Với bộ sưu tập hàng trăm cây đào rừng, trong đó có những cây đào cổ thụ đã gần trăm năm tuổi, thân gốc xù xì, cành hoa mềm mại, cánh hoa mỏng manh, màu hoa ánh lên sắc thắm như đưa du khách lạc bước vào tiên cảnh, vừa tràn trề sức xuân, vừa sâu lắng, quyến rũ, khơi gợi trong lòng người rất nhiều cung bậc xúc cảm. Một nhà thơ nổi tiếng khi đến thăm vườn đào Việt Xưa vào mùa xuân, khi những cánh đào bung tràn sức sống, đã phải thốt lên rằng: “Sắc đào Việt Xưa đã chạm đến tận cùng tâm hồn người Việt”.
Chủ nhân vườn đào đã tốn nhiều công sức và tâm huyết để thực hiện ý tưởng mang cả “núi rừng” về gần thành thị. Muốn làm được điều đó, những người nghệ nhân đầy kinh nghiệm phải dày công tìm kiếm những cây đào đẹp từ núi rừng Sơn La, Lào Cai… Công đoạn “thương thuyết” để mua được đào cũng không hề đơn giản. Có những cây đào đã được người dân trồng và chăm sóc hàng chục năm, qua nhiều thế hệ, đến nỗi đã trở nên thân thương, gắn bó với họ như một thành viên trong gia đình. Chỉ đến khi biết đào sẽ được đem về trồng ở Việt Xưa, họ mới đồng ý vì tin tưởng rằng cây đào của họ sẽ được tồn tại và phát triển trong một môi trường tốt, được chăm sóc và trở thành một phần của bộ sưu tập có giá trị về văn hoá và tinh thần.
Để đánh được những cây đào nhiều năm tuổi về trồng ở Việt Xưa cũng lại là một “kỳ công” mà chỉ có người yêu hoa đào, yêu bộ sưu tập lắm mới có thể dày công đến vậy. Mỗi cây đào cổ thụ phải đánh dần cho đủ từng góc một của gốc cây, mỗi mùa đánh một góc, để sau đủ bốn mùa – tức là một năm, mới đánh được cả cây đào, chuyển về trồng ở vườn Việt Xưa. Nếu đánh các góc không khéo, làm cây “chột” hoặc chết cây thì coi như mất hết tiền bạc và công sức. Như vậy để thấy có được một gốc đào rừng về với vườn đào nơi thành phố mới cầu kỳ và tốn công sức biết bao. Và chẳng phụ lòng người có công, giờ đây đào Việt Xưa đã kiêu hãnh khoe sắc mỗi độ xuân về.
Không chỉ có cảnh sắc làm mê đắm lòng người, du khách đến với vườn đào Việt Xưa còn say lòng bởi hương vị cay nồng, đậm đà của hàng chục loại rượu truyền thống đặc biệt do nhà máy rượu Việt Xưa sản xuất, được lưu giữ nhiều năm chờ tới ngày “khai lộ” trước những người sành văn hóa ẩm tửu.
Mùa hoa đào năm nay, vườn đào Việt Xưa mở ra rất nhiều chương trình hấp dẫn để du khách lựa chọn tổ chức du xuân, hội nghị, lễ hội tại vườn đào. Tham gia các chương trình này, du khách có thể kết hợp tham quan vườn đào Việt Xưa với những điểm đến thú vị quanh vùng như: làng cổ Đường Lâm, chùa Mía, Thiên Sơn – Suối Ngà, Ao Vua, Đồng Mô, Khoang Xanh – Suối Tiên… hoặc các điểm du lịch tâm linh như: khu di tích Đá Chông – K9, đền thờ Bác Hồ, đền Thượng, đền Bà chúa Đá đen…ở ngay trong quần thể xung quanh khu vực vườn đào Việt Xưa.
Không chỉ có vậy, vườn đào Việt Xưa còn có các sản phẩm truyền thống: rượu Việt Xưa, trà Shan tuyết cổ thụ của Hà Giang, lụa tơ tằm… và các sản vật địa phương, sản vật núi rừng như: măng khô, nấm hương, mộc nhĩ; các sản phẩm kẹo truyền thống nổi tiếng của làng Đường Lâm như: kẹo dồi, kẹo lạc, kẹo vừng, chè lam; các loại rau quả sạch, trứng gà, mật ong; các loại bánh dân gian: bánh dầy, bánh nếp, bánh tẻ… do chính người dân địa phương nơi đây phục vụ. Với mục đích tạo ra một môi trường giao lưu văn hoá, vườn đào Việt Xưa sẽ mở cửa miễn phí để quý khách có thể đến thăm và thưởng ngoạn phong cảnh trong dịp Tết Quý Tỵ này.
Vườn đào Việt Xưa là điểm đến lắng đọng sự ấm áp và không khí Tết, mang lại cho du khách những giây phút thực sự thoải mái bên những người thân trong một không gian trong lành và mang đậm màu sắc dân tộc.
Trang Đào
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)