Đến Trường Sa, nếu xuất phát từ cảng Cam Ranh thì hòn đảo đầu tiên ta đặt chân lên, nơi cực Bắc của quần đảo, chính là đảo nổi Song Tử Tây. Từ ngoài khơi xa nhìn về phía hòn đảo này, vật đầu tiên hiện ra trong tầm mắt chính là cây đèn biển cao sừng sững, uy nghi, như một cây bút viết lên trời xanh. Trạm hải đăng này được xây dựng sớm nhất: năm 1993 – là cây đèn biển đầu tiên trong khu vực Trường Sa xuất hiện trên hải đồ quốc tế, đèn chủ yếu chạy bằng năng lượng mặt trời.
Những cây hải đăng ở quần đảo Trường Sa được thiết kế rất khác nhau, không cây nào giống cây nào. Tôi đem điều này hỏi những người gác đèn thì được trả lời: Các cây đèn biển trong cùng một khu vực như quần đảo Trường Sa không nên thiết kế giống nhau về độ cao, hình dáng, màu sắc, tính chất sáng (chớp đơn, chớp đôi, chớp 2 +1…) như thế mới mang tính khoa học “đặc thù”. Vì những sự khác nhau đó mà người đi biển có thể xác định được vị trí, độ nông sâu của từng khu vực để còn định ra phương hướng, tốc độ tàu chạy, khoảng cách trước và sau con tàu… Chẳng hạn, nói về ngọn hải đăng đảo Song Tử Tây. Đây là ngọn hải đăng cấp 2, có tầm hiệu lực ánh sáng 21 hải lý vào ban ngày, tầm hiệu lực ánh sáng 22 hải lý vào ban đêm, được xây dựng trên nền đất cao 5,5m, chiều cao tháp đèn là 38m, chiều cao tâm sáng là 36m. Cây hải đăng đảo An Bang được xây dựng năm 1995 tại tọa độ 07°52'10"00N - 112°54'10"000E. Đây là ngọn hải đăng cấp 3, được xây dựng trên nền đất cao 3m, chiều cao tháp đèn 24,9m, chiều cao tâm sáng 22,2m, có tầm hiệu lực ánh sáng 14,5 hải lý vào ban ngày, tầm hiệu lực ánh sáng 15 hải lý vào ban đêm. Hải đăng Đá Lát được xây dựng tại tọa độ 08°40'01"00N - 111°39'50"000E tại khu vực có độ sâu 2m dưới mực nước biển, có chiều cao 42m, tâm sáng có độ cao 40m. Cây hải đăng của đảo chìm Đá Tây được thiết lập năm 1994 tại tọa độ 8°50'41"N - 112°11'42"E có chiều cao tháp đèn 22m, chiều cao tâm sáng 20m, hiệu lực ánh sáng là 14 hải lý ban ngày và 15 hải lý vào ban đêm. Cây hải đăng đảo Tiên Nữ được xây dựng năm 2000 tại tọa độ 08°52'00"00N - 114°39'00"000E, trên nền đất cao 1,6m, có chiều cao 22,1m, chiều cao tâm sáng là 20,5m, tầm hiệu lực ánh sáng 14 hải lý vào ban ngày, 15 hải lý vào ban đêm.
“Trong vòng 72 hải lý, tính chất chớp, màu sắc, độ cao thấp của hải đăng không được trùng lặp đâu anh” - anh trạm trưởng hải đăng đảoTrường Sa Lớn nói với tôi - “Vì thế, khác với hải đăng Song Tử Tây hình ống trụ dài, hải đăng Sinh Tồn có kiến trúc hình vuông, chân đế vuông vững chãi nổi bật trên nền xanh của đảo, còn hải đăng đảo Sơn Ca lại rất bắt mắt với hình trụ tròn ngắn, sơn màu đỏ vàng, cửa sổ hình tròn, chóp đèn được thiết kế như chiếc vương miện uy nghi...”.
Nếu như hải đăng của đảo Song Tử Tây được coi như “tiền bối”, thì cây hải đăng đảo Đá Lát được coi là “trưởng lão” của hệ thống hải đăng trên quần đảo. Nằm ở phía cực Tây của quần đảo Trường Sa, hải đăng Ðá Lát cũng được xây dựng và đưa vào sử dụng hầu như cùng thời điểm với hải đăng Song Tử Tây. Chỉ khác nhau ở chỗ, hải đăng Đá Lát phải xây dựng trên bãi đá ngầm (đảo chìm), với nhiều công đoạn khó khăn phức tạp hơn.
Ngày 22/4/1994, hải đăng đúc sẵn được cẩu lên sà lan đưa ra đảo. Tuy nhiên, để “dẫn dắt” tàu và hải đăng vào vị trí lắp đặt, do địa hình hiểm trở, những người thợ thi công phải nổ mìn, dọn đá, tạo luồng dài gần một cây số giữa muôn trùng sóng gió. Rồi bao nhiêu công đoạn nữa, hải đăng mới đứng vững vàng.
