Đến với Vĩnh Phúc, du khách được hòa mình vào thiên nhiên, tận hưởng không gian sống tuyệt vời tại Tam Đảo mù sương, bồng bềnh trên mặt hồ thơ mộng Đại Lải; được đến với Phật về với Quốc Mẫu Tây Thiên linh thiêng; khám phá những giá trị văn hóa, lễ hội, ẩm thực, làng nghề truyền thống đặc sắc của dân tộc và được làm quen với những con người mến khách nơi đây.
Danh lam thắng cảnh
Tam Đảo
Khu du lịch Tam Đảo thuộc thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo. Từ lâu Tam Đảo đã được mệnh danh là nàng mây xứ Bắc, biết bao du khách mong có được khoảng thời gian thưởng ngoạn, nghỉ dưỡng tại nơi này. Khí hậu ở đây rất độc đáo, có bốn mùa trong một ngày: buổi sáng se se gió xuân, buổi trưa nắng ấm mùa hạ, buổi chiều lãng đãng heo may mùa thu, buổi tối lạnh giá mùa đông. Đến với Tam Đảo, du khách có thể tham quan hệ thống các di tích: đền Chân Suối, đền Đức Thánh Trần, nhà thờ Tam Đảo, đền Bà Chúa Thượng Ngàn, khu lưu niệm Bác Hồ; chiêm ngưỡng thác Bạc nước trắng xóa chảy suốt bốn mùa hoặc leo hơn 1.000 bậc lên tháp truyền hình Tam Đảo, khám phá Vườn quốc gia Tam Đảo, chinh phục các đỉnh núi Thạch Bàn, Phù Nghĩa, Thiên Thị, Rùng Rình... Sau khi thưởng thức các món ăn hấp dẫn của địa phương được chế biến từ su su, gà đồi, cá suối… quý khách có thể mua su su, chuối, mít, mật ong… là những sản vật đặc trưng của Tam Đảo về làm quà.
Hồ Đại Lải
Với diện tích khoảng 525ha, hồ Đại Lải như một viên ngọc quý được con người tạo ra giữa trập trùng núi rừng. Nơi đây cách thành phố Vĩnh Yên khoảng 25km và chỉ cách Hà Nội hơn 1 giờ lái xe. đến với Đại Lải du khách có thể dạo chơi, tắm mát hoặc lênh đênh trên các con tàu du lịch thưởng ngoạn vẻ đẹp của hồ, tham quan đảo Ngọc xinh đẹp và thưởng thức các món ăn đặc trưng.… du khách cũng có thể tham quan các làng bản dân tộc Sán Dìu, hang Dơi và trải nghiệm không gian sống lý tưởng tại Flamingo Đại Lải Resort. Đây thực sự là điểm vui chơi, nghỉ dưỡng cuối tuần của du khách.
Đầm Vạc
Đây là đầm nước tự nhiên có cảnh quan đẹp, nên thơ, có vai trò điều tiết khí hậu cho thành phố Vĩnh Yên và là điểm du lịch hấp dẫn. Đầm Vạc có mặt nước rộng mênh mông và luôn trong xanh, có rất nhiều loài chim, vạc, bồ nông, cò, vịt trời... tìm về kiếm thức ăn và trú ngụ (nên được người dân gọi là đầm Vạc). Đến đây, du khách có thể tham quan di tích đền Và, Khu du lịch sinh thái Sông Hồng Thủ đô…; thưởng thức các món ăn chế biến từ tôm, cá đánh bắt tại đầm và món đặc sản tép dầu đầm Vạc nổi tiếng.
Hồ Thanh Lanh, thác Ba Ao
Hồ Thanh Lanh và thác Ba Ao là hai địa danh phượt được giới trẻ yêu thích thuộc xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên. Hồ rộng khoảng 120ha, mang những nét hoang sơ của tự nhiên, được hình thành từ sự kết hợp của vùng thung lũng và các đồi núi nhỏ có độ cao khoảng 100m. Đi qua hồ Thanh Lanh khoảng 5km xuyên qua những con đường mòn rợp bóng mát, những đồng cỏ rộng thênh thang, những đoạn suối nước chảy róc rách là tới thác Ba Ao. Thác có 3 tầng nước trong vắt, tuyệt đẹp còn giữ được vẻ hoang sơ. Đến đây, du khách có thể hòa mình với thiên nhiên, khám phá nét đẹp tự nhiên kỳ thú, tách biệt khỏi thế giới ồn ào của thành thị.
