Mùa tết của người Mông bắt đầu vào tháng chạp âm lịch và kéo dài trong suốt 2 tháng. Người Mông Tây Bắc chơi tết từ thời điểm trước tết Nguyên đán của người Kinh một tháng và kết thúc sau tết cổ truyền của người kinh một tháng. Mùa tết, trên khắp vùng Tây Bắc đâu đâu cũng mang không khí hội hè. Những chàng trai cô gái trong trang phục truyền thống sặc sỡ cùng nhau mở hội, hội ở trong mỗi nhà, hội trong mỗi bản, hội trên nương rẫy, hội ở trên đồi....
Người Mông chuẩn bị ngày tết chu đáo. Ngày tết, ngoài thịt lợn, thịt gà, nhà nào trong bản cũng có rượu ngô và bánh giày. Rượu ngô được nấu từ trước tết hàng tháng. Rượu nấu xong đựng vào chum lớn, chum bé, đậy lá chuối rừng khô để giữ được mùi thơm. Vào những ngày giáp tết, bản Mông nhộn nhịp làm bánh giày đón năm mới. Người Mông quan niệm, bánh giày tròn tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời - là nguồn gốc sinh ra con người và vạn vật trên mặt đất. Bánh giày là thứ bánh đặc trưng của tết người Mông dùng để cúng ma nhà và cúng trời. Ở bản Mông gọi ăn tết ngày 30 là “Nò pêchấu”. Vào ngày này, các nhà trong bản uống rượu từ sáng, qua đêm 30, đến ngày mùng một tết. Vừa uống vừa tâm sự, cùng nhau nói chuyện mùa màng, làm ăn và ôn lại những chuyện đã qua. Rạng sáng mùng một tết, người Mông có tục lệ rước nước về nhà. Những nam thanh, nữ tú từng đoàn kéo nhau ra ngọn nước đầu nguồn hứng đầy ống bương, rước nước trong, nước sạch về nhà để năm mới trong nhà sáng sủa, sạch sẽ, khỏe mạnh, thu được nhiều cái mới. Mùng một, mùng hai tết, người Mông đến các nhà trong bản chúc tết, uống với nhau bát rượu, ăn với nhau miếng bánh giày, chúc nhau những điều tốt lành trong năm mới.
Ngày mùng ba tết, các bản Mông tưng bừng mở hội Gầu Tào vui xuân. Hội thường bắt đầu với tiếng khèn mời gọi mọi người tập trung về khu đất trống ngoài bản cùng dự hội xuân. Các chàng trai vừa thổi vừa múa quay người, quay nửa vòng, quay cả vòng rồi quay hất gót, quay tại chỗ… Khắp núi rừng bay bổng tiếng khèn Mông réo rắt mời gọi mọi người cùng đến chia vui ngày hội. Trong lễ hội, có những hoạt động mang đậm bản sắc, đó là trò chơi ném pao “nẩy pao” và đánh yến, ném cù... Trò chơi nào cũng thu hút được rất đông sự tham gia của mọi người bởi mỗi cuộc chơi chính là những cơ hội giao lưu, hò hẹn, để thanh niên trong bản tìm kiếm bạn tình.
Có thể nói rằng trong tất cả các trò chơi ngày xuân của người Mông ở Tây Bắc thì đàu pao là trò chơi thể thao giao duyên hấp dẫn và độc đáo. Đàu pao có nguồn gốc từ trò lải pao (ném pao hay nẩy pao) truyền thống của người Mông. Đàu pao thường được tổ chức trên một khoảnh đất rộng đã được san phẳng.
Đàu pao không chỉ là một trò chơi thể thao, giải trí đơn thuần mà còn là cơ hội để giao lưu, thể hiện tinh thần cộng đồng của người Mông. Quả pao mềm mại, người đánh đi, kẻ trao lại như một cuộc đối thoại bằng hơi ấm bàn tay trong đó gửi trao biết bao lời hò hẹn. Chính vì vậy, khi mỗi cuộc thi kết thúc, nam nữ thanh niên người Mông thường chia làm hai phía đứng đối diện nhau, họ chuyền cho nhau quả pao qua lại để có thời gian trò chuyện, tìm hiểu, giao duyên.
Cũng giống như đàu pao, hát “gầu plềnh” thu hút rất đông nam nữ thanh niên trong bản Mông tham gia bởi hát "gầu plềnh" là hát giao duyên. Những lời hát mượt mà, đằm thắm hòa quyện cùng tiếng khèn, tiếng sáo như muốn bay bổng cùng ngọn gió phiêu lãng của đất trời.
Tết trong bản Mông Tây Bắc luôn có sức hút kỳ lạ đối với du khách mỗi dịp xuân về. Trong không gian hùng vĩ của núi rừng. Ở giữa không gian đẹp như mê đắm lòng người ấy, những chàng trai Mông khỏe mạnh sánh vai cùng các cô gái trong bộ váy xòe rực rỡ cùng rộn ràng vui hội ngày xuân. Cả núi rừng Tây Bắc bừng lên sức sống mãnh liệt mỗi độ xuân về.
Kông Thanh