Đa dạng các sản phẩm du lịch
Vĩnh Long được biết đến là trung tâm và là hình ảnh thu nhỏ của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bởi sự đa dạng và trù phú của vùng đất giữa hai dòng sông lớn Tiền Giang và Hậu Giang. Là tỉnh ở giữa ĐBSCL có đất đai màu mỡ do được phù sa bồi đắp hàng năm, Vĩnh Long có tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn đặc sắc và địa phương biết nắm bắt thế mạnh của mình để phát triển. Tài nguyên tự nhiên được khai thác phục vụ phát triển du lịch của Vĩnh Long chính là sinh thái cảnh quan sông nước miệt vườn. Bên cạnh đó, Vĩnh Long từ xưa nổi tiếng là vùng đất học, địa linh nhân kiệt, có nhiều truyền thống văn hóa với nhiều vị anh hùng, danh nhân của quê hương, đất nước và nhiều văn hóa vật thể, phi vật thể là niềm tự hào của người dân nơi đây. Ngoài ra, Vĩnh Long còn các làng nghề hấp dẫn du khách đến trải nghiệm. Mạng lưới 30 điểm du lịch vườn gắn với di tích lịch sử văn hóa, với cuộc sống thường nhật của người dân trong môi trường văn hóa - sinh thái ở các xã cù lao Minh (cù lao An Bình) huyện Long Hồ, cù lao Dài huyện Vũng Liêm… cũng góp phần đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, tạo điểm nhấn, làm mới mô hình du lịch. Chính vì thế, tỉnh đã sớm triển khai “Đề án phát triển du lịch ĐBSCL đến năm 2020” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để khai thác và phát huy tốt lợi thế sản phẩm du lịch đặc thù như các loại hình du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn, tham quan di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề… Nghị quyết số 01-NQ/TU được Tỉnh ủy Vĩnh Long ban hành ngày 6/11/2015 về phát triển du lịch Vĩnh Long giai đoạn 2015 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trong đó xác định quan điểm: “Xác định phát triển du lịch là ngành kinh tế, văn hóa quan trọng của tỉnh về lâu dài, góp phần thực hiện công tác đối ngoại, quảng bá đất nước, con người của tỉnh, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống nhân dân; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển du lịch bền vững theo hướng hội nhập quốc tế, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Đề án phát triển du lịch đặc thù đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của tỉnh…”. Như vậy, tinh thần chung là xác định du lịch Vĩnh Long từ ngành kinh tế quan trọng thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa Vĩnh Long trở thành điểm đến hấp dẫn trong khu vực và cả nước.
Du lịch sinh thái miệt vườn ở cù lao An Bình
Cù lao An Bình là cù lao nằm giữa sông Tiền và sông Cổ Chiên, thuộc huyện Long Hồ. Nơi đây có nhiều kênh rạch, đất đai màu mỡ phù sa, cây trái tươi tốt, dân cư đông đúc mang lại cho du khách cảm giác thanh bình êm ả. Trên cù lao An Bình có hơn 20 điểm du lịch vườn hoạt động theo loại hình homestay, hàng năm thu hút hơn 200 ngàn lượt khách du lịch nước ngoài đến tham quan, nghỉ dưỡng và tìm hiểu tập quán sinh hoạt của cư dân địa phương. Hầu hết các điểm du lịch đều nằm trên tuyến đường giao thông đường sông nên rất thuận tiện tham quan bằng ghe thuyền.
Đến nơi đây, khách du lịch sẽ có dịp ngồi trên chiếc xuồng nhỏ len lỏi vào trong những vườn cây trái trĩu quả; tham quan vui chơi tại các nhà vườn, tự tay hái thoải mái và thưởng thức các loại trái cây; thưởng thức những món ăn đặc sản “miệt vuờn” từ chính tay người chủ vườn chế biến; thăm Khu du lịch sinh thái Vinh Sang với nhiều trải nghiệm lý thú. Đặc biệt, đến với 4 xã cù lao An Bình, du khách có thể nghỉ dưỡng tại những nhà vườn theo loại hình du lịch homestay: Năm Thành homestay, Ba Lình homestay, Phương Thảo homestay, Út Trinh homestay, Út Thủy homestay... Tại đây, du khách “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với người dân địa phương, thông qua chuyện trò giao lưu và trải nghiệm cách chế biến các món ăn truyền thống...