Di tích Lịch sử - Văn hóa
Vĩnh Phúc nằm trong dòng chủ lưu lịch sử phát triển dân tộc, thuộc bộ Văn Lang thời các vua Hùng dựng nước và là vùng đất nằm liền kề 2 trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa của nước Việt Nam thời cổ, đó là kinh đô Cổ Loa thời An Dương Vương và kinh đô Thăng Long - Đông Đô, nay là thủ đô Hà Nội. Vĩnh Phúc là một trong “tứ trấn” phên dậu của kinh thành Thăng Long xưa. Trải qua quá trình phát triển thăng trầm của lịch sử cho đến ngày nay, trên địa bàn tỉnh còn lưu giữ hệ thống tài nguyên du lịch nhân văn phong phú, với các lễ hội truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ độc đáo và các sản phẩm thủ công, làng nghề truyền thống, trò chơi dân gian đặc sắc cùng nhiều món ăn đặc sản mang đậm màu sắc địa phương...
Khu di tích danh thắng Tây Thiên
Khu di tích và danh lam thắng cảnh Tây Thiên thuộc xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, cách Vĩnh Yên 25km. đây được coi là một trong những nơi phát tích của Phật giáo Việt Nam và là nơi thờ tự chính Quốc mẫu Tây Thiên - vợ Hùng Chiêu Vương, vị Quốc mẫu có công giúp vua dẹp giặc, mở mang bờ cõi, thống nhất giang sơn, dạy dân trồng lúa, giữ lửa trong buổi bình minh của dân tộc. Hàng năm, nhân dân Tam Đảo đều tổ chức lễ hội (chính hội vào ngày 15/2 âm lịch) để tưởng nhớ công ơn của Quốc mẫu.
Tây Thiên là vùng đất thấm đẫm văn hóa tâm linh, tôn giáo, phong cảnh núi non hùng vĩ. Tại đây, tín ngưỡng thờ Mẫu và Phật giáo hòa quyện vào nhau, tạo thành một bầu không khí thanh tịnh, linh thiêng ít nơi nào có được. Vì vậy, những người hành hương tới đây luôn tin rằng những nguyện ước của mình sẽ được chứng tâm và trở thành hiện thực. Tây Thiên có hệ động thực vật phong phú, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ với suối Vàng, thác Bạc, khe Trường Sinh, suối Giải Oan, cây đa 9 cội… Khách hành hương đến Tây Thiên có thể leo bộ hoặc đi cáp treo để chinh phục đoạn đường từ chân núi đến đền Thượng. Ngày 23/12/2015, quần thể Khu di tích và danh lam thắng cảnh Tây Thiên vinh dự được nhà nước xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt.
Đại Bảo tháp Tây Thiên
Trong đạo Phật, đặc biệt trong quan kiến Kim Cương thừa, bảo tháp có ý nghĩa vô cùng quan trọng vì là nơi chứa đựng tâm giác ngộ của chư Phật. Tọa lạc dưới chân núi Thạch Bàn, Đại Bảo tháp do đích thân Đức Pháp vương Gyalwang Drukpa lựa chọn địa điểm và thiết kế. Khu đất được chọn có địa thế long chầu hổ phục, là nơi quy tụ linh khí của đất trời. Đại Bảo tháp Mandala Tây Thiên có diện tích 1.500m2, cao 37m là kiệt tác kiến trúc Phật giáo Kim Cương thừa đầu tiên tại Việt Nam. Theo quan niệm của Truyền thừa Drukpa, bảo tháp như viên ngọc như ý, có quyền năng viên mãn mọi lời cầu nguyện. Chúng sinh bất cứ ai với tấm lòng trong sạch, nhiễu quanh tháp, chiêm bái tháp sẽ cảm thấy tâm hồn thư thái, như được gột sạch mọi muộn phiền. Đại Bảo tháp Mandala góp phần tôn vinh giá trị tâm linh và văn hóa của Tây Thiên cũng như Phật giáo Việt Nam.
Tháp Bình Sơn - chùa Vĩnh Khánh
Tháp Bình Sơn nằm trong khuôn viên chùa Vĩnh Khánh hay còn gọi là chùa Then thuộc thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô. Tháp được xây vào thời Lý - Trần thế kỷ 13. Đây là ngôi tháp cao nhất, nguyên vẹn nhất và là di tích điển hình của Vĩnh Phúc, thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu, các nhà khoa học; đồng thời là cây tháp bằng đất nung xưa nhất hiện còn lại ở miền Bắc. Theo các nhà nghiên cứu, khi mới xây dựng tháp có 13 tầng, trên đỉnh có hình búp sen tạo dáng vút lên trời xanh, hiện nay tháp chỉ còn 11 tầng tháp và 1 tầng bệ cao khoảng 16,5m. Du khách đến tháp Bình Sơn, lễ chùa Vĩnh Khánh sẽ được nghe kể nhiều truyền thuyết thú vị, ly kỳ. Tháp Bình Sơn được công nhận di tích quốc gia đặc biệt năm 2015.
