Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức VITM 2014
|
Xin ông cho biết những nét mới của Hội chợ VITM Hà Nội 2014?
Tiếp theo những thành công của hội chợ VITM 2013, năm nay Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Tổng cục Du lịch và Sở VHTT&DL Hà Nội tổ chức hội chợ VITM Hà Nội 2014 với những điểm mới như sau: Thứ nhất, Kích cầu du lịch là chủ đề chính của Hội chợ. Việc cung cấp cho người tiêu dùng các sản phẩm kích cầu du lịch là hoạt động quan trọng nhất của Hội chợ VITM. Nếu như kích cầu trước đây chỉ mang ý nghĩa giải quyết những khó khăn của ngành Du lịch vào một số thời điểm trong năm thì hiện nay, kích cầu đang từng bước trở thành hoạt động thường xuyên, liên tục của toàn ngành du lịch. Vì vậy các doanh nghiệp du lịch mang đến hội chợ những sản phẩm kích cầu cả nội địa, inbound và outbound, đó là những sản phẩm tốt nhất, rẻ nhất có thể. Kích cầu đã trở thành mục tiêu cơ bản, xuyên suốt mọi hoạt động của hội chợ. Thứ hai, Hội chợ đã thu hút sự tham gia của đông đảo các thành phần kinh tế khác nhau, từ các doanh nghiệp nhà nước đến các doanh nghiệp tư nhân, từ các cơ quan quản lý đến các trung tâm xúc tiến du lịch, từ các công ty du lịch Việt Nam đến các doanh nghiệp Du lịch nước ngoài. Năm nay, hội chợ đạt được số lượng các doanh nghiệp nước ngoài tham gia kỉ lục, tính đến 15/3/2014 đã có 150 gian hàng của các doanh nghiệp du lịch thuộc 22 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thứ ba, hội chợ tập trung vào nâng cao nghiệp vụ Du lịch với các hội thảo đi sâu vào chuyên môn, đặc biệt nhấn mạnh vào du lịch có trách nhiệm và phát triển bền vững nhằm đưa các sản phẩm du lịch trong nước bắt kịp với xu hướng phát triển chung của toàn thế giới. Hội chợ cũng mang những màu sắc văn hóa của các quốc gia khác đến với du khách Việt Nam, với những đoàn văn nghệ chuyên nghiệp đến từ Malaysia, Hàn Quốc, Thái Lan,… Đây là sân chơi để Du lịch các nước thể hiện bản sắc văn hóa của dân tộc mình, đưa văn hóa trở thành một bộ phận của sản phẩm du lịch.
Tại sao hội chợ VITM Hanoi 2014 lại lựa chọn chủ đề “Kích cầu Du lịch – Điểm đến mới, Cơ hội mới & Du lịch có trách nhiệm vì sự tăng trưởng bền vững”, thưa ông?
Hiệp hội Du lịch Việt Nam đang có gắng triển khai nhiều hoạt động để từng bước đưa Kích cầu trở thành hoạt động thường niên, xuyên suốt của toàn ngành Du lịch. Ngay cả trong thời gian cao điểm các doanh nghiệp Du lịch cũng vẫn triển khai kích cầu nhằm tạo được hiệu quả kinh doanh cao nhất. Đồng thời tại Hội chợ này, nhiều địa phương cũng giới thiệu các điểm đến mới và tạo ra các cơ hội mới cho các doanh nghiệp xây dựng các sản phẩm du lịch mới hấp dẫn khách du lịch. Vấn đề du lịch có trách nhiệm được đưa ra bởi thực tế đã có những nơi môi trường và xã hội bị ảnh hưởng, xáo trộn vì hoạt động du lịch, nên việc phát triển du lịch có trách nhiệm cần được quan tâm, để cả người kinh doanh lẫn khách du lịch đều nhận thức được trách nhiệm của mình với môi trường tự nhiên và xã hội. Đó là cơ sở đảm bảo ngành Du lịch phát triển bền vững, để Du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Logo VITM 2014
|
Hội chợ VITM Hanoi 2014 có những điểm khác biệt nào so với các hội chợ du lịch khác, thưa ông?