Du lịch văn hóa, lễ hội
Theo thống kê của Cục Di sản Văn hóa, tính đến năm 2015, Vĩnh Long có tổng số 450 di tích, trong đó có 11 di tích cấp quốc gia, 44 di tích cấp tỉnh. Một số di tích thu hút nhiều lượt khách tham quan góp phần đưa tổng số khách đến các điểm này đạt trên một triệu lượt hàng năm như Khu lưu niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (huyện Vũng Liêm), Khu lưu niệm cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng (huyện Long Hồ), Khu di tích lịch sử cách mạng Cái Ngang (huyện Tam Bình), Khu lưu niệm cố GS-VS Trần Đại Nghĩa, Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long...
Vĩnh Long hiện có nhiều lễ hội truyền thống được tổ chức trong các mùa trong năm. Người Kinh ngoài Tết Nguyên đán còn có Lễ hội Kỳ Yên, Lễ Hạ Điền, Lễ Thượng Điền…; người Hoa có Lễ Vía Bà, Vía Phước Đức Chánh thần, Vía Ông…; người Khmer có Lễ Sen Dolta, Lễ Chol Chnam Thmay, Lễ Ok Om Bok… Ngoài ra, ở Vĩnh Long có một số lễ hội trở thành lễ hội chung của nhiều địa phương, chẳng hạn như Lễ giỗ tại Lăng Ông Tiền Quân Thống Chế Điều Bát Nguyễn Văn Tồn (huyện Trà Ôn), là lễ giỗ có tính giao hòa mang đủ màu sắc văn hóa của đồng bào ba dân tộc Kinh, Hoa, Khmer của tỉnh Vĩnh Long.
Vĩnh Long có hơn 10 ngôi chùa được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Các hoạt động lễ nghi, các buổi thuyết pháp, khóa tu mùa hè, an cư kiết hạ, các hoạt động thiện nguyện… được tổ chức thường xuyên đã thu hút ngày càng đông phật tử, du khách đến chiêm bái, học Phật và làm nhiều việc từ thiện ý nghĩa cho đời. Nếu đưa các công trình tôn giáo này vào du lịch chắc hẳn sẽ đạt hiệu quả bởi nơi đây không chỉ đón khách hành hương - giao lưu Phật giáo ở từng địa phương mà còn có thể đón khách tham quan, chiêm bái Phật cũng như tìm hiểu các thông tin tư liệu về lịch sử, văn hóa nói chung và về Phật giáo nói riêng phục vụ cho việc nghiên cứu học tập.
Du lịch làng nghề
Vĩnh Long có 29 làng nghề trong tổng số 80 làng có nghề và làng nghề truyền thống đang hoạt động hiệu quả, có quy mô tương đối lớn, được UBND tỉnh công nhận. Hiện có 4 làng nghề truyền thống được Cục Sở hữu Trí tuệ công nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể như nghề se lõi lát ở Vũng Liêm, đan thảm lục bình ở Tam Bình, sản xuất gạch - gốm ở Măng Thít, bánh nem cù lao Mây Trà Ôn… Những năm qua, một số làng nghề đã xây dựng được thương hiệu riêng cho sản phẩm của mình, có những sản phẩm trở thành những sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh, góp phần phát huy di sản trong hoạt động kinh tế, phát triển du lịch.