Hệ thống thiền viện ở Vĩnh Phúc
Không chỉ mang đến cảm giác an nhiên tự tại, Trúc Lâm Tây Thiên, Trúc Lâm An Tâm, Trúc Lâm Tuệ Đức như những bông hoa nở giữa đại ngàn làm say đắm lòng người với bức tranh sơn thủy hữu tình, tuyệt đẹp.
Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên
Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên thuộc xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, là một công trình kiến trúc độc đáo, tọa lạc trên sườn núi cao, được xây dựng bề thế mà vẫn hài hòa với thiên nhiên. Thiền viện được xây dựng với ý nguyện phục hưng Phật giáo tại nơi sơ khai này. Nơi đây đã trở thành điểm đến của khách hành hương, du khách trong và ngoài nước; các chính khách, học giả cũng đến vãn cảnh, tìm hiểu về Phật pháp, tinh thần thiền tông đời Trần và con đường tu theo đạo Phật.
Thiền viện Trúc Lâm An Tâm
Thiền viện Trúc Lâm An Tâm nằm gần Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên. Đây là không gian tu tập của chư ni (do đó còn được gọi là Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên Ni), cùng với các thiền viện, thiền tự trong tông môn góp phần xiển dương chính pháp và xiển dương dòng thiền Trúc Lâm. Đến đây, du khách được hòa mình vào không gian thiên nhiên và nghe ni sư thuyết giảng giáo lý. Bạn sẽ bỏ lại phía sau những lo toan của cuộc sống, được thẩm thấu những triết lý tốt đẹp, trở về với nguồn năng lượng tràn đầy và mong được trở lại nơi đây nhiều lần.
Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức
Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức được xây dựng trên nền phế tích chùa Kim Tôn, có từ trên 700 năm trước. Với công đức vô lượng của quý phật tử gần xa, ngôi thiền viện khang trang đã được hình thành tại xã Đồng Quế, huyện Sông Lô. Thiền viện tọa lạc trên một địa thế đẹp tựa núi nhìn sông. Từ ngôi chính điện, du khách có thể nhìn thẳng ra sông Lô và một chiếc hồ lớn hình một chú rùa đang cõng cả quả núi trên lưng. Ngoài vãn cảnh chùa, du khách có thể khám phá vẻ đẹp tháp Bình Sơn - chùa Vĩnh Khánh, hồ Bò Lạc, vườn cò Hải Lựu, trải nghiệm một số hoạt động cùng dân bản địa và thưởng thức các món ăn theo mùa rất thú vị.
Làng nghề truyền thống
Làng mộc Bích Chu
Nằm ở vùng đất bãi bên bờ sông Hồng thuộc huyện Vĩnh Tường, làng mộc Bích Chu như nét nhấn trong bức tranh tổng thể của làng quê Vĩnh Phúc, tồn tại cách ngày nay khoảng 300 năm. Ở đây, người thợ không chỉ làm ra đồ gỗ dân dụng bình dân như tủ, giường, bàn ghế mà còn sáng tạo ra những sản phẩm có giá trị mỹ thuật cao gồm các tượng gỗ bày ở điện thờ, đình miếu, những bức đại tự sơn son thếp vàng mang đậm nét văn hóa truyền thống. Làng mộc Bích Chu là điểm tham quan phù hợp với những tour dọc sông Hồng.
Làng rắn Vĩnh Sơn
Đây là làng nghề truyền thống có từ lâu đời thuộc xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường. Ngày xưa từ việc săn bắt rắn, người dân Vĩnh Sơn đã biết chăn nuôi thuần dưỡng các loại rắn độc và chế biến các sản phẩm từ rắn như: thịt rắn, rượu rắn, cao rắn…, kinh nghiệm được đúc kết và truyền từ đời này sang đời khác, trở thành nghề đặc trưng của người dân làng Vĩnh Sơn. Các sản phẩm của làng rắn Vĩnh Sơn đã được đông đảo mọi người biết đến.
