Tổng Thư ký Liên Hợp quốc: Tái thiết ngành Du lịch theo hướng an toàn, công bằng và thân thiện với môi trường
(Tạp chí Du lịch) – Trong thông điệp phát đi ngày 25/8/2020, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres nhắc lại những tác động của Covid-19 tới ngành Du lịch và nhấn mạnh tính cấp thiết của việc xây dựng lại ngành Du lịch theo hướng an toàn, công bằng và thân thiện với môi trường để mang lại việc làm, thu nhập và bảo vệ các di sản văn hóa - thiên nhiên.
Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres có bài phát biểu ngắn chủ đề "Covid-19 và Chuyển đổi trong ngành Du lịch", làm rõ tác động của đại dịch đối với du lịch toàn cầu và ảnh hưởng của nó tới cả việc làm, kinh tế, bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ các di sản văn hóa. Theo báo cáo của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), có tới 100 triệu việc làm trực tiếp trong ngành Du lịch bị đe dọa, và sự sụt giảm lớn trong doanh thu xuất khẩu từ du lịch có thể giảm 2,8% GDP toàn cầu. Hơn nữa, sự sụt giảm nguồn thu du lịch cũng đã cắt đứt nguồn tài trợ cho bảo tồn đa dạng sinh học cũng như các sinh kế xung quanh các khu bảo tồn, có khả năng dẫn đến sự gia tăng các vụ cướp bóc và săn trộm. Hơn 90% di sản thế giới đang gặp khó khăn từ việc đóng cửa do tác động của dịch bệnh.
Chính vì vậy, ông Antonio Guterres nhấn mạnh sự cấp thiết của việc xây dựng lại ngành Du lịch theo hướng an toàn, công bằng và thân thiện với môi trường; nhằm lấy lại vị thế là ngành kinh tế cung cấp số lượng lớn việc làm, thu nhập bền vững và sự bảo vệ cho các di sản thiên nhiên, di sản văn hóa. Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres cũng nhấn mạnh thêm rằng du lịch là một trong những ngành kinh tế quan trọng nhất trên thế giới khi cung cấp sinh kế cho hàng trăm triệu người; thúc đẩy kinh tế và sự thịnh vượng cho nhiều quốc gia; đồng thời, tạo cơ hội cho mọi người trải nghiệm sự phong phú về văn hóa và thiên nhiên trên thế giới, đề cao tính nhân văn và mang mọi người đến gần nhau hơn.
Bài phát biểu của Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres cũng đặt ra 5 ưu tiên để khởi động lại ngành Du lịch, hướng tới một ngành kinh tế sạch - "carbon trung tính", linh hoạt và bao trùm. Đó là, Giảm thiểu tác động kinh tế - xã hội tới sinh kế, đặc biệt là tới việc làm của phụ nữ và an ninh kinh tế; Nâng cao khả năng cạnh tranh và xây dựng khả năng phục hồi, bao gồm đa dạng hóa kinh tế và khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ; Thúc đẩy đổi mới và chuyển đổi số; Thúc đẩy tăng trưởng xanh và bền vững; Tăng cường tập trung vào phối hợp và lãnh đạo có trách nhiệm.
HN