Thưởng thức đờn ca tài tử trên sông
Hiện nay, phục vụ đờn ca tài tử chủ yếu là tại các nhà vườn hoặc trên tàu nhà hàng, điều này vẫn chưa thể hiện hết sức hấp dẫn đối với du khách. Vĩnh Long có thể học theo cách làm du lịch của Huế, áp dụng việc phục vụ đờn ca tài tử trên sông, hay cách làm du lịch của vịnh Hạ Long là nhà nghỉ trên thuyền…
Hát bội - sản phẩm du lịch độc đáo ở Vĩnh Long
Vĩnh Long là một trong số ít các tỉnh thành trong khu vực ĐBSCL còn tồn tại đoàn hát bội. Gánh hát Đồng Thinh của tỉnh gây ấn tượng không chỉ bởi từng được Bộ Văn hóa - Thông tin chọn đi biểu diễn tại Lễ hội Smithsonian, Washington Mỹ năm 2007 mà còn là gánh hát có truyền thống lâu đời với các thế hệ nối tiếp nhau theo nghề. Khi đến xem hát bội, khách không chỉ nghe hát mà còn được giao lưu với các nghệ nhân, tìm hiểu những điệu bộ, cách trang điểm mặt dữ, mặt hiền… Tuy nhiên, do chi phí tổ chức khá lớn, nên để có thể tổ chức thêm nhiều chương trình giới thiệu, tạo nét riêng, sản phẩm đặc thù cho Vĩnh Long cần có sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp, các cơ quan…
Du lịch nông nghiệp
Là một tỉnh thuần nông, Vĩnh Long có nhiều tiềm năng và lợi thế về sông, nước để phát triển loại hình du lịch nông nghiệp. Người nông dân sản xuất quy mô hộ gia đình, sản phẩm mang tính đơn lẻ, chưa liên kết với nhau, chưa tạo ra chuỗi giá trị bền vững cho các sản phẩm du lịch, các nông hộ chỉ thực hiện theo yêu cầu của các doanh nghiệp lữ hành, chưa có khả năng tạo ra sản phẩm mới chất lượng phục vụ du khách. Theo thời gian, việc trao đổi, mua bán hàng hóa dần trở nên chuyên nghiệp, chất lượng sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ ngày càng được quan tâm phát triển theo hướng phục vụ du khách, hình thành nên những nông trang, vùng sản xuất chuyên canh gắn với du lịch như vùng sản xuất cải xà lách xoong ở Bình Minh, khoai lang Bình Tân, các vườn chuyên canh cây ăn trái phục vụ du khách như vườn bưởi Mỹ Hòa, Bình Minh, vườn trái cây bốn mùa ở cù lao An Bình, Long Hồ, các điểm du lịch homestay như Út Trinh, Phương Thảo… Nhìn chung, du lịch gắn với nông nghiệp đã từng bước đáp ứng nhu cầu của du khách khi đến Vĩnh Long. Đến đây, du khách tham gia trải nghiệm hoạt động sản xuất của người nông dân, tham quan cảnh vùng quê và những hoạt động như chèo thuyền thưởng ngoạn phong cảnh ven sông, chạy xe đạp trên đường làng, tham gia sản xuất và các hoạt động văn hóa địa phương...
Tuy nhiên, hiện nay Du lịch Vĩnh Long mới dừng lại ở khai thác tiềm năng sẵn có, chưa có những quy hoạch chiến lược về tổng thể; cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch như bến tàu chưa đạt chuẩn, chưa có những khách sạn chuẩn 4 - 5 sao để phục vụ cho nhu cầu du lịch chất lượng cao, phương tiện giao thông phục vụ du lịch vẫn đang ở tình trạng yếu và thiếu; nguồn nhân lực hoạt động trong du lịch thiếu tính chuyên nghiệp, thường xuyên thay đổi, chưa được đào tạo kịp thời, nên chất lượng phục vụ còn hạn chế; tính liên kết, hợp tác giữa các đơn vị kinh doanh du lịch trong tỉnh cũng như ngoài tỉnh chưa bền vững, phần lớn các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh hoạt động kinh doanh với tính chất hộ cá thể, do vậy việc đầu tư mở rộng quy mô còn hạn chế, chưa quan tâm đến việc tham gia vào các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch của tỉnh…
Phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng ở Vĩnh Long
Thứ nhất, cần tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng tích cực tham gia vào quá trình giám sát thực hiện quy hoạch phát triển du lịch trên nền văn hóa đang thường xuyên diễn ra ở chính nơi gắn liền cuộc sống của cộng đồng. Từ đó, cộng đồng mới được nâng cao nhận thức về giá trị cùng những biến đổi ở mảnh đất mình gắn bó, để có trách nhiệm hơn, tích cực hơn trong việc bảo vệ các giá trị tự nhiên, văn hóa truyền thống trong quá trình phát triển du lịch.