Gốm Hương Canh
"Sứ Móng Cái, vại Hương Canh" là câu nói quen thuộc từ xa xưa khẳng định thương hiệu của làng gốm Hương Canh. Làng nghề thuộc thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên chuyên làm vại, chĩnh, chậu, lọ, tiểu sành. Gốm Hương Canh chống thẩm thấu, ngăn ánh sáng, giữ được hương vị nguyên chất của những thứ đựng bên trong nên xưa nay được ưa chuộng. Hiện nay, một số nghệ nhân trẻ được đào tạo bài bản đang phát triển sản phẩm gốm mỹ nghệ phục vụ nhu cầu thị trường.
Lễ hội
Lễ hội kéo song Hương Canh
Kéo song (thị trấn Hương Canh) là một trò chơi cổ truyền, biểu dương tinh thần thượng võ của cư dân nông nghiệp, khi tham gia trò chơi này đòi hỏi người chơi phải có sự đoàn kết và mưu trí mới có thể giành được thắng lợi. Đó là những màn thi đấu quyết liệt, vui nhộn của 3 làng Hương Canh, Ngọc Canh và Tiên Hường nhằm miêu tả lại việc thao diễn thuỷ quân của vị anh hùng dân tộc Ngô Quyền. Hội diễn ra từ ngày 3 - 5 tháng giêng, nếu chưa tìm ra đội chiến thắng hội có thể diễn ra lâu hơn. Ngày 2/12/2015, nghi lễ và trò chơi kéo co (trong đó có trò kéo song Hương Canh) đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Lễ hội Tây Thiên
Lễ hội Tây Thiên diễn ra trong 3 tháng mùa xuân, chính hội là ngày 15/2 âm lịch hàng năm, được tổ chức tại Khu di tích danh thắng Tây Thiên, xã Đại Đình, huyện Tam Đảo. Đây là lễ hội lớn nhất của Vĩnh Phúc, thu hút đông đảo du khách tới hành lễ, vãn cảnh. Lễ hội Tây Thiên là một phần quan trọng trong đời sống xã hội của địa phương nhằm tưởng nhớ công ơn và tỏ lòng thành kính đối với Quốc mẫu Tây Thiên - vị Thánh đã có công dẹp giặc, giúp dân trồng lúa, chăn tằm dệt vải và giữ lửa trong buổi bình minh của dân tộc. Qua đó, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của nhân dân ta.
Lễ hội cướp phết Bản Giản
Tục đả cầu cướp phết cầu may diễn ra chiều ngày 7 tháng giêng hàng năm tại đền Đông Lai, xã Bản Giản, huyện Lập Thạch. Đây là lễ hội nhằm ôn lại việc giữ đất, trấn ải của các tướng lĩnh thời Hùng Vương, đem lại cho nhân dân trong vùng không khí háo hức mỗi độ xuân về. Tục đả cầu cướp phết Bản Giản là nét văn hóa đặc sắc, thông qua hội phết để rèn đức, luyện tài, tập hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân và cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, mọi người, mọi nhà an vui, hạnh phúc.
Ẩm thực
Vĩnh Phúc xưa nay đã nổi tiếng với những món ăn dân dã đặc sắc có thể kể đến như: gỏi cá, rượu làng Đan Trì, bánh hòn Hợp Thịnh (Tam Dương); bánh tai mèo Kẻ Mỏ, bánh đúc Kẻ Đanh (Yên Lạc); cháo se, bánh hòn, vó cần (Bình Xuyên); bánh trùng mật mía (Vĩnh Tường) tương Khả Do, Nam Viên (thị xã Phúc Yên); đậu rùa Tuân Chính (Vĩnh Tường); cá thính (Lập Thạch); mắm tép Đức Bác, chè kho Tứ Yên (Sông Lô); tép dầu đầm Vạc (thành phố Vĩnh Yên); lợn rừng, gà đồi, cơm lam, ngọn su su (Tam Đảo)… Thức uống nổi tiếng là rượu sâu chít Tam Đảo, rượu táo mèo Tam Dương, rượu dừa Tiên Tửu Ngọc Hoa, café Vĩnh Yên. Hoa quả có dứa Hướng Đạo (Tam Dương), thanh long ruột đỏ Vân Trục (Lập Thạch)…
Hiện nay, ở tỉnh Vĩnh Phúc đã hình thành phố ẩm thực ở đường Kim Ngọc đối diện hồ Trại Ổi hay như phố Chiền, đường Trần Quốc Tuấn…. phục vụ các món ăn ngon với mức giá phù hợp với các đối tượng khách. Việc hình thành chuỗi nhà hàng phục vụ ăn uống đáp ứng được nhu cầu thưởng thức các món ăn ngon, đặc sắc của những khách du lịch có mức chi trả cao hơn.
T.T