Đến hôm nay, gần 20 năm đã trôi qua, hải đăng Đá Lát chưa bao giờ ngừng phát sáng. Sở dĩ người ta phải ưu tiên xây dựng hải đăng Đá Lát trước những đảo khác bởi vùng biển này có nhiều bãi đá san hô ngầm trải dài rất nguy hiểm, thường xuyên có tàu, thuyền mắc cạn. Kể từ khi ngọn đèn biển này đi vào hoạt động, không còn tai nạn nào xảy ra nữa. Có ra thăm đảo chúng tôi mới hiểu, xây dựng một công trình trên đảo xa đã là một kỳ công, nhưng xây dựng một công trình trên đảo chìm, bãi san hô phải được coi là một kỳ tích.
Một thợ gác đèn từng làm nhân viên ở hải đăng Đá Lát nói với tôi: “Ở đấy, lúc thời tiết bình thường, anh em lên tháp đèn bảo trì, vận hành cũng phải “đi nhẹ nói khẽ”, bởi đi mạnh thì đất từ trên trần rớt xuống đầu tửng mảnh, còn dưới chân cầu thang luôn ẩm ướt vì sóng biển táp vào. Những khi có bão, anh em gác đèn phải đi xuồng sang đơn vị bộ đội để trú tránh, mà đi như vậy cũng phải mất khoảng vài chục phút. Cầu thang đi lên đèn rất hẹp, phải nghiêng người nếu không hai vai bị đụng. Ở trạm Đá Tây, mỗi lần mưa gió, cầu thang ẩm ướt, sóng to ngập cả nhà dưới, trôi hết đồ đạc”. “Đi Trường Sa là đã xác định vất vả, nhưng đến Đá Lát, Đá Tây là chịu cực thêm bội phần”, những người gác đèn và cả những người lính đảo đều nói như vậy.
Sau nhiều năm vận hành trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đến nay hải đăng Ðá Lát đã xuống cấp nghiêm trọng. Ðể “trưởng lão” đèn biển trụ vững với thời gian, các cán bộ của Công ty Xây dựng công trình hàng hải miền Nam, thuộc Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam lại được lệnh lên đường. Suốt bốn tháng đánh vật với sóng gió Trường Sa, “ba cùng” với những người gác đèn, họ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Dù vất vả, khó khăn nhưng cứ nhìn ngọn hải đăng già nhất Trường Sa được trùng tu, vững vàng trước sóng gió biển khơi, soi đường cho tàu thuyền vào ra an toàn, họ cảm thấy vô cùng hạnh phúc.
Tôi đã từng đến thăm hoặc biết đến những công trình hải đăng nổi tiếng của đất nước, xây bằng đá từ thời Pháp, đã trở thành những điểm du lịch, có tuổi thọ cao, ghi dấu ấn lịch sử dân tộc, rất có giá trị thẩm mỹ và kiến trúc như: hải đăng Kê Gà thuộc huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận), hải đăng Đại Lãnh thuộc huyện Đông Hòa (Phú Yên), hải đăng Vũng Tàu nằm trên đỉnh núi Nhỏ, được xây dựng và khánh thành năm 1862, hải đăng Hòn Dấu gắn với đảo Hòn Dấu, thuộc khu du lịch giải trí Đồ Sơn - Hải Phòng… so với những cây hải đăng trên đảo Trường Sa được xây dựng bây giờ, nhất là những hải đăng trên những hòn đảo nổi như Trường Sa Lớn, Sơn Ca, Sinh Tồn, Song Tử Tây, Nam Yết… thì vẻ đẹp kiến trúc của những cây hải đăng này đa dạng, phong phú hơn rất nhiều.
Mỗi ngọn hải đăng ở Trường Sa thường biên chế 5 người, phân công túc trực 24/24h. Hàng ngày cứ đến 8h và 15h, những công nhân gác đèn lại thông tin về đất liền các hoạt động của tàu thuyền trong khu vực cũng như sự thay đổi của thời tiết trên biển. Hải đăng chạy điện năng lượng mặt trời và tự động bật tắt khi trời tối nhưng luôn phải đảm bảo máy nổ, máy phát điện vận hành bình thường trong mọi điều kiện, nhất là mưa bão kéo dài. Nước muối mặn và gió biển cũng dễ làm hư hỏng máy móc nên những người gác đèn phải thường xuyên thay ca bảo trì, bảo dưỡng, vận hành hải đăng, vừa phải tự tăng gia sản xuất, trồng rau xanh, nuôi gà, nuôi lợn… để có thức ăn tươi mỗi ngày. Mỗi một mầm xanh nhú lên trên trạm đèn là cả một cuộc đấu trí cam go với sự khắc nghiệt của thời tiết. Song, dù nắng, mưa, mùa biển lặng hay bão tố, các nhân viên nhà đèn đều phải đảm bảo cho ngọn hải đăng không bao giờ tắt.
Anh trạm trưởng trạm hải đăng đảo Sinh Tồn, người đã có thâm niên 18 năm gắn bó với 8 ngọn hải đăng trên 8 đảo chia sẻ: “Cuộc đời người thợ đèn như những người đi thắp lửa trong đêm. Mỗi khi nhìn ngọn hải đăng chớp sáng trên bầu trời đen kịt, mình cảm nhận đó chính là ánh sáng của Tổ quốc giữa biển trời. Từng nhịp đèn chớp nháy là nhịp thở của con tim không chỉ của lính thợ đèn mà là của cả dân tộc…”.
Lê Hoài Nam
(Tạp chí Du lịch)