Hội chợ VITM là hội chợ do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức, thực hiện biện pháp xã hội hóa 100%, không sử dụng ngân sách nhà nước. Các đơn vị nhà nước tham gia Hội chợ đều đóng góp như các doanh nghiệp. Hội chợ VITM là một mô hình mới, đã tổ chức thành công trong năm 2013 và mô hình này đang được khẳng định trong năm 2014.
Thường thì các Hội chợ du lịch thiên về triển lãm, giới thiệu phong cảnh, văn hóa, lễ hội. Hội chợ VITM được tổ chức theo hướng là nơi để các doanh nghiệp và khách du lịch trao đổi, bán buôn, bán lẻ các sản phẩm du lịch. Khách tham gia hội chợ được tiếp cận trực tiếp với các sản phẩm du lịch. Hội chợ là thị trường dành cho người đi du lịch và doanh nghiệp du lịch. Năm 2013, tại Hội chợ các doanh nghiệp đã bán được khoảng 6.000 tour và khoảng 10.000 vé máy bay. Năm 2014, chúng tôi tin rằng con số này sẽ cao hơn, do các hãng hàng không và các doanh nghiệp đã tham gia rất tích cực, chuẩn bị hàng loạt những tour với giá chỉ bằng 40 – 60% giá thông thường.
VITM Hanoi 2014 hứa hẹn những thành công mới trong việc cung cấp sản phẩm kích cầu cho du khách.
Xin ông cho biết, trong quá trình tổ chức, VITM Hanoi 2014 đã gặp những khó khăn/thuận lợi nào?
Thuận lợi là các doanh nghiệp rất tích cực tham gia hưởng ứng, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài, họ đã nhìn thấy ở hội chợ VITM lợi thế để thu hút du khách. Khó khăn là do phương thức xã hội hóa khiến cho việc huy động nguồn lực không dễ dàng, Ban Tổ chức phải rất cân nhắc về chi phí để các doanh nghiệp có mức đóng góp thấp nhất và đem lại hiệu quả cao nhất. Khó khăn tiếp theo là về nhận thức của các đơn vị tham gia hội chợ. Một số đơn vị vẫn tham gia với tinh thần triển lãm, chưa đưa ra được những sản phẩm độc đáo, hấp dẫn.
Sau thành công của VITM Hanoi 2013, Hội chợ được đánh giá là sự kiện tiêu biểu của ngành Du lịch Việt Nam, ông kỳ vọng như thế nào vào VITM Hà Nội 2014, thưa ông?
Thành công của VITM 2013 tương đối bất ngờ ngay với Ban Tổ chức, bởi số doanh nghiệp tham gia rất lớn và sự hưởng ứng nhiệt tình của khách tham quan hội chợ. Chúng tôi hi vọng các sự kiện diễn ra trong VITM 2014 sẽ phong phú hơn, hấp dẫn du khách hơn, thực sự trở thành nơi để các doanh nghiệp và người du lịch tìm kiếm cơ hội kinh doanh cũng như cơ hội tìm kiếm các dịch vụ du lịch tốt nhất, phù hợp nhất với nhu cầu của mình.
Chúng tôi tin tưởng rằng VITM sẽ thực sự trở thành “chợ du lịch” lớn nhất trong khu vực.
Ông có thể nói thêm về sự liên kết, hợp tác giữa ngành Du lịch và các ngành khác trong Hội chợ VITM Hanoi 2014?
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Bởi vậy, hội chợ có sự tham gia của rất nhiều ngành khác, tiêu biểu là ngành Hàng không. Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam đã tham gia rất tích cực, là nhà tài trợ kim cương và nhà vận chuyển chính trong hội chợ. Ngoài ra về mặt thương mại, cũng có một số hàng hóa chuyên phục vụ cho khách du lịch như các hàng lưu niệm, thủ công mỹ nghệ tiêu biểu được giới thiệu tại hội chợ. Bên cạnh đó, còn có một số sản phẩm như ẩm thực, trang phục, văn hóa dân tộc thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa du lịch với các ngành kinh tế khác.
Trang Đào (thực hiện)