Thứ hai, môi trường văn hóa và du lịch cần được quan tâm đồng bộ. Không vì phát triển du lịch mà ảnh hưởng đến môi trường văn hóa, xã hội. Có chính sách giám sát, chế tài đối với tất cả các cơ sở lưu trú, ẩm thực, đưa đón chuyên chở khách trên bộ dưới sông… nhằm ngăn ngừa tình trạng xả rác bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường sinh thái mất mỹ quan cảnh quan…
Thứ ba, cần đầu tư đồng bộ về kinh phí, trí tuệ để không ngừng nâng cao, chuyển hóa linh hoạt, đa dạng hóa chất lượng sản phẩm du lịch hiện đang vận hành, không ngừng sáng tạo xây dựng ngân hàng ý tưởng, phát triển sản phẩm du lịch mới. Coi trọng chất lượng dịch vụ, giữ gìn vệ sinh, an toàn thực phẩm, có biện pháp quyết liệt phòng chống tệ nạn “chặt chém”, ép giá, cò mồi, chèo kéo…, xem đây như một yếu tố tiên quyết cho sự thu hút khách.
Thứ tư, tích cực thực hiện xã hội hóa trong công tác đầu tư phát triển du lịch như khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động kinh doanh du lịch dưới các hình thức đa dạng hóa loại hình du lịch, trong đầu tư bảo tồn, tôn tạo di tích, các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian, các làng nghề, các giá trị tài nguyên và môi trường cho phát triển du lịch.
Thứ năm, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch cần được đầu tư về nội dung và hình thức, nhất là cần chủ động lập kế hoạch tham gia các hội chợ, hội thảo, các sự kiện về du lịch trong và ngoài tỉnh. Đầu tư đổi mới thiết kế, market các ấn phẩm du lịch như bản đồ du lịch, sách du lịch, đĩa VCD, nội dung hình ảnh trên trang web… để tạo sự hấp dẫn và phong phú, dễ tra cứu.
Thứ sáu, cần có chính sách khuyến khích các địa phương cùng một vùng tăng cường liên kết trong tổ chức xây dựng và thực hiện quy hoạch, phát triển sản phẩm, kết nối các tour, tuyến, xúc tiến quảng bá, xây dựng thương hiệu. Sự gắn bó chặt chẽ của các doanh nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng trong quá trình liên kết làm tăng thêm sức hấp dẫn và giá trị thương hiệu. Các mối liên kết này là nhân tố đảm bảo sự phát triển bền vững của hoạt động du lịch, đặc biệt là hoạt động quảng bá xúc tiến.
Nghị quyết số 21/NQ-HĐND ngày 3/8/2016 của HĐND tỉnh về việc thông qua Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2030 không chỉ nhằm mục tiêu tạo điều kiện sống tốt cho con người mà còn làm cơ sở cho phát triển ngành Du lịch xanh và bền vững, mang đến cho khách những trải nghiệm thú vị nhưng vẫn làm giảm bớt các tác động tiêu cực tới môi trường. Để đến năm 2030 du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như Nghị quyết 01/NQ-TU đã xác định, cần xây dựng thương hiệu du lịch cho Vĩnh Long tương xứng với tiềm năng sẵn có…
ThS. Trần Thanh Thảo Uyên
(Trường Đại học Đồng Tháp)