Với phương thức sản xuất, nguồn nguyên liệu để sản xuất ma túy tổng hợp ngày càng đa dạng, các tổ chức tội phạm đã và đang liên kết trong nước và ngoài nước thành các băng nhóm tội phạm ma túy quốc tế tham gia mua bán, vận chuyển ma túy tổng hợp, tiền chất để điều chế ma túy.
Vì vây, việc đấu tranh chống tội phạm sản xuất, buôn bán ma túy tổng hợp, việc kiểm soát chặt chẽ tiền chất không để thất thoát vào điều chế ma túy là một nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với cơ quan chức năng của các nước trong khu vực và Việt Nam.
Ngoài công tác xác minh thông tin của các ngành chức năng trong quá trình kiểm soát, phối hợp xây dựng văn bản pháp luật, phối hợp kiểm tra hướng dẫn... đã được chú trọng và tiến hành thường xuyên thì công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy đã phát huy hiệu quả, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm sử dụng tiền chất để sản xuất ma túy tổng hợp.
Từ kinh nghiệm trong công tác quản lý và kiểm soát tiền chất của Thái Lan, qua thực tiễn trong nước có thể rút ra một số mặt hạn chế cần khắc phục trong công tác kiểm soát tiền chất ở nước ta đó là: công tác phổ biến kiến thức pháp luật chưa thường xuyên, sâu rộng đến các đơn vị, doanh nghiệp có hoạt động liên quan đến tiền chất; chưa xây dựng được mối quan hệ đối tác với các doanh nghiệp này; công tác kiểm soát tiền chất mới chỉ tập trung chú ý ở khâu xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất; các đơn vị chức năng chưa kiểm soát chặt chẽ hoạt động phân phối, mua bán, sản xuất, sử dụng tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần; các quy định quản lý, kiểm soát thuốc thành phẩm có chứa tiền chất trong lĩnh vực y tế hiện đã khá chặt chẽ nhưng vẫn bị tội phạm lợi dụng để sản xuất ma túy tổng hợp bất hợp pháp; việc mua bán tiền chất trong lĩnh vực công nghiệp vẫn diễn ra phức tạp, một số loại tiền chất vẫn trôi nổi trên thị trường, gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm soát.
Để nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát tiền chất trong thời gian tới, cơ quan chức năng nên tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn về công tác quản lý và kiểm soát tiền chất cho phù hợp với tình hình mới.
Bên cạnh đó, cần tăng cường tổ chức các khóa tập huấn, hội thảo để nâng cao nhận thức về công tác kiểm soát tiền chất, xây dựng mối quan hệ đối tác với các doanh nghiệp có liên quan đến tiền chất; tập trung vào công tác kiểm soát đến các khâu cuối cùng, đảm bảo không để tiền chất thất thoát vào sản xuất ma túy bất hợp pháp; thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành nhằm chấn chỉnh những tồn tại, thiếu sót và hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện tốt công tác quản lý, kiểm soát thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất.
Đức Nguyễn