà đầu tư có thể định giá dựa trên chi phí bỏ ra cho từng loại hình giải trí, từng công trình phục vụ du lịch. Đây là cách định giá phù hợp nhất để tránh tình trạng thua lỗ.
Về lâu dài, các nhà quản lý, nhà đầu tư có thể tiến hành khảo sát ý kiến của du khách, từ đó có những điều chỉnh về giá cho phù hợp hơn với doanh thu và lợi nhuận. Đồng thời, có thể đưa ra những chính sách giá linh hoạt cho từng đối tượng tham quan. Những tour khác nhau, những đối tượng khách khác nhau sẽ có những mức giá khác nhau. Đối với những đối tượng thường rất nhạy cảm về giá như giáo viên, học sinh sinh viên đi theo đoàn thì nên đưa ra chính sách giá trung bình, giảm giá 10% hoặc có chính sách khuyến mãi để thu hút khách. Đối với những khách lẻ sẽ có mức giá cố định riêng dành cho họ, mức giá này có thể cao hơn so với đối tượng khách đi theo đoàn.
Chiến lược phân phối: mở rộng phạm vi phân phối
Sản phẩm du lịch không giống như những sản phẩm khác, không thể đem đến nơi này hoặc nơi kia khi du khách cần. Vấn đề quan trọng là cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, đặc biệt là đầu tư xây dựng và mở rộng hệ thống giao thông. Nhanh chóng hoàn thành việc nâng cấp tuyến đường từ thành phố Châu Đốc đến Tịnh Biên để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến với điểm du lịch núi Cấm. Bên cạnh đó, cần khắc phục tình trạng sạt lở dọc tuyến đường ô tô dẫn lên núi để du khách không có tâm lý lo sợ khi đi xe lên núi.
Hiện nay, một số du khách lưu trú tại các khu vực khác (như khu vực núi Sam, khu siêu thị miễn thuế…) muốn đến núi Cấm nhưng không có phương tiện, vì vậy cần tổ chức một đội xe chuyên đưa đón khách khi có nhu cầu phát sinh. Đội xe này có thể tự đầu tư hoặc kết hợp với các nhà xe trong tỉnh để thực hiện dịch vụ này. Tránh tình trạng dùng xe cũ cải tiến lại vì an toàn cho du khách là trên hết.
Chiến lược chiêu thị: xúc tiến, quảng bá thương hiệu; chuyển từ mức độ quảng cáo biết đến điểm du lịch sang mức độ quảng cáo ưa thích điểm du lịch, biến nhu cầu thành quyết định đi du lịch
Đối với một điểm du lịch đang trong giai đoạn phát triển như núi Cấm thì công tác xúc tiến, quảng bá thương hiệu rất quan trọng. Khi quảng bá thương hiệu, các nhà đầu tư sẽ biết đến tiềm năng của điểm du lịch và sẵn sàng bỏ vốn đầu tư, du khách sẽ biết đến núi Cấm và quyết định đến tham quan. Có thể xúc tiến, quảng bá theo một số cách sau:
Các nhà quản lý, nhà đầu tư và chính quyền địa phương có thể thiết kế những bảng quảng cáo đặt tại các điểm, khu du lịch khác trong tỉnh. Đây là cách làm trực tiếp nhất để khách du lịch biết đến núi Cấm. Trên bảng quảng cáo cần có những thông tin cơ bản nhất về các tài nguyên đặc sắc, địa chỉ và hình ảnh minh họa của điểm du lịch.
Đưa những thông tin về tài nguyên du lịch, các loại hình du lịch và hình ảnh của điểm du lịch núi Cấm lên mạng internet thông qua website của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang, Tổng cục Du lịch và các diễn đàn về du lịch. Thông tin và hình ảnh được cập nhật thường xuyên, đặc biệt phải được biên soạn bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Với cách thức này, có thể đưa hình ảnh núi Cấm đến du khách trong và ngoài nước một cách dễ dàng.
Giới thiệu những thông tin và hình ảnh đặc sắc của điểm du lịch núi Cấm thông qua các món quà lưu niệm mang đậm dấu ấn của địa phương, các tạp chí, sách báo và các phương tiện thông tin đại chúng như đài truyền hình, đài phát thanh. Tích cực tham gia và giới thiệu hình ảnh du lịch Núi Cấm tại các hội chợ, hội thảo, hội nghị và các diễn đàn về du lịch.
Tổ chức các chuyến khảo sát để kết nối với các vùng lân cận nhằm đưa Tịnh Biên nói chung, núi Cấm nói riêng trở thành một điểm tham quan trong chương trình du lịch của các công ty du lịch trong và ngoài tỉnh.
Bên cạnh đó, cần chú trọng công tác quảng bá thương hiệu tại chỗ. Tại mỗi điểm tham quan trên núi, cần trang bị những biển quảng cáo tổng quan về núi Cấm, bao gồm những thông tin cơ bản về độ cao, các điểm tham quan, ẩm thực, cơ sở lưu trú, hàng lưu niệm… giúp du khách nắm được thông tin và kích thích họ lựa chọn các dịch vụ tiếp theo trong chuyến du lịch của mình.
Núi Cấm thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, là ngọn núi cao nhất (716m) và hùng vĩ nhất dãy Thất Sơn. Nơi đây có hệ thống sinh thái rừng đa dạng, cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, khí hậu quanh năm dịu mát và nhiều thắng cảnh như vồ Bồ Hong, hang Ông Hổ, suối Thanh Long… và nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng như chùa Vạn Linh, tượng Phật Di Lặc lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á, Khu du lịch Lâm Viên…
|
Tài liệu tham khảo:
- PGS.TS Trần Thị Minh Hòa (2011), Bài giảng Marketing điểm đến du lịch, Trường Đại học KHXH&NV - Đại học Quốc gia Hà Nội.
- ThS Trần Ngọc Nam, Trần Huy Khang (2005), Marketing Du lịch, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang (2007), An Giang non nước hữu tình.
Hồ Thị Đào
Trường Đại học